Xây dựng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng: Đừng bỏ qua bản sắc văn hóa

Hoàng Minh 26/12/2015 12:53

Ngày 25/12, tại Hà Nội, Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Nghiên cứu và đánh giá các công trình tôn giáo, tín ngưỡng xây dựng mới ở Việt Nam”. Hoạt động này nằm trong dự án “Điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng xây dựng mới các công trình tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam”. 

Dư luận từng bất bình vì những sai phạm trong tu bổ di tích Chùa Trăm Gian.

Dễ dãi đến cầu thả

Theo phân tích từ những kiến trúc sư (KTS) có mặt tại hội thảo, những công trình tín ngưỡng xây mới tại Việt Nam trong những năm gần đây tồn tại không ít bất cập. Về mặt kiến trúc, vẫn phổ biến những hiện tượng sai phạm như xây đền, chùa, làm tượng, đúc chuông quá lớn, đua tranh theo những kỷ lục phù phiến; xây những ngôi đền, chùa 2 tầng hoặc 3 tầng. Sao chép mẫu mã công trình mà không có sự nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo trong thiết kế khiến nhiều công trình có kiểu dáng na ná nhau; cùng một mẫu cổng chùa, đền được nhân bản nhiều nơi hoặc đêm mẫu cổng chùa dựng vào đền…; Không tôn trọng bản sắc văn hóa vùng, miền khiến tình trạng xuất hiện ngày một nhiều những ngôi chùa, đền có kiểu dáng kiến trúc khác biệt; hoặc việc tô son, đắp vẽ những mẫu hoa văn xa lạ; đưa những tượng thờ, linh vật ngoại lai vào công trình; lạm dụng vật liệu xây dựng, thiết bị trang trí hiện đại như lát gạch men trong chùa; sơn tượng bằng màu sơn công nghiệp và lắp đền điện tử trên tượng…

Nguyên nhân của những vấn đề trên, theo các chuyên gia là do công tác quản lý còn lỏng lẻo. Cho dù những quy định, luật pháp liên quan đến lĩnh vực tôn tạo, xây mới các công trình tôn giáo, tín ngưỡng đã có khá nhiều nhưng còn thiếu hệ thống, thiếu đồng bộ và vì thế, sự thực thi chức ngành quản lý Nhà nước của các cấp, các ngành còn nhiều hạn chế, mà phần lớn là do chưa xác định rõ những chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể giữa các bộ, ngành và các địa phương.

Công trình vẫn cứ tồn tại do các lợi ích vật chất nhưng trách nhiệm sai phạm thì bị né tránh, đùn đẩy giữa các ban ngành. Ngoài ra, do sự nhận thức của một số lãnh đạo địa phương hoặc chủ sở hữu nhiều nơi, lãnh đạo địa phương hoặc người chủ sử hữu vẫn còn nặng tư duy tiểu nông “con gà tức nhau tiếng gáy” mong muốn công trình được to lớn, hoành tráng hơn những công trình làng bên, xã bên, dẫn đến đua tranh xây dựng những công trình tôn giáo, tín ngưỡng.

KTS Trần Huy Ánh cho rằng, điều đáng nói là nhiều địa phương rất hào hứng cấp đất xây dựng những công trình với hy vọng là điểm đến thu hút khách du lịch tâm linh đem lại những nguồn thu cho ngân sách, tạo nhiều dịch vụ đi theo mang lại nhiều việc làm và lợi ích cho địa phương. Tuy vậy, có vài KTS có cơ hội tham gia thiết kế thì cũng không nghiên cứu thấu đáo mà dễ dàng thỏa hiệp để cho ra đời những công trình “chùa mới” phóng to tỷ lệ từ các ngôi chùa cũ. Vì vậy, trong thời gian qua đã xuất hiện khá nhiều công trình công trình càng được đầu tư nhiều tiền (cả từ nguồn tiền của nhà nước và nguồn xã hội hóa) thì sai phạm trong xây dựng ngày càng lớn. Và hạn chế lớn hiện nay là do năng lực hạn chế của đội ngũ thiết kế, thi công.

Lẽ ra những công trình tôn giáo, tín ngưỡng thì người thiết kế cũng cần có những kiến thức nhất định về di sản kiến trúc truyền thống; phải hiểu được ngôn ngữ kiến trúc vùng miền, ý nghĩa hoa văn kiểu dáng công trình… Khi thi công, người thợ cũng cần có những kiến thức của các ngành nghệ mộc, nề, ngõa truyền thống; có kỹ thuật trong việc gia công, chế tác đồ thờ tự, đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống để tránh làm sai lạc.

Nhà quản lý cần sớm vào cuộc

Cũng phải thừa nhận một thực tế là khó có thể định ra một công thức chuẩn cho việc xây mới các công trình, tôn giáo, tín ngưỡng. Không như công tác bảo tồn, tu bổ công trình dựa nhiều vào tư liệu, nguyên mẫu, việc xây mới luôn có sự biến động qua thời gian, nhu cầu sử dụng… Mặc dù vậy thì công việc này cũng cần được kiểm soát một cách chặt chẽ, đồng thời luôn đòi hỏi đội ngũ quản lý và thực thi có đủ năng lực chuyên nghành, có khả năng thấu hiểu văn hóa, tín ngưỡng truyền thống để công trình được tạo ra có thể phát huy được hết vai trò của mình trong đời sốn xã hội đương đại…

Nhận định về những hạn chế trong xây dựng những công trình tín ngưỡng mới hiên nay, theo KTS Đỗ Thanh Tùng - Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, hiện vẫn còn thiếu sự phân chia trách nhiệm của 2 ngành Văn hóa và Xây dựng trong công tác khắc phục tình tạng tự ý tu bổ, làm hỏng di tích đã và đang xảy ra trong thời gian vừa qua. “Thiết nghĩ, với vai trò quản lý kiến trúc, xây dựng của đất nước, Bộ Xây dựng nói chung và các cơ quan có chức năng nghiên cứu, quản lý, thẩm định chất lương xây dựng công trình cần thiết phải thể hiện tiếng nói, quan điểm trong lĩnh vực này” – ông Tùng nhấn mạnh.

KTS Nguyễn Phú Đức - Sở Quy hoạch Hà Nội cho rằng, đối với công tác quản lý quy hoạch – kiến trúc với các công trình tôn giáo, tín ngưỡng trên tín ngưỡng trên địa bàn TP Hà Nội có một thực tế nhiều địa điểm đề xuất lại không phù hợp với quy hoạch do đã xác định được chức năng khác. Nhiều trường hợp đề xuất khi chưa có ý kiến của Ban Tôn giáo các cấp nên cũng ảnh hưởng đến thời gian hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng. Ngoài ra, nguyên nhân một phần cũng có thể xuất phát từ việc chưa có chính sách trong việc thu thuế sử dụng đất như các nước đã áp dụng việc xem xét, cân nhắc đầu tư, thực hiện dự của các tổ chức tôn giáo cần thực hiện theo hướng tiết kiệm nhất.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng ban Tôn giáo của UBTƯ MTTQ Việt Nam, việc xây dựng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng cần đưa ra một bộ tiêu chí; phải có một dòng chủ đạo trong sự đa dạng, nhấn mạnh sự phối hợp, đưa ra hệ thống kiến trúc, giữ được chân thiện mỹ, bản sắc dân tộc và bản sắc vùn miền. Chẳng hạn như việc thiết kế các công trình tín ngưỡng tôn giáo ở những vùng biên cương, hải đảo của đất nước như ở Bạch Long Vĩ. Vân Đồn, khu vực cửa khẩu Tân Thanh… còn mang ý nghĩa như việc cắm mốc chủ quyền, giáo dục truyền thống văn hóa của dân tộc. Lúc đầu khi xây dựng thiết kế đều dùng chữ Hán, sau đó nhờ ý kiến đóng góp mà đã có tiếp thu. Nhiều chùa sau đó hoành phi câu đối đều chuyển sang dùng chữ Quốc ngữ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng: Đừng bỏ qua bản sắc văn hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO