Vẫn là chuyện bảo tồn và phát triển

Từ Khôi 02/01/2020 10:00

Trong quá trình phát triển của xã hội con người có sự phát triển của di sản văn hóa. Nhưng mặt khác, đôi khi sự phát triển không có kiểm soát cũng đem đến sự hủy hoại di sản. Ngay cả có quy định của luật pháp thì di sản đôi khi vẫn bị xâm hại…

Vẫn là chuyện  bảo tồn và phát triển

Phố cổ Hội An là một điển hình giữa bảo tồn và phát triển. Ảnh: Mạnh Thắng.

Đối diện với sự mai một

Trong chế độ phong kiến, nhiều di sản văn hóa đã xuất hiện và mất khi triều đại thay đổi hoặc khi có chiến tranh. Thời Lý, xuất hiện “An Nam tứ đại khí” gồm: Tượng chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều, Quảng Ninh), Tháp Báo Thiên (Hà Nội), Chuông Quy Điền (chùa Một Cột, Hà Nội), Vạc Phổ Minh (Nam Định). Nhưng rồi khi nhà Minh sang đã tàn phá hết. Ngay kinh thành Thăng Long, đến thời nhà Nguyễn dời đô về Huế cũng làm hẹp lại quy mô thành Hà Nội. Và khi Pháp đánh chiếm Việt Nam thậm chí còn cho đấu thầu phá thành Hà Nội mất tới 3 năm để lấp sông Tô Lịch.

Trước Thăng Long có 21 cửa ô nhưng ngày nay chỉ còn Ô Quan Chưởng. Khi Paul Doumer được bổ nhiệm Toàn quyền Đông Dương. Cùng với việc giữ di sản, những kiến trúc sư ở Sở Kiến trúc đô thị Đông Dương thời kỳ đó còn kiến tạo được một số công trình có giá trị.

Với di sản văn hóa phi vật thể, việc phát triển của xã hội cũng kéo theo sự mai một của di sản. Nếu như trước đây, hát quan họ, hát xoan, hát xẩm… thịnh hành trong đời sống thì nay tồn tại được là nhờ sự cố gắng của nhiều câu lạc bộ. Ngay cả các loại hình sân khấu thịnh hành 2/3 thế kỷ 20 như tuồng, chèo, cải lương, kịch nói sang thế kỷ 21 cũng chật vật để tồn tại.

Ngoài tác động của con người, thiên nhiên cũng hủy hoại nhiều di sản. Khí hậu nước ta nóng ẩm, mưa nhiều nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các vật liệu xây dựng di sản đình, đền, chùa, miếu, thành quách, lăng tẩm… Các chất liệu như gạch, đá, gỗ, tre, nứa, lá… trong đó, tuyệt đại đa số là chất liệu hữu cơ, rất dễ bị biến dạng, nấm mốc, mối mọt, hư hỏng, xuống cấp, sụp đổ do thời tiết nhiệt ẩm, mưa bão, lũ lụt. Gần đây, hiện tượng biến đổi khí hậu càng dễ hủy hoại di sản. Nhiều danh lam thắng cảnh và khu dự trữ sinh quyển nổi tiếng được UNESCO ghi danh… cũng đang đặt ra nhiệm vụ bảo tồn trước sự biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Các di sản thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao như Vịnh Hạ Long (được UNESCO vinh danh 2 lần về địa mạo và đa dạng sinh học), Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (được UNESCO vinh danh 2 lần về địa mạo và đa dạng sinh học), Quần thể danh thắng Tràng An (giá trị về địa chất địa mạo, cảnh quan, giá trị rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư và giá trị lịch sử – văn hóa). Bên cạnh đó còn nhiều khu dự trữ sinh quyển quốc gia được UNESCO ghi danh, các khu di sản thiên nhiên của Asean,… cũng đối diện với sự khai thác của con người và biến đổi khí hậu.

Du lịch từ khai thác di sản trong những năm gần đây tăng nhanh. Ví như chỉ riêng 8 di sản thế giới trong năm 2017 đã thu hút gần 16 triệu lượt khách trong nước và quốc tế, thu từ phí tham quan được hơn 2.500 tỷ đồng. Tuyệt đại đa số các khu di sản này đều tăng khoảng 13% - 22% số lượt khách và tăng khoảng 14%-27% tiền thu phí tham quan, trong đó có 2 di sản tăng 53% - 61% so với năm 2016 (Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vịnh Hạ Long). Có những di tích phạm vi không lớn ở Hà Nội như di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, năm 2017 thu từ phí tham quan cũng đạt 46 tỷ đồng, Di tích Đền Ngọc Sơn hơn 27 tỷ đồng, Di tích Nhà tù Hỏa Lò 9,8 tỷ đồng. Thế nhưng, thu phí từ du lịch được nhiều thì cũng cần đầu tư trở lại cho di sản để bảo tồn.

Bên cạnh đó, các di sản ở đô thị còn đối diện khốc liệt với sự phát triển nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hạ Long…

Cơ chế bảo tồn

Di sản đối diện nhiều thách thức khi xã hội phát triển. Một thời gian dài việc hiểu sai về di sản văn hóa đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Ở nhiều địa phương người ta chiếm đất, chiếm các công trình kiến trúc của di sản để ở. Mất mấy chục năm, TP Hà Nội mới di dời được 6 hộ dân ra khỏi đình Kim Ngân ở phố Hàng Bạc. Nhưng ở nơi khác như thành Cổ Loa, kinh thành Huế… vẫn còn nhiều hộ dân sinh sống chưa được di dời.

Có thực tế nữa là nhiều di sản chưa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa đứng chấp chới” với sự tồn vong khi các quy hoạch đô thị được mở rộng. Ví như di chỉ khảo cổ Vườn chuối (Hoài Đức, Hà Nội) có giá trị, làm phát lộ di vật thời đại Hùng Vương đã bị san lấp nhiều.

Có những di sản thuộc sở hữu của người dân, ví như làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) thì thiếu cơ chế để người dân có thể sửa chữa, cải tạo chỗ sinh hoạt, hoặc quy hoạch khu đất giãn dân trong khi mật độ người tăng cao dẫn tới việc người dân làm đơn xin trả lại danh hiệu di sản. Còn tại nội thành, nhiều nhà cũ ở khu Hoàn Kiếm (Hà Nội) không thể trả lại danh hiệu nhưng cũng không thể xây dựng vì không được cấp phép cải tạo hoặc xây dựng. Trên thực tế, đã có những ngôi nhà bị sụp đổ.

Bảo tồn trong sự phát triển là bài toán thách thức đặt ra hơn bao giờ hết. Nếu như Sắc lệnh số 65/SL ngày 23/11/1945, do hoàn cảnh lịch sử chỉ đề cập “về bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam” tránh bị phá thì sau này Luật Di sản văn hóa được ban hành năm 2001 ra đời, rồi sửa đổi năm 2009 đã góp phần bảo tồn và phát huy được nhiều giá trị của di tích.

Nhưng, đến nay, Luật Di sản văn hóa lại có hạn chế trong việc bảo tồn di sản. Bởi lẽ, Luật chỉ bảo vệ được những di sản đã được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia. Còn những di sản chưa được xếp hạng đều đứng trước nguy cơ xóa sổ. Chính vì vậy, việc bảo tồn di sản văn hóa còn cần dựa vào tầm nhìn về giá trị di sản của nhà quản lý.

Bảo tồn và phát triển là bài toán đặt ra khi xã hội phát triển nhanh chóng. Khái niệm “phát triển bền vững” lần đầu tiên xuất hiện, có lẽ là trong văn bản “Chiến lược bảo tồn thế giới” do Hiệp hội Bảo tồn thế giới, là tiền thân của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) ban hành năm 1980. Và từ nhiều năm trở lại đây, trên diễn đàn và văn kiện của cộng đồng quốc tế, cũng như trong Chiến lược phát triển, Chương trình hành động của các quốc gia, vấn đề phát triển bền vững đang nổi lên như một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhân loại. Liên Hợp Quốc đã đưa ra Chương trình nghị sự 2030 gồm 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể về phát triển bền vững. Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hoá và thách thức của biến đổi khí hậu, tại Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020”. Và trong Đề án quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt có nêu rõ tính mục đích hướng đến của Thủ đô là: Xanh – Văn hiến – Văn minh.

Luật Di sản văn hoá đã xác định: “Di sản văn hoá Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hoá nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta”. Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) cũng chỉ rõ: “Di sản văn hoá là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa”. Nhưng để bảo tồn được di sản, ngân sách nhà nước sẽ không bao giờ là đủ. Vì vậy, trong Luật Di sản văn hóa cũng đã đề cập đến vấn đề xã hội hóa trong công tác bảo tồn.

Xã hội hóa công tác bảo tồn di sản. Nói thì dễ nhưng cơ chế để xã hội hóa chưa thực sự được luật hóa rõ ràng. Có những doanh nghiệp lợi dụng xã hội hóa rồi xâm phạm di tích, thậm chí có doanh nghiệp biến di tích thành “BOT tâm linh”. Việc xã hội hóa như vậy không được nhiều nước trên thế giới coi trọng. Xu hướng chung của thế giới ngày nay là hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá (cả vật thể và phi vật thể) phải hướng tới cộng đồng hiện đang sống trong khu vực di sản và cộng đồng là du khách đến tham quan di sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẫn là chuyện bảo tồn và phát triển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO