Vẫn hồi hộp trước lễ phong danh

Minh Quân 09/09/2015 08:10

Lẽ ra lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) lần thứ VIII- 2015 đã diễn ra vào dịp 2-9 vừa qua. Nhưng cho đến thời điểm này, Bộ VHTT&DL mới vừa ban hành văn bản thành lập Ban tổ chức (BTC) Lễ trao tặng danh hiệu, cũng như chưa ấn định thời điểm cụ thể tổ chức lễ phong danh.

Vẫn hồi hộp trước lễ phong danh

NSND Trung Kiên với ca khúc truyền thống.

Dẫu vậy, danh sách nghệ sĩ đủ điều kiện đã được công bố với 102 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 386 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT.

Theo bản danh sách này (Bộ VHTT&DL trình), 3 nghệ sĩ không đủ điều kiện xét tặng danh hiệu NSND đợt này gồm: NSƯT Thanh Thanh Hiền (lĩnh vực Âm nhạc), NSƯT Nguyễn Lê Văn, NSƯT Nguyễn Văn Lượng (lĩnh vực Phát thanh – Truyền hình).

Lý giải về các trường hợp này, ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng (Bộ VHTT&DL) – Phó trưởng ban thường trực BTC Lễ trao tặng NSND, NSƯT lần thứ VIII cho biết: “Kết quả tại phiên họp Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước đã trình Hội đồng cấp nhà nước 105 hồ sơ xét tặng tặng danh hiệu NSND. Tuy nhiên, sau khi Hội đồng cấp nhà nước họp có một số hồ sơ không được làm phiếu bầu đó là trường hợp của nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền. Do đó, ở trường hợp của nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền là không được bỏ phiếu bầu chứ không phải do phiếu thấp”.

Còn về trường hợp của NSƯT Nguyễn Thế Lượng và NSƯT Nguyễn Lê Văn, về mặt hồ sơ của 2 trường hợp trên đều đạt yêu cầu. Nhưng khi đưa ra hội đồng thì cả 2 trường hợp đều không đạt số phiếu cần thiết (dưới 90%). “Chúng ta có thể hiểu nôm na như thế này, từ nghệ sĩ xét thành NSƯT, Hội đồng tính cả HCB, nhưng từ NSƯT lên NSND thì phải có sự biến đổi về chất. Mà đã gọi là những biến đổi về chất thì tất cả những HCV, Hội đồng sẽ tính, còn HCB chúng tôi cũng chỉ đưa vào phụ lục trích ngang, không tính” - ông Cẩn phân tích.

Theo đại diện BTC Lễ trao tặng, NSND và NSƯT là một danh hiệu cấp nhà nước. Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật, nghệ sĩ nào cũng mong muốn có được những danh hiệu cao quí ấy. Mùa xét tặng, phong danh lần thứ VIII- 2015 không phải lần đầu tiên có những vướng mắc, gây ồn ào dư luận, mà nhiều đợt phong tặng danh hiệu nghệ sĩ trước đó cũng đã gặp những chuyện tương tự. Tuy nhiên, theo ông Cẩn, ở đợt xét tặng lần này thì những ồn ào, những bức xúc có đỡ hơn.

Trước những bức xúc giữa nghệ sĩ với các các thành viên Hội đồng xét tặng cấp nhà nước, ông Cẩn cũng giải thích về qui trình xét thành viên vào Hội đồng phải qua nhiều khâu giới thiệu trước khi Bộ trưởng Bộ VHTT&DL quyết định. Trong đó, Bộ VHTT&DL có 2 đơn vị là Cục Nghệ thuật biểu diễn và Cục Điện ảnh. Đồng thời Bộ VHTT&DL cũng có văn bản gửi các cơ quan khác giới thiệu các thành viên tham gia hội đồng. Đơn cử với lực lượng vũ trang có Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, lĩnh vực Phát thanh - truyền hình có Bộ TT&TT, Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngoài ra còn có các thành viên do cho các hội chuyên ngành cấp trung ương giới thiệu...

Nhưng trên thực tế rõ ràng những băn khoăn, bức xúc quanh câu chuyện xét tặng danh hiệu âu cũng xuất phát từ những nguyên nhân cụ thể. Vậy làm thế nào để việc phong danh phải thực sự tôn vinh những nghệ sĩ xứng đáng, cũng như tôn vinh xứng đáng những đóng góp của các nghệ sĩ với nền nghệ thuật nước nhà?

Theo ông Cẩn, qui trình giới thiệu thành viên Hội đồng xét tặng rất chặt chẽ. Như Hội đồng cấp nhà nước là 25 thành viên, nếu nói một trường hợp thành viên Hội đồng, trù dập thì một lá phiếu của họ so với 24 phiếu còn lại cũng chẳng làm được gì. Ông Cẩn khẳng định, các văn bản qui phạm pháp luật không bao giờ tuyệt đối vấn đề; một số vấn đề thỏa mãn được số đông chứ không thỏa mãn được tất cả. Do đó, buộc các Hội đồng phải luôn lắng nghe ý kiến từ các nghệ sĩ, đơn vị quản lý nghệ sĩ, qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Được biết, sau lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT, tới đây BTC lễ trao tặng danh hiệu cũng như Hội đồng xét tặng sẽ tổ chức họp báo rút kinh nghiệm với sự tham gia của đông đảo các cơ quan truyền thông, báo chí.

Giải thích về việc lễ phong danh nghệ sĩ năm 2015 trễ hơn so với dự kiến, ông Phùng Văn Cẩn cho hay, cho dù các nghệ sĩ rất mong đợi lễ phong danh, nhưng vẫn cần phải tuân thủ đúng qui trình. Trong Nghị định đã ghi rõ: Cố gắng công bố danh hiệu NSND, NSƯT vào dịp 2-9 sau khi có quyết định của Chủ tịch nước. Tuy nhiên trong quá trình bình xét báo chí đưa rất nhiều thông tin. Vì vậy, Văn phòng Chính phủ được giao nhiệm vụ phải luôn luôn phải cập nhật và lắng nghe ý kiến của quần chúng thông qua kênh báo chí.

Theo qui trình, sau khi Thủ tướng Chính phủ xem xét danh sách 488 nghệ sĩ đủ điều kiện, sẽ trình gửi Chủ tịch nước, rồi sau đó mới chuyển về Bộ VHTT&DL để tổ chức lễ trao tặng danh hiệu. Do đó, các nghệ sĩ vẫn đang hồi hộp chờ đợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẫn hồi hộp trước lễ phong danh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO