Tương tác giữa mạng xã hội và báo chí: Quy tắc ứng xử và tác nghiệp

Hoàng Minh 03/12/2015 09:26

Ngày 2/12, tại Hà Nội, Trung tâm nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp với Tạp chí Người làm báo đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Báo chí và Mạng xã hội” với sự tham gia của nhiều nhà báo, nhà quản lý báo chí… 19 tham luận được trình bày tại đây là những kết quả nghiên cứu chuyên sâu, kinh nghiệm nghề nghiệp về mối tương tác giữa báo chí và mạng xã hội.

Tương tác giữa mạng xã hội và báo chí: Quy tắc ứng xử và tác nghiệp

Ảnh minh họa.

Hội thảo đã đưa ra những đề xuất về trách nhiệm xã hội và đạo đức nhà báo khi tham gia mạng xã hội cũng như việc khai thác, sử dụng mạng xã hội trong tác nghiệp báo chí hiện đại.

Theo PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam), ở Việt Nam hiện có hơn 40 triệu người dành thời gian trung bình hơn 5 tiếng mỗi ngày lên mạng Internet, mạng xã hội, nhất là Facebook. Các phóng viên khai thác thông tin quốc tế của Việt Nam hiện nay đều có tài khoản trên các mạng xã hội lớn như Twitter kết nối với các cơ quan báo chí quốc tế vì đây là nguồn tin rất nhanh. Tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu cụ thể về tác động qua lại giữa báo chí và mạng xã hội, tuy nhiên thế giới đã tiến hành nghiên cứu vấn đề này.

Tuy vậy, do các đặc điểm như tính mở, thông tin nhanh nhạy nhưng “ảo” khó sàng lọc thông tin khiến mạng xã hội tiếp tay cho nhiều loại hình tội phạm mới. Đặc biệt là việc xuất hiện một số phóng viên không kiểm chứng nguồn tin đã chính thống hóa thông tin trên mạng xã hội thành tin, bài trên báo, dẫn đến những hậu quả khó lường. Tin tức giật gân, câu khách dễ dẫn đến hiện tượng phỏng theo, bắt chước… nhất là trên các báo điện tử thiên về giải trí. Mạng Internet, trong đó có mạng xã hội đã làm thay đổi cách thức làm báo từ việc tìm hiểu thông tin, tiếp cận nguồn, khai thác thông tin đến truyển tải thông tin.

Đặc biệt, trong vài năm gần đây, số lượng phát hành của các tờ báo in ở Việt Nam đã giảm đáng kể. Xu hướng đọc báo của công chúng hiện nay là tìm thông tin trên báo điện tử và các trang mạng. Xu thế khai thác thông tin của các nhà báo cũng chuyển đổi theo. Tại các tòa soạn tin, bài liên tục được cập nhật phù hợp với các hình thức phân phối thông tin khác nhau và phong cách khác nhau trên mạng điện tử, kênh mạng xã hội và trên báo giấy.

Nhà báo Vũ Văn Tiến - Phó tổng Biên tập phụ trách Báo Điện tử Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, Đại hội lần thứ 10 Hội Nhà báo Việt Nam mới đây nhận định: “Nhiều tờ báo bỏ qua khâu thẩm định để đăng tải ngay thông tin từ mạng xã hội, gây nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội”. Điều này thực sự đáng lo ngại, khi Việt Nam hiện có gần 35 triệu người sử dụng internet, trong đó có khoảng 30 triệu người sử dụng các trang mạng xã hội, phổ biến nhất là facebook. Mạng xã hội đang dần trở thành một “thế lực” thách thức báo chí hiện đại.

Cũng theo nhiều nhà báo đề xuất, trước mắt cần có bộ “Quy tắc ứng xử và tác nghiệp” cho nhóm cộng tác viên báo chí, nhà báo công dân đang hoạt động xã hội. Trong bộ quy tắc này nên đề cao tính pháp lý, đạo đức của người tham gia mạng xã hội, góp phần hạn chê tình trạng tự do của người này, không xâm phạm tự do của tổ chức, cá nhân khác. Ngoài ra, trong xu thế tương tác giữa báo chí và mạng xã hội, nhà báo cần trau dồi, nâng cao kiến thức và kỹ năng tác nghiệp trong môi trường số. Bên cạnh đó, nhà báo cần có trách nhiệm khi đưa tin, thông tin của nhà báo phải khác với thông tin trên mạng, thông tin báo chí cần chính xác, trung thực, có kiểm chứng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tương tác giữa mạng xã hội và báo chí: Quy tắc ứng xử và tác nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO