Tranh luận xung quanh ấn 'Sắc mệnh chi bảo'

Hoàng Minh 27/02/2016 08:04

Nhằm lấy ý kiến đóng góp chia sẻ của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về hoạt động thể nghiệm lễ khai ấn tại khu vực Điện Kính Thiên (Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội), ngày 26/2, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã tổ chức tọa đàm khoa học về ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long năm 2012 - 2014. 

Nghi lễ khai ấn tại Hoàng thành Thăng Long vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Ấn thật…

Sau khi Trung tâm Bảo tồn Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội tổ chức lễ thể nghiệm khai ấn (ngày 16/2/2016) từ hiện vật ấn “Sắc mệnh chi bảo” được khắc vào năm 1257 đời vua Trần Thái Tông, dư luận đã có nhiều ý kiến khác nhau.

Chính vì lẽ đó mà cuộc tọa đàm khoa học về ấn “Sắc mệnh chi bảo” là dịp để các nhà khoa học, các chuyên gia trao đổi ý kiến nhằm làm rõ những vấn đề còn chưa được đồng thuận.

Tại cuộc hội thảo, PGS.TS Tống Trung Tín cho biết: “Thực hiện khuyến nghị của UNESCO về việc mở rộng nghiên cứu khảo cổ học tại khu di sản Hoàng Thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành các đợt thám sát, nghiên cứu khai quật tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Trong đợt khai quật năm 2012 – 2014, các nhà khảo cổ dã tìm thấy ấn gỗ đã tìm thấy ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” tại khu vực Vườn Hồng (hố khai quật G18, khu G)”.

Ông Tín cũng phân tích ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” được tìm thấy trong tầng văn hóa rất nguyên vẹn, không bị xáo trộn của thời Trần (thế kỷ 13 – 14), cùng với một số hiện vật thời Trần tiêu biểu khác. Công tác khai quật được các cán bộ khảo cổ học thực hiện đúng quy trình, ghi chép đầy đủ hồ sơ khai quật (có đầy đủ bản ảnh, bản vẽ, mã số hiện vật…).

Ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” ngay sau đó được các nhà khoa học rất quan tâm bởi tính độc đáo của nó. Từ tháng 10/2014 đến tháng 12/2015, ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” được nghiên cứu chỉnh lý sơ bộ và trưng bày tại nhà N26 – Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội, cùng với hơn 150 hiện vật tiêu biểu đã tìm thấy tại khu vực 18 Hoàng Diệu, Vườn Hồng và khu vực Kính Thiên – Đoan Môn (trong vùng lõi và vùng đệm của di sản Hoàng Thành Thăng Long, là trung tâm của Cấm thành, Hoàng thành Thăng Long xưa).

Theo nhà sử học Lê Văn Lan: “Chiếc ấn được tạo tác trong vòng 10 ngày từ ngày 19/1/1258 đến 29/1/1258 tại huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình). Chủ sở hữu là vua Trần Thái Tông. Chiếc ấn này có tác dụng được phát huy và để lại những bài học, di sản và được truyền đến thời vua Trần Anh Tông, Trần Minh Tông. “Sắc mệnh chi bảo” nằm trong hệ thống quốc ấn của các nhà vua thời Trần”.

Nhiều ý kiến chưa đồng thuận

Dẫu vậy theo TS Phạm Quốc Quân, muốn tái hiện lễ khai ấn thì cần phải nghiên cứu kịch bản cụ thể, thời gian, đối tượng tham gia là ai? Bởi hiện nay có nhiều lễ hội khai ấn đang bị làm méo mó đi hình ảnh trang nghiêm, thành kính vốn có.

Do đó, riêng với lễ khai ấn “Sắc mệnh chi bảo” đã tổ chức thể nghiệm tại Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Nếu làm tốt đây sẽ là cơ hội để quảng bá các giá trị của di sản. Trên thế giới hiện nay, nhiều quốc gia đã thu nhỏ chiếc ấn thành một sản phẩm lưu niệm. Tại sao chúng ta không thử theo cách đó?”

GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng, việc tìm ra chiếc ấn gỗ đã tạo ra những bất ngờ và nghi ngờ. Giả sử nó không phải là ấn thật thì sao, tại sao chúng ta không nghiên cứu theo hướng đó.

“Theo tôi thì hiếm có hiện vật có những giải thích tường minh như vậy. Và giá trị ấn gỗ “Sắc ấn chi bảo”là vô giá! Từ đó để phát huy giá trị của di sản này như thế nào cũng cần phải có những nghiên cứu. Theo tôi việc bôi mực để in ấn là không cần thiết, thậm chí còn có thể gây hư hỏng cho ấn” - ông Giang nêu quan điểm.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Công Việt, trước hết ta phải định danh cho hiện vật. Trong đó, với ấn phải có 2 phần là đế ấn và núm ấn. Tuy nhiên với ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” chỉ có phần đế ấn, núm đã bị mất. Trong đó, đế ấn bị chẻ đôi nhưng rất cân bằng cũng đang đặt ra câu hỏi nguyên trạng ấn là như vậy hay bị vỡ. Từ đó, cũng đặt gia một giả thiết đây cũng chỉ có thể chỉ là một khuôn đúc ấn...

Từ ý kiến các chuyên gia có thể thấy, để đi đến một thống nhất chung, xóa tan mọi nghi ngờ quanh chiếc ấn cũng như những băn khoăn về nghi lễ khai ấn, vẫn cần thêm nhiều cuộc tọa đàm nữa.

Tại tọa đàm này, ông Việt Anh - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội cho hay: Trong thời gian qua, bên cạnh việc tập trung triển khai các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu, các hoạt động bảo tồn các di tích khảo cổ học của khu di sản Hoàng Thăng Long, Trung tâm cũng đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền quảng bá phát huy giá trị di sản, đặc biệt là việc nghiên cứu các giá trị văn hóa phi vật thể của Thăng Long – Hà Nội, nhằm tôn vinh các giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản.

Ngoài việc tổ chức thể nghiệm lễ khai ấn “Sắc mệnh chi bảo” vừa rồi, trong thời gian tới Trung tâm sẽ từng bước xây dựng các kế hoạch nghiên cứu phục dựng các Lễ hội của Hoàng cung Thăng Long như lễ hội Đèn Quảng Chiếu, các nghi lễ cung đình để phục vụ phát huy giá trị di sản, đưa di sản đến gần hơn với công chúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tranh luận xung quanh ấn 'Sắc mệnh chi bảo'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO