Viết kinh Phật trên lá buông

Lê Quốc Khánh - Toha Kim 30/09/2016 11:06

Chùa Soài So thuộc ấp Tô Trung, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang là nơi hiện còn lưu giữ hơn chục bộ kinh Phật khắc họa bằng chữ Pali cổ và tiếng Khmer có tuổi đời từ vài chục năm cho đến cả 100 năm. Trong số đó có nhiều bộ kinh do chính tay hòa thượng Chau Ty (75 tuổi)- Trụ trì chùa thực hiện từ những năm 1966 đến nay. Ông hiện là người duy nhất viết kinh Phật trên lá buông ở vùng Bảy Núi.

Quyển kinh trên lá buông.

Về Bảy Núi trong những ngày cuối tháng 9, chúng tôi gặp hòa thượng Chau Ty để tìm hiểu cách viết kinh Phật trên lá buông. Ngồi bên bộ bàn gỗ được chạm khắc tinh tế, Hòa thượng giới thiệu cho chúng tôi về bộ lưu trữ kinh thư và sách luật bằng lá buông được bọc cẩn thận.

Cầm những tấm lá buông mỏng như miếng gỗ ép, chi chít chữ, ông cho biết: “Những bộ kinh này được các vị sư tổ đời trước truyền lại để răn dạy cháu con, đệ tử và những người con dân tộc Khmer sống sao cho tốt đẹp, làm điều hay lẽ phải và biết ơn các đấng sinh thành.

Trong tủ hiện còn hơn chục bộ có tuổi đời từ vài chục năm cho đến cả trăm năm. Bộ kinh Phật cổ nhất khắc trên lá buông của chùa đã không còn do bị cháy”.

Lá buông chủ yếu được trồng bên Campuchia, còn ở Tri Tôn và Tịnh Biên có nhưng rất ít. Để viết được “báu vật”, năm 17 tuổi sư Chau Ty vào chùa tu, rồi được các sư cả dạy đọc kinh.

Sau khi thông thạo kinh Phật, ông gặp được ông lão Khmer khoảng 70 tuổi, sống cạnh chùa tên Chau Ranh chuyên viết kinh Phật dạy viết. Do hiểu được giá trị của loại hình nghệ thuật này, sư Châu Ty đã nhờ người này chỉ dạy và sau 2 năm ông đã viết thành thạo khi mới 25 tuổi. Hễ phật tử nào có nhu cầu thì đến chùa nhờ sư Chau Ty viết, sau đó họ thỉnh về đọc.

Từ năm 1978 trở về sau này, do lá buông không còn nhiều cũng như nhu cầu thỉnh kinh của phật tử ít nên sư Chau Ty thỉnh thoảng mới triển khai tài nghệ trên loại lá cây quý hiếm.

Theo tìm hiểu, mỗi bộ kinh có ít nhất là 60 tấm lá, nhiều nhất lên cả ngàn tấm và được viết đều 2 mặt. Thời gian để hoàn thành một bộ kinh 60 tấm, người viết phải bỏ ra một tháng. Tuy nhiên, việc thể hiện kinh Phật trên lá buông kinh sẽ bền và đẹp hơn những loại giấy thông thường…

Trong quá trình chép kinh, hòa thượng Chau Ty có truyền lại cho 2 người đệ tử, nhưng sau đó 2 vị này đã hoàn tục. Ngoài ra, năm 2013, sư Châu Ty có mở lớp dạy cho 13 vị sư ở một số chùa trên địa bàn tỉnh An Giang viết kinh lá buông. Từ việc duy trì loại hình nghệ thuật độc đáo, năm 2015, hòa thượng Chau Ty được Chủ tịch nước ký tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Viết kinh Phật trên lá buông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO