Văn chương chưa bao giờ mất đi sự quyến rũ

Linh Hoa 16/01/2020 07:00

Sáng 15/1, Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới (2018-2019). Giải Nhất đã được trao cho tác phẩm Nhà Thánh của cây bút nữ Vũ Thanh Lịch.

Văn chương chưa bao giờ mất đi sự quyến rũ

Các tác giả đạt giải chụp ảnh cùng ban tổ chức.

Cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới được hiểu là sự tiếp nối của các cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội vốn đã có truyền thống và được đánh giá là có uy tín văn chương. Mang tên Lửa Mới, Ban Tổ chức mong muốn tìm kiếm những tác giả mới, những giá trị văn chương mới. Với quan điểm không giới hạn số lượng chữ, đề tài, khuynh hướng sáng tác, cuộc thi đã thu hút sự quan tâm của đông đảo tác giả.

Sau 2 năm phát động, có 2.014 bản thảo của 317 tác giả gửi về tham gia dự thi. Theo Ban tổ chức, đề tài chiến tranh cách mạng và người lính chiếm trên 50% lượng bản thảo gửi về tòa soạn. Viết về chiến tranh, nhắc đến chiến tranh nhưng các tác giả đã chú trọng đi sâu tìm kiếm những giá trị thẩm mỹ ẩn chứa trong quá khứ dằng dặc máu lửa bi hùng của dân tộc. Về nghệ thuật truyện ngắn, đúng như tinh thần của Lửa Mới, các tác giả đã không ngừng tìm tòi phương thức biểu đạt. Những lý thuyết và kỹ thuật văn chương của nhân loại được cập nhật. Dù viết về chủ đề gì, sử dụng bút pháp nào, âm hưởng ngợi ca hay phê phán… thì các tác phẩm dự thi đều hướng tới mục đích nhân văn cao cả: Xây dựng một đất nước hòa bình, phát triển với những con người có phẩm chất cao đẹp.

Sức nóng của cuộc thi này còn thể hiện ở việc Ban Tổ chức đã mời một hội đồng giám khảo gồm các nhà văn, nhà nghiên cứu - phê bình văn học tên tuổi, như các nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương; PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp…

Văn chương chưa bao giờ mất đi sự quyến rũ - 1

Nhà văn Y Ban nhận giải đặc biệt do gia đình nhà văn Xuân Thiều trao tặng.

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy -Trưởng ban Văn xuôi Tạp chí VNQĐ, thành viên Ban Tổ chức, thành viên Ban Chung khảo Cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới chia sẻ: “Thành công của cuộc thi là không chỉ đã thu hút được hầu hết các tác giả truyện ngắn Việt Nam tiêu biểu, sung sức nhập cuộc, mà còn giới thiệu được một lớp tác giả mới đầy triển vọng cho nền văn học nước nhà, trong đó có những tác giả với những tác phẩm xuất sắc mà Ban Chung khảo đã thống nhất trao giải.”

Còn theo PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp-Viện trưởng Viện Văn học, thành viên Ban Chung khảo thì: “Số lượng tác phẩm gửi về dự thi cho thấy văn chương chưa bao giờ mất đi sức hút và sự quyến rũ. Phần lớn các tác phẩm dự thi đều thể hiện trăn trở của người đương đại về các vấn đề đương đại, hoặc miêu tả các vấn đề nhân sinh từ cái nhìn chất vấn và suy tư.” Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp cũng đánh giá cao truyện ngắn Nhà Thánh – tác phẩm giành giải Nhất của cây bút nữ Vũ Thanh Lịch, bởi lối viết xen cài ảo thực, giàu tính biểu tượng. Tuy nhiên, TS Nguyễn Đăng Điệp cũng cho rằng vẫn chưa nhìn thấy ở cuộc thi này những bứt phá mang tính đột biến. Ngay cả ở những tác phẩm đoạt ngôi vị cao nhất, vẫn chưa có những khám phá thật sâu, thật xoáy xiết về phận người.

Nhận giải Nhất cuộc thi Truyện ngắn Lửa Mới, cây bút nữ Vũ Thanh Lịch tâm sự: “Giải thưởng là cơ hội để tôi đến được với nhiều bạn đọc hơn, còn sau đó, có giữ được bạn đọc ở lại với mình không, có khiến họ yêu quý mình thêm không, lại là một chặng đường rất gian nan với tôi.”

Ngoài hệ thống giải thưởng chính thức, Cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới còn trao giải của gia đình nhà văn Xuân Thiều cho nhà văn Y Ban với chùm truyện ngắn dự thi ấn tượng. Nhà văn Y Ban từng đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội năm 1989 với truyện ngắn Bức thư gửi mẹ Âu Cơ. Giải của gia đình nhà văn Xuân Thiều được nhà văn Y Ban tiết lộ có giá trị 30 triệu đồng.

Có 10 tác giả và 16 tác phẩm để trao giải. Giải Nhất: Nhà Thánh của Vũ Thanh Lịch. Giải Nhì: Người về Tranh Sơn của Phạm Thu Hà; Bông điên điển hồng và Người trở về của Bảo Thương. Giải Ba: Tiếng rền của đá của Trần Thị Tú Ngọc; Mạc trà và Bóng rồng của Triều La Vỹ; Từ bờ bên kia và Quẩn mãi bóng người của Lê Vũ Trường Giang. Giải Tư: Miền gió của Nguyệt Chu; Mây tía ngang trời và Bóng người dưới trăng của Nguyễn Luân; Khói biên phương và Tiếng vọng của Lê Quang Trạng; Hiệp khách cuối cùng và Những lỗ thủng của Phạm Đình Hải.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn chương chưa bao giờ mất đi sự quyến rũ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO