Trao và rước tượng danh nhân Nguyễn Quý Ân

Từ Khôi 14/01/2019 08:00

Ngày 13/1, nhân tưởng niệm 345 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Quý Ân (1673-1722), Viện Sử học Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Ban liên lạc dòng họ Nguyễn Quý tổ chức lễ trao và rước tượng đồng danh nhân từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám về từ đường dòng họ Nguyễn Quý ở phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Trao và rước tượng danh nhân Nguyễn Quý Ân

Lễ rước tượng đồng danh nhân Nguyễn Quý Ân từ Văn Miếu về từ đường họ Nguyễn Quý.

Ngày nay, ở tổ dân phố Đình, phường Đại Mỗ quận Nam Từ Liêm, Hà Nội từ đường thờ 3 vị đại vương họ Nguyễn Quý vẫn được dòng họ và người dân quanh năm khói hương phụng thờ. Từ đường đã được công nhận di tích Quốc gia năm 1986. 3 vị đại vương đó là: Nguyễn Quý Đức (1648-1720), đỗ Thám hoa kỳ thi khoa thi năm Bính Thìn niên hiệu Vĩnh trị thứ nhất (1676), con là Nguyễn Quý Ân (1673 – 1722) đỗ Hoàng giáp khoa thi năm Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) và cháu là Nguyễn Quý Kính (1693 – 1766) đỗ Hương cống làm đến Tham tụng, Thượng thư bộ Lễ, đều được truy phong Đại vương và Phúc thần.

Ông Nguyễn Quý Hồng- Trưởng họ Nguyễn Quý cho biết: “Theo gia phả dòng họ Nguyễn Quý, danh nhân Nguyễn Quý Ân là con trưởng của Thám hoa Nguyễn Quý Đức, cháu Đô đài ngự sử Nguyễn Quý Cường, chắt Tả lễ công Phúc Thắng”.

Danh nhân Nguyễn Quý Ân đỗ Hương cống (cử nhân), năm 25 tuổi đỗ khoa sĩ vọng được tuyển vào làm Thị nội văn chức, 30 tuổi làm nội giảng ở Quốc Tử Giám. Năm 1715 Nguyễn Quý Ân đỗ đệ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp), vào Hàn lâm viện lĩnh chức Bồi tụng, được giao viết 4 văn bia ở Quốc Tử Giám trong tổng số 21 bia mới được xây dựng năm đó. Vì có văn tài nên Hoàng giáp Nguyễn Quý Ân được chúa Trịnh Cương giao dạy cho thế tử Trịnh Giang học. Nguyễn Quý Ân là người chính trực, thanh liêm, cương nghị. Văn chất không tô vẽ bay bướm mà giản dị tự nhiên. Hoàng giáp để lại 2 tác phẩm là Thiên tự văn và Tứ thư đại chú.

Ông Nguyễn Quý Hồng cho biết thêm: Khi đang ở tuổi 48, cụ Nguyễn Quý Ân về cư tang cha rồi bị bệnh, mất ở tuổi 50. Triều đình ra sắc chỉ truy tặng Thượng đẳng phúc thần, phong Đại vương. Các làng trong Tổng Mỗ thờ cụ là Thành hoàng.

Phát biểu tại buổi lễ, nhà sử học Dương Trung Quốc- Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết: Tượng đồng danh nhân Nguyễn Quý Ân được đúc và trao cho dòng họ Nguyễn Quý nằm trong chương trình “Mỗi người một giọt đồng để đúc tượng danh nhân” do Tạp chí Xưa và Nay thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khởi xướng. Tượng do nhà điêu khắc Tạ Duy Đoán và nhóm nghệ nhân thực hiện. Cũng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, năm 2001, Hội đã trao cho dòng họ tượng đồng danh nhân Nguyễn Quý Đức. Năm 2016, Hội trao cho dòng họ tượng đồng danh nhân Nguyễn Quý Kính.

Ông Nguyễn Quý Hồng cho biết: Lúc sinh thời, cụ Nguyễn Quý Đức và cụ Nguyễn Quý Kính có tranh thờ nên việc thực hiện điêu khắc tượng các cụ có nhiều thuận lợi. Còn với cụ Nguyễn Quý Ân thì mẫu tượng được cân nhắc tạo tác từ vóc dáng hai cụ Nguyễn Quý Đức và Nguyễn Quý Kính.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trao và rước tượng danh nhân Nguyễn Quý Ân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO