Yến Lan-người lái đò bến thơ

Hoàng Minh 02/03/2016 14:10

Ngày 1/3, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Yến Lan và hội thảo về những đóng góp của ông vào tiến trình phát triển của thơ ca Việt Nam hiện đại. 

Yến Lan-người lái đò bến thơ

Nhà thơ Yến Lan bên gia đình (Ảnh: TL).

8 tham luận của các nhà văn, nhà thơ trình bày tại đây một lần nữa khẳng định công lao của nhà thơ Yến Lan trong nền văn học rất to lớn. Ông là người đi tiên phong trong phong trào thơ mới.

Nhà thơ Yến Lan tên thật là Lâm Thanh Lang sinh ngày 2/3/1916, quê tại huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông nội Yến Lan là nhà nho, thuộc dòng Minh Hương ở Phúc Kiến. Mồ côi mẹ năm 6 tuổi, đến tuổi trưởng thành Yến Lan sống bằng nghề dạy học tư và viết văn. Ông sáng tác thơ từ sớm và cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn hợp thành Bàn thành tứ hữu (4 người bạn thơ đất Bình Định) nổi tiếng trên thi đàn lúc đó. Trong giai đoạn này, ông cùng Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên sáng tác theo trường phái Thơ loạn (còn gọi là Thơ điên) với những trăng, xương, máu, hồn ma... trong thơ. Sau Cách mạng tháng Tám, ông là Uỷ viên văn hoá Cứu quốc Bình Định (1947–1949); Uỷ viên văn hoá kháng chiến Nam Trung Bộ, trưởng đoàn kịch Kháng chiến. Từ 1950 đến 1954 ông làm công tác văn hoá văn nghệ ở Bình Định. Sau 1954, Yến Lan tập kết ra Bắc, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957, làm việc tại NXB Văn học.

Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, ông trở về công tác tại Hội văn nghệ Bình Định và mất tại đây ngày 5/10/1998. Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

Theo TS Lê Thị Bích Hồng: “Nhà thơ Yến Lan là một nhân cách văn hóa. Xét ở góc độ con người cũng như thơ ca, Yến Lan đã thể hiện sâu đậm tình yêu, sự gắn bó sâu nặng với quê hương Bình Đình. Tình yêu ấy da diết, thấm đẫm lên từng trang thơ.”. Cũng theo TS Hồng, nói đến thơ Yến Lan, bạn đọc thường nghĩ ngay đến bài thơ “Bến My Lăng” viết ở độ tuổi 16 – 17 và ngược lại khi nhắc đến địa danh rất thơ ấy không thể không nhớ đến một hồn thơ rất tình, rất trong trong trẻo với quê hương. Yến Lan đã nhiều lần giải thích nguồn gốc Bến My Lăng là bến đò Trường Thi trên sông Cửa Tiền. Cái tên My Lăng có thể chỉ là một hồi ức được biến hóa. Cái tên huyền ảo, cái bến siêu thực ấy là cảm xúc sáng tạo của nhà thơ. Bến My Lăng vẹn nguyên trong cảm xúc thi nhân từ khi chàng trai tuổi đôi mươi cho đến cuối đời chân chậm, mắt mờ…

Qua các tham luận tại hội thảo có thể thấy, cái mà nhà thơ Yến Lan để lại cho mọi người là đạo đước, cách sống, tình cảm của ông đối với người, quê hương dân tộc. Những vần thơ chân thực, trang trọng lại ngọt ngào và giàu chất trữ tình của Yến Lan không để lại một chút mùi giáo điều, lên gân nào, chỉ thấy thơ ông tình yêu con người, quê hương khi ông hòa trộn những tình cảm cao quí đó vào nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Yến Lan-người lái đò bến thơ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO