Triển lãm Châu bản triều Nguyễn

Bình Nhi 29/04/2016 09:05

Sáng 28/4, tại Trường Lang Tử cấm thành (Đại nội-Huế), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I- Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức triển lãm chuyên đề “Văn bản hành chính nhà nước qua Châu bản triều Nguyễn”. Đây là một hoạt động văn hóa trong khuôn khổ Festival Huế 2016, giúp cộng đồng tiếp cận để hiểu thêm về các loại văn bản hành chính thời quân chủ. 

Triển lãm Châu bản triều Nguyễn

Ngự phê của vua Tự Đức. (Ảnh: Bình Nhi).

Triển lãm trưng bày 131 ảnh tiêu biểu về Châu bản triều Nguyễn, được lựa chọn từ 773 tập Châu bản gốc (khoảng 85.000 văn bản, với trên 400.000 trang tài liệu). Châu bản là những văn bản hành chính hình thành trong hoạt động quản lý của nhà nước quân chủ, bao gồm các tấu, sớ, chiếu, chỉ hay các tờ thông cáo (các văn bản hành chính của nhà nước) được vua ngự lãm (xem qua) và ngự phê (phê duyệt, nêu ý kiến chỉ đạo, phê bình hay bổ sung)... được viết thành một đoạn văn dài hay vắn tắt bằng chữ son (châu phê), hay chấm son (châu điểm), điểm lên đầu chữ tấu biểu thị vua đã xem và chấp nhận, hay vòng khuyên đỏ (châu khuyên) lên tên người hay vật được lựa chọn, hay phết một nét son lên tên người hoặc câu văn nếu phủ nhận (gọi là châu mạt, châu cải). Vì thế, tất cả những văn bản đã được vua ngự lãm và ngự phê đều là Châu bản.

Triển lãm Châu bản triều Nguyễn - 1

Dấu ấn quốc gia tín bảo thời Gia Long. (Ảnh: Bình Nhi).

Đối với di sản văn hóa của dân tộc, Châu bản là một di sản có giá trị lớn. Tuy nhiên, do nhiều điều kiện lịch sử đặc biệt, hầu hết các triều đại quân chủ Việt Nam đều không còn lưu giữ được nguồn tài liệu này ngoại trừ triều Nguyễn (1802-1945). Trong 143 năm tồn tại, triều Nguyễn đã để lại một kho tàng Châu bản có giá trị tham khảo lớn cho đời sau trên các lĩnh vực như chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế của đất nước giai đoạn thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20. Ngoài việc phản ánh các chính sách đối nội của triều Nguyễn, Châu bản còn thể hiện rõ mối quan hệ bang giao của triều Nguyễn với nhiều quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ… Châu bản cũng là nguồn sử liệu gốc quan trọng để biên soạn các bộ chính sử của triều Nguyễn như: Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Quốc triều chính biên toát yếu, Minh Mệnh chính yếu…Dưới triều Nguyễn, Châu bản chủ yếu được viết tay trên giấy dó, bằng chữ Hán Nôm. Trong giai đoạn cuối triều Nguyễn, một số Châu bản được viết bằng tiếng Pháp và chữ quốc ngữ.

Triển lãm Châu bản triều Nguyễn - 2

Ngự phê của vua Minh Mạng. (Ảnh: Bình Nhi).

Với những giá trị nổi bật như tính đôc đáo, xác thực, tầm ảnh hưởng của khu vực và quốc tế… Châu bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thứ tư của Việt Nam được thế giới công nhận (sau Mộc bản triều Nguyễn, 82 bia đá Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm).

Triển lãm “Văn bản hành chính nhà nước qua Châu bản triều Nguyễn” diễn ra tại TP Huế là cơ hội tốt để công chúng tiếp cận với một giá trị văn hóa cung đình Huế, để hiểu và tự hào thêm về những gì tiền nhân đã gầy dựng. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 4/5.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Triển lãm Châu bản triều Nguyễn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO