Tự chủ hoạt động: Không ngồi chờ khán giả

Thu Hương- Minh Quân 11/03/2016 14:10

Vấn đề loay hoay tự chủ của các nhà hát đã được Báo Đại Đoàn Kết đề cập trong số báo ra ngày 7/3 vừa qua. Mới đây nhất, trong cuộc họp trực tuyến “Đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch theo tinh thần Nghị quyết 40/NQ-CP của Chính phủ và triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP”, một số đơn vị đã chia sẻ thành công trong quá trình nỗ lực tự chủ hoạt động theo cơ chế thị trường.

Tự chủ hoạt động: Không ngồi chờ khán giả

Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đã tự chủ 100%.

Đẩy mạnh xã hội hóa

Theo chia sẻ của các đơn vị, việc tự chủ đã giúp họ có được lợi ích kinh tế lớn. Đơn cử như năm 2015, doanh thu của Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình là 43 tỷ đồng, Trung tâm Chiếu phim quốc gia là 160 tỷ đồng... Theo ông Cấn Văn Nghĩa- Giám đốc Khu Liên hợp thể thao quốc gia, trước năm 2012, Khu Liên hợp là đơn vị thụ hưởng 100% ngân sách nhà nước, trung bình mỗi năm được cấp từ 20-25 tỷ đồng phục vụ cho chi thường xuyên và một phần kinh phí từ 2-2,5 tỉ cho duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa. Các công trình sau nhiều năm hoạt động, nhiều hạng mục bị xuống cấp, hàng năm cần hàng chục tỉ để duy tu, bảo dưỡng, trong khi nguồn ngân sách chỉ đáp ứng ¼ yêu cầu. Nhưng kể từ sau khi mạnh dạn xây dựng đề án đẩy mạnh xã hội hóa, khai thác cơ sở vật chất tạo nguồn thu cho đơn vị được lãnh đạo Bộ VHTT&DL chấp thuận, Khu Liên hợp thể thao quốc gia đã có bước chuyển mình mạnh mẽ.

Cụ thể chỉ sau 6 tháng bắt tay thực hiện xã hội hóa, từ 6-2011đến 12-2011, nhiều dự án liên kết đã được ký kết; hàng chục sự kiện văn hóa, thể thao trong nước, quốc tế được tổ chức tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình; nhiều sự kiện giao lưu thể thao văn hóa đã được tổ chức tại đây… thu hút sự quan tâm của khán giả và công chúng. Nhờ đó nguồn thu cũng tăng lên theo từng năm. Nếu như năm 2011 doanh thu của đơn vị đạt 27 tỷ (gấp 10 lần so với năm 2010). Đến nay, doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước: năm 2012 thu 35 tỷ, năm 2013 thu 39 tỷ, năm 2014 thu 41 tỷ, và mới đây nhất năm 2015 thu 43 tỷ.

Tương tự như vậy, Trung tâm chiếu phim Quốc gia từ cơ sở vật chất được nhà nước giao cho những năm cuối 1990 với trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu. Nhưng kể từ khi thực hiện cơ chế tự chủ, Trung tâm đã đầu tư nâng cấp phòng chiếu, đặc biệt là đáp ứng công nghệ chiếu phim hiện đại nhất hiện nay như phòng chiếu 3D, 4D... cải tạo hạ tầng cơ sở, khiến Trung tâm không chỉ là nơi chiếu phim phục vụ khán giả mà còn là nơi tổ chức các hoạt động, sự kiện điện ảnh lớn trong nước và quốc tế. Lượng khán giả đến với Trung tâm chiếu phim Quốc gia cũng ngày một nhiều hơn. Nếu như năm 2008, đón 6.000 khán giả/năm, năm 2011 đón 1,4 triệu khán giả, sau khi tự chủ (từ 2012) đến năm 2014 đã đón 1.9 triệu lượt khán giả, năm 2015 đón trên 2,1 triệu lượt khán giả…

Chủ động đi tìm khán giả

Theo ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn hiện có 12 đơn vị nghệ thuật công lập hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật trực thuộc Bộ VHTT&DL. Song trong quá trình đổi mới hạt động, mới chỉ có một số ít đơn vị tự chủ, còn lại đại đa số đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp ở địa phương còn chưa kịp hoặc rất khó nhập cuộc. Nguyên nhân là do cơ quan quản lý nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng lộ trình và kế hoạch triển khai thực hiện tự chủ đối với các đơn vị nghệ thuật công lập. Tư duy bao cấp, sự trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước đã ăn quá sâu trong nhận thức của đội ngũ lãnh đạo, quản lý các đơn vị nghệ thuật và các nghệ sĩ diễn viên. Ngoài ra, số lượng nghệ sĩ không còn làm nghề nằm trong biên chế quá nhiều, trong khi số nghệ sĩ trẻ đang hoạt động tốt thì lại đang nằm ngoài biên chế.

Nhà hát Múa rối Việt Nam là một trong số những đơn vị tích cực đổi mới hoạt động, tự chủ từ rất sớm, có doanh thu trung bình 36 tỷ/năm. Chia sẻ kinh nghiệm tự chủ, bà Ngô Thanh Thủy- Giám đốc Nhà hát cho rằng chừng ấy vẫn chưa phải là nhiều. Bà Thủy dẫn chứng: “Thử làm một phép tính, hiện tại, nước ta có hơn 90 triệu dân, Nhà hát hướng tới phục vụ 0,5% dân số là 450 nghìn người mỗi năm, với giá vé 80.000 đồng/người đã thu được 36 tỷ đồng/năm. Trừ 75% chi phí thì vẫn còn gần 10 tỷ đồng, tương đương với số tiền mà Nhà nước cắt giảm của Nhà hát. Vấn đề là làm sao để tiếp cận 450 nghìn khán giả Việt Nam? Nhà hát đã mở rộng các liên kết để đưa múa rối vào các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở... đưa múa rối vào các khu du lịch sinh thái...” Ngoài ra, cũng theo Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam thì thì cái “yếu” của Nhà hát là ở xa trung tâm nên giao thông ách tắc. Khán giả ngại đến với Nhà hát, do vậy Nhà hát phải tạo ra những hoạt động thực sự hấp dẫn…

Dẫu vậy cũng vẫn còn quá nhiều cái khó, mà theo những người làm nghề như ông Hoàng Xuân Bình- Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam (đơn vị tự chủ 100%) là do tư duy hoạt động biểu diễn tự chủ còn chậm đổi mới. Vì thế đối với các nghệ sĩ của thời bao cấp không chỉ một vài tháng có thể thay đổi ngay mà cần có thêm thời gian cho cả hai phía nhìn nhận nghiêm túc hoặc thực hiện các bước thoả thuận phù hợp với trình độ và yêu cầu thực tế của Nhà hát về vị trí công việc. Khó khăn lớn nữa là về điều kiện thời gian cần đủ cho việc chuyển đổi mô hình mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự chủ hoạt động: Không ngồi chờ khán giả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO