Vấn nạn xe công

Nam Việt 15/06/2016 07:25

Lãng phí trong mua sắm, sử dụng xe công- vấn đề không mới nhưng đến nay lại rộ lên khi những con số “rõ như ban ngày” được đưa ra ở Bộ nọ, ngành kia. Nước nào cũng phải có xe công, là phương tiện cần thiết để lo chuyện công vụ. Nhưng mà nhiều quá dẫn đến lãng phí lớn trong việc mua sắm và bị lợi dụng sử dụng sai  mục đích lại là chuyện rất khác.

Vấn nạn xe công

Nhiều xe biển số xanh tới nhà Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM ăn tiệc trong giờ hành chính, ngày 10/6.

Ngày 4/8/2015, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ôtô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tiếp đó, ngày 15-10-2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư Hướng dẫn một số điều của Quyết định kể trên. Các Quyết định, Thông tư đều căn cứ vào Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

Như vậy, từ phía quản lý nhà nước, các quy định là rất rõ ràng. Nhưng đáng tiếc thay, cũng như nhiều chủ trương, chính sách khác đã không được thực hiện nghiêm túc. Theo thời gian, sự việc cứ bị mờ nhòe, đâu lại vào đấy. Ở đây, rõ ràng không có sự nghiêm túc của người có trách nhiệm thực hiện; đồng thời cũng thiếu chế tài giám sát, kiểm tra, thanh tra, kỉ luật, phạt không nghiêm nên có thể nói là đã dẫn đến tình trạng nhờn luật.

Cũng cần nhắc lại, cuối năm 2013, Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, trong đó quyết định sẽ không cấp kinh phí mua xe công mới trong năm tới (trừ xe chuyên dụng theo quy định của pháp luật).

Với quyết định dừng mua xe công trong năm 2014, ngân sách sẽ tiết kiệm được một số tiền khổng lồ. Có thể dẫn chứng theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2012, số xe ôtô công được mua mới vẫn tiếp tục tăng dù đã có chủ trương hạn chế mua xe công. Số xe công trong cả nước vẫn tăng 2.391 chiếc, với tổng giá trị 2.756 tỉ đồng.

Trong đó, khối cơ quan trung ương tăng 973 chiếc với tổng giá trị 956 tỉ đồng, khối cơ quan địa phương tăng 1.418 chiếc với tổng giá trị 1.799 tỉ đồng. Còn theo con số mới đây của cơ quan chức năng, mặc dù yêu cầu siết chặt quản lý xe công đã được đưa ra nhiều năm nay, nhưng số lượng xe công vẫn gia tăng mạnh: cả nước hiện có gần 40.000 xe công và chi phí từ ngân sách nhà nước hằng năm cho việc sử dụng xe công lên tới khoảng 13.000 tỷ đồng.

Do đó có thể thấy, nếu thực hiện nghiêm quyết định hạn chế xe công thì nguồn ngân sách “dôi dư” là rất lớn.

Dẫn số liệu của vài năm trước để thấy, xe công thực sự là một vấn nạn. Bất chấp Quyết định, thông tư..., lượng xe công vẫn cứ tăng lên, cùng đó là việc ngân sách công giảm đi, bức xúc trong dư luận xã hội tăng lên. Số xe công nhiều lên đi kèm với việc mua “vượt cấp” các loại xe đắt tiền, thanh lý (hoặc chuyển giao) xe cũ với mức thấp hơn rất nhiều so với khi mua. Thêm nữa, lại ngốn một lượng xăng khổng lồ, tăng chi phí cho đội ngũ lái xe...

Theo cách tính toán của các chuyên gia quản lý công sản thì mỗi năm nếu mua thêm 1.000 xe công, với giá trung bình 1 tỉ đồng/chiếc, thì đã ngốn mất 1.000 tỉ đồng (tăng thêm). Nếu số tiền đó được dùng chi cho khoản khác, trong khi đất nước đang phải thắt lưng buộc bụng, hạn chế chi cho đầu tư phát triển, cắt giảm nhiều hạng mục thuộc về chi ngân sách- thì sẽ hữu ích hơn rất nhiều. Mỗi năm chỉ tính riêng tiền khấu hao xe, chi phí xăng xe, bảo trì, bảo dưỡng, nuôi lái xe… một xe không thể ngốn dưới 100 triệu đồng/năm.

Như vậy, giả sử với 1.000 xe mới, thì lại phải cộng dồn khoảng 100 tỉ đồng nữa. “Đời” một chiếc xe là 10 năm (sau đó chuyển đổi, thanh lý để mua xe mới), cộng lại chi phí sẽ lại thêm 1.000 tỉ đồng.

Thật đáng buồn, trong việc mua xe công, một số nhà nghiên cứu văn hóa đã cho rằng có “yếu tố truyền thống”. Đó là việc các “quan” thời nay vẫn vấn vương với việc làm quan ngày trước sẽ có ngựa xe đón rước. Ngựa (xe) càng đẹp thì càng oách, càng cho bàn dân thiên hạ thấy thân phận cao quý của mình. Tâm lý đó chi phối rất nhiều tới hành vi mua sắm xe quá sang, vượt tiêu chuẩn quy định, nặng tính hình thức nhưng lại làm thiệt hại tiền của dân, của nước.

Còn nhớ, trong một kỳ họp Quốc hội cuối năm ngoái, ông Nguyễn Sĩ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội có nói rằng, xe công, trả lương cho tài xế đã tốn; chi phí khi sử dụng còn lớn hơn.

Vấn nạn xe công như vậy đã rõ, nhưng cũng cần dẫn ra thêm con số mới nhất khi Bộ NN-PTNT thừa 176 xe công, Bộ Công thương mua thừa 57 xe. Đã vậy, Bộ Công thương vẫn đề nghị trang bị thêm cho đơn vị thiếu xe ôtô so với định mức.

Nhưng, Bộ Tài chính đã bác đề nghị này. Đó là con số của 2 bộ, còn mấy chục bộ nữa, mấy chục tỉnh nữa, con số “dôi dư” sẽ là bao nhiêu? Câu trả lời đã có sẵn ngay trong câu hỏi vậy.

Có lẽ vì nạn lạm dụng ngân sách để mua sắm, sử dụng xe công vào mục đích riêng quá ghê gớm, nên rất dễ gây bức xúc trong người dân. Ngày 10-6 mới đây, người dân ở ấp Mỹ Khánh, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi xôn xao về việc có hàng chục xe “biển xanh” tới nhà ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM ăn tiệc (trong giờ làm việc). Tới độ Chủ tịch UBND thành phố phải vào cuộc, chỉ đạo làm rõ vụ việc, báo cáo sớm để xử lý.

Xe công là để phục vụ việc công chứ không phải là để về quê, để đi ăn cưới... con người bạn; càng không phải để đi chùa chiền, đưa đón con đi học. Quy định của Nhà nước không cho phép làm như vậy. Nhân dân không cho phép làm như vậy. Đó là việc lạm dụng chức vụ quyền hạn, một dạng làm thâm hụt ngân sách nhà nước, gây bức xúc xã hội. Tham nhũng và lãng phí như một “cặp bài trùng”, là thứ giặc nội xâm làm nghèo đất nước, làm suy giảm niềm tin của người dân với chế độ. Không thể để mãi tái diễn, nghênh ngang trước bàn dân thiên hạ.

Đã đến lúc phải rà soát việc mua sắm, sử dụng xe công của tất cả các cơ quan, đơn vị dùng ngân sách nhà nước. Kiểm tra việc mua xe đã đành, còn phải kiểm tra cả việc sử dụng xe có đúng mục đích hay không. Thiết nghĩ, đây cũng không phải là việc khó đến nỗi không thể làm nổi, quan trọng là ở sự quyết tâm. Kiểm tra xong rồi thì phải công bố công khai, nêu rõ biện pháp xử lý thì dân mới tin, cũng là để răn đe, giáo dục những ai, những đơn vị nào đang có ý định dùng ngân sách nhà nước sắm xe sang, sắm nhiều xe.

Về lâu về dài, rất cần sự giám sát, kiểm tra thường xuyên, để không lặp lại sau một thời gian lại thừa ra cả hàng núi xe công, trong khi đất nước còn nghèo lắm, nhiều nơi người dân còn khổ lắm.

...Hơn 10 năm trước, thiên hạ buồn bã khi biết chuyện ông chủ tịch huyện của một tỉnh miền núi nghèo cưỡi... 100 con trâu đi họp. Ấy là nói chuyện bán cả 100 con trâu mới mua nổi một chiếc xe hơi cho ông ngự!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vấn nạn xe công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO