Văn học thiếu nhi: Chờ mong làn gió mới

HOÀNG THU PHỐ 05/06/2022 07:28

Dù văn hóa đọc ngày nay đã có nhiều biến đổi, nhưng mỗi dịp hè về, nhiều phụ huynh vẫn đưa con đến nhà sách, chọn lựa những cuốn sách hữu ích. Thế nhưng, liệu mảng sách văn học cho thiếu nhi/ về thiếu nhi có đáp ứng được mong mỏi của độc giả đương đại, hay vẫn phải chờ đợi vào những làn gió mới?

Nhà văn Trần Đức Tiến, nhà thơ Cao Xuân Sơn và nhà thơ Thụy Anh trong buổi giao lưu “Trang sách hồng nằm mơ màng ngủ” do NXB Kim Đồng tổ chức sáng 3/6.

1.Mới đây, tại Lễ trao Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 3-2022 do báo Thể thao và Văn hóa tổ chức, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cho rằng, trẻ em hiện giờ rất giỏi, có những em như một thiên tài. Về âm nhạc có những giọng ca nhí hát hay vô cùng, kéo nhị rất giỏi, biểu diễn hấp dẫn lắm. Có những em tính nhẩm giỏi không khác gì máy tính… Tuy nhiên, với văn chương thì thời của ông có cả dàn nhà thơ nhí, nhưng hiện giờ không có.

Thú vị với mảng sách thiếu nhi gắn với Covid-19

Trong top 8 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo - chấm điểm của Giải Dế Mèn năm nay có tới 3 tác phẩm có bóng dáng của đại dịch Covid-19. Trong đó, tác phẩm “Cơ Bản là cơ bản” của Phạm Huy Thông được viết trong 1 tuần, khi tác giả phải tự cách ly vì F1. Theo ban giám khảo, trừ những đoạn hơi kể lể dài dòng về chèo Ma, rối Chuộc, nhìn chung “Cơ Bản là cơ bản” đã thể hiện được tinh thần thời đại mới, khi toát lên được triết lý giáo dục trẻ em - hãy để cho chúng tự lập hơn để được là chính chúng.

Trong khi đó, “Trường học chẳng có gì vui?” là một câu chuyện rất hoạt kê, dí dỏm về nỗi chán chường của những đứa trẻ khi phải bước vào lớp 1. Nó rất trúng với tâm lý của trẻ em, nhưng đa phần người lớn chúng ta không chịu công nhận và thường ngay lập tức muốn con em mình phải trở thành những con ngoan trò giỏi, những tấm gương hiếu học ngay từ thời tiểu học.

Đề cập trực diện đến đại dịch Covid-19 là “Covid trong mắt trẻ thơ” - series sách tranh gồm 7 tập, mà chỉ riêng phần lời rất ngắn của chúng thôi cũng đã được các thành viên ban giám khảo đánh giá là những truyện từ mức độ đọc được, đến mức thật sự xuất sắc. Bộ sách còn là một sự kết hợp thú vị, khi đội ngũ minh họa và dịch thuật đặc biệt, gồm 7 em thiếu nhi phụ trách vẽ mỗi truyện và 4 em phụ trách dịch lời sang tiếng Anh.

Nhận xét của nhà thơ Trần Đăng Khoa không phải không có lý, tuy nhiên, cũng chưa hoàn toàn chính xác. Thực tế cho thấy, vẫn đang có những bạn nhỏ có năng khiếu văn chương và đã xuất bản được nhiều đầu sách khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông. Có thể kể tới những cái tên như: Cao Khải An, Nguyễn Hạnh Phương, Nguyễn Khang Thịnh, Cao Việt Quỳnh, Minh Anh...

Nếu có dịp tiếp cận với những bản thảo gửi tới tham dự Giải thưởng Dế Mèn hàng năm, hẳn sẽ ít nhiều bất ngờ về sức sáng tạo của nhiều em nhỏ. Các em không chỉ viết thơ, viết truyện mà còn sáng tác những tiểu thuyết giả tưởng dày hàng trăm trang, ở đó, mở ra những câu chuyện mà nhiều người lớn “không thể ngờ”. Nhiều em vừa viết, vừa tự dịch ra tiếng Anh; lại có em viết trực tiếp bằng tiếng Anh rồi dịch ngược ra tiếng Việt.

Từ những bản thảo gửi đến như thế, năm 2020, cậu bé 11 tuổi Cao Khải An đã được phát hiện, trao giải Khát vọng Dế Mèn với bản thảo tập truyện “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm”.

Tương tự, ở mùa giải Dế Mèn 2022, chùm truyện ngắn của Nguyễn Vũ An Băng (9 tuổi), vừa học hết lớp 4 trường Tiểu học Quỳnh Lôi (Hà Nội), đã chinh phục hoàn toàn các thành viên giám khảo từ vòng sơ khảo tới vòng chung khảo. Thậm chí, 4 truyện ngắn vỏn vẹn chưa tới 4.000 chữ của An Băng đã trội vượt so với nhiều tác giả đã tạo được tên tuổi trên văn đàn cùng gửi tác phẩm tham gia hay có tác phẩm được xét giải trong dịp này.

Hay mới đây, cô bé Đặng Hà Linh (12 tuổi), học sinh một trường tại Hà Nội, đã viết trực tiếp bằng tiếng Anh cuốn tiểu thuyết đầu tay “The Strongest Magic of All” (tạm dịch: Lựa chọn giữa hai thế giới). Điều gây bất ngờ: Tác phẩm này đã được một nhà xuất bản tại Canada ấn hành với cả bản sách in và bản điện tử, phát hành toàn cầu.

2.Câu hỏi đặt ra là liệu có sự đứt gãy giữa các thế hệ viết cho thiếu nhi hay không? Liệu sau những thế hệ nhà văn đạt nhiều thành tựu viết cho thiếu nhi như Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Đoàn Giỏi, Võ Quảng, Phạm Hổ, Trần Đăng Khoa, Xuân Quỳnh, Phong Thu, Định Hải… thì văn học thiếu nhi có khoảng trống nào cần bù lấp?

Đây cũng là một trong những ý kiến xuất hiện trong cuộc giao lưu với các tác giả viết cho thiếu nhi có chủ đề “Trang sách hồng nằm mơ màng ngủ” do NXB Kim Đồng tổ chức hôm 3/6 tại Hà Nội.

Bằng quan sát trên thị trường xuất bản, thì rõ ràng, sẽ thiếu thuyết phục khi nói rằng có sự đứt gãy hay có khoảng trống. Bởi thời nào cũng có những nhà văn, nhà thơ, tác giả viết sách cho thiếu nhi, về thiếu nhi. Sau những cái tên đình đám, thì những thế hệ sau này, người ít người nhiều, đã làm phong phú thêm cho mảng văn học cho thiếu nhi. Có thể kể tới những tên tuổi như các nhà văn: Phan Thị Thanh Nhàn, Lê Phương Liên, Nguyễn Nhật Ánh, Tạ Duy Anh, Phan Thị Vàng Anh, Trần Đức Tiến, Nguyễn Quang Thiều, Cao Xuân Sơn… Trẻ hơn có thể kể tới Nguyễn Ngọc Thuần, Phong Điệp, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Thị Kim Hòa, Lê Quang Trạng… hay gần đây là: Trương Huỳnh Như Trân, Quyên Gavoye, Hoàng Giang…

Dấu ấn của mỗi tác giả để lại trong địa hạt sách thiếu nhi, đương nhiên, có sự đậm nhạt khác nhau. Có người một tập sách, có người viết hàng chục tập sách, thậm chí có người chỉ một bài thơ, nhưng đó là một sự tiếp nối đáng trân trọng.

Song, công bằng mà nói, đời sống bây giờ đã có nhiều biến đổi, trẻ em bây giờ cũng đông hơn, đòi hỏi cao hơn, vì thế những sáng tác văn học cho thiếu nhi, về thiếu nhi ở khắp các độ tuổi vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Vì thế, số tác phẩm văn học dịch của nước ngoài nhiều khi vẫn còn “áp đảo”. Bên cạnh đó, số lượng tác phẩm văn học do các nhà văn trong nước viết cho thiếu nhi thật sự xuất sắc chưa nhiều.

3.Trở lại với Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn cùng những tín hiệu mới từ các cây bút trẻ. Trước hết, đó là “cây bút nhí” Nguyễn Vũ An Băng - một giọng nữ được ví là “băng thanh, ngọc khiết” hiếm thấy. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, sự xuất hiện những em bé viết văn, đó là điều rất đáng khuyến khích, bởi có các em tham gia thì chúng ta có nền văn học đương đại, có những tác giả trong tương lai. “Các em hiện giờ có rất nhiều điều kiện chứ không như chúng tôi ngày xưa. Hiện giờ trong công cuộc đổi mới của chúng ta, chân trời ngay dưới gót chân của các em, chỉ có điều các em có bay được không”, nhà thơ Trần Đăng Khoa hóm hỉnh.

Tại lễ trao giải Dế Mèn mới đây, nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng đã hỏi Nguyễn Vũ An Băng rằng em có mong ước trở thành nhà văn không? “Không ạ” - An Băng trả lời, em mơ ước sẽ trở thành một nhà thiên văn học.

Câu trả lời của An Băng, có thể, sẽ khiến nhiều người hụt hẫng. Nhưng trẻ em hôm nay là vậy. Và ngay cả nhiều nhà văn hiện nay cũng vậy. Họ không xác quyết một con đường viết cho thiếu nhi, viết về thiếu nhi. Song khi có cảm xúc, có câu chuyện, có cơ hội… họ sẽ viết cho các em. Bản thân các tác giả nhí cũng vậy, bất cứ sự kỳ vọng, chờ mong hay đặt niềm tin vào các em bây giờ đều là quá sớm. Những Cao Khải An, Nguyễn Vũ An Băng… hay trước đó là Đặng Chân Nhân, Ngô Gia Thiên An, Nguyễn Bình… đều cho ta thấy những tín hiệu văn chương. Nhưng hãy cứ để cho các em sống và lựa chọn con đường của mình. Không quá kỳ vọng cũng là cách để không tạo áp lực cho các em.

Kỷ niệm 65 năm thành lập, NXB Kim Đồng vừa ra mắt 2 tuyển tập văn, thơ thú vị. Đó là “65 bài thơ hay dành cho thiếu nhi” do nhà thơ Cao Xuân Sơn tuyển chọn và “65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi” do nhà văn Trần Đức Tiến tuyển chọn.

Nhìn vào đội ngũ các tác giả viết cho thiếu nhi ở 2 tuyển tập này, có thể nhận thấy sự bền bỉ và tiếp nối giữa các thế hệ người viết cho thiếu nhi của Việt Nam. Trong cuốn “65 bài thơ hay dành cho thiếu nhi”, ta có thể gặp những bài thơ nằm lòng trong trí nhớ của nhiều thế hệ độc giả như: “Chú bò tìm bạn” của Phạm Hổ, “Câu chuyện vẽ tranh” của Võ Quảng, “Đi học” của Hoàng Minh Chính… Đó là những bài thơ của thiếu nhi viết cho thiếu nhi, thế hệ trước có: “Mẹ ốm” của Trần Đăng Khoa, “Mèo con đi học” của Phan Thị Vàng Anh, “Ngày đầu đến lớp” của Nguyễn Đặng Viên Phương… Tác giả đương đại có: Ngô Gia Thiên An, Đặng Chân Nhân...

Còn trong cuốn “65 truyện ngắn hay dành cho thiếu”, người đọc có thể nhận ra một đội ngũ tác giả hùng hậu: Khái Hưng, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Tú Nam, Nguyễn Quang Thiều, Lê Phương Liên, Trần Thiên Hương… cho tới những tác giả trẻ, sung sức hiện nay. Qua 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi, người đọc có thể thấy được sự vận động phát triển của nghệ thuật kể chuyện, những đề tài thu hút sự quan tâm của các em. “Dẫu là đồng thoại, cổ tích viết lại, giả tưởng hay hiện thực, các nhà văn đều thể hiện góc nhìn tinh tế, sự đồng điệu và sáng tạo hướng về trẻ thơ, vì trẻ thơ. Mỗi truyện ngắn gieo vào tâm hồn trẻ thơ một hạt mầm lành thiện bé bỏng và thuần khiết”, đại diện NXB Kim Đồng nhấn mạnh.

Góp thêm vào sự hấp dẫn của 2 tuyển thơ văn, đó là những bức minh họa sống động, hấp dẫn của các họa sĩ đương đại như Lê Trí Dũng, Nguyễn Công Hoan, Tạ Huy Long, Vũ Xuân Hoàn, Kim Duẩn, Vũ Đình Tuấn, Trần Minh Tâm, Tạ Lan Hạnh, Đặng Hồng Quân…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn học thiếu nhi: Chờ mong làn gió mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO