Vẫn nhiều băn khoăn với quy chế tuyển sinh sửa đổi

Thuỷ Anh 23/02/2016 08:30

Bộ GD&ĐT vừa đưa ra Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) hệ chính quy. Đánh giá dự thảo Quy chế mới, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng Bộ đã có ghi nhận ý kiến của xã hội sau mùa tuyển sinh 2015, tuy nhiên vẫn còn một số điểm Bộ cần lưu ý sửa đổi.

Vẫn nhiều băn khoăn với quy chế tuyển sinh sửa đổi

Trước mỗi kỳ thi, thí sinh mong có những thông tin rõ ràng để lựa chọn.

Băn khoăn 2 hình thức cụm thi

PGS Trần Xuân Nhĩ- nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Bộ đã có một số điều chỉnh nhỏ. Tuy nhiên, cái cơ bản nhất của kỳ thi này thì chưa có thay đổi.

“Trước đây, nhiều chuyên gia đã góp ý kiến, mục đích của 2 kỳ thi khác nhau, kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá học sinh đủ kiến thức trình độ phổ thông trong thời gian học. Còn kỳ thi tuyển sinh là kỳ thi tuyển lựa để đào tạo. Có người tốt nghiệp phổ thông nhưng không đáp ứng tuyển lựa của họ... Nhập 2 kỳ thi đó lại trước hết tôi thấy không đúng”, ông Nhĩ nói.

“Bên cạnh đó, việc tổ chức thi đối với phổ thông, Sở GD&ĐT là người theo dõi chỉ đạo 12 năm nhưng lại không giao cho các Sở là điều không hợp lý. Các trường ĐH chỉ làm nhiệm vụ tuyển để đào tạo thôi. Phổ thông làm ra các sản phẩm, nguyên liệu, còn các xí nghiệp từ nguyên liệu sẽ tuyển lựa nguyên liệu nào thích hợp với mình để đào tạo, lúc bấy giờ trường ĐH mới tham gia vào. Cho nên tôi phân vân nhất là vấn đề hai trong một, đồng thời là tổ chức các cụm thi do trường ĐH phụ trách. Như vậy là không hợp lý. Lập luận bảo rằng các trường ĐH tổ chức mới nghiêm túc, thì cho đến thời điểm này các Sở đã có phản ứng. Một Sở GD&ĐT đã chỉ đạo, đào tạo 12 năm mà lại bảo họ không nghiêm túc là không được”.

PGS Trần Xuân Nhĩ kiến nghị: Bộ nên làm tốt đề thi, công tác giám sát. Sở thì phải tổ chức kỳ thi nghiêm túc. Trước kia có thể nghi ngờ các Sở nhưng qua mấy kỳ thi, tôi thấy Sở hoàn toàn có thể tổ chức tốt, nghiêm túc. Các trường ĐH ngày một thay đổi, có thể tự chủ rồi. Bộ nên làm tốt việc giao chỉ tiêu cho các trường làm sao cho công bằng, làm thế nào cho tất cả các trường đủ nguồn tuyển…

Liên quan đến vấn đề này, PGS Văn Như Cương- Chủ tịch Hội đồng quản trị trường chuyên Lương Thế Vinh nhận định: Năm nay có khác là mỗi tỉnh phấn đấu có một địa điểm thi. Nhưng địa điểm thi này vẫn có 2 hình thức khác nhau. Một hình thức do các trường ĐH phụ trách, một hình thức do các Sở và địa phương phụ trách. Người ta đặt dấu hỏi lớn về sự khác nhau.

Có yêu cầu gì mà khác nhau? Thực tế khi thi để lấy bằng tốt nghiệp đã thi 4 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc là Văn, Toán, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn. Có những trường tuyển tổ hợp môn đúng môn đó, nếu thí sinh đủ điểm đăng ký vào trường thì vẫn được.

Như vậy đâu có phải thi ở cụm địa phương thì sẽ không được vào ĐH, thế thì phân biệt 2 cụm làm gì. Phân biệt ra 2 cụm, có vẻ ý đồ từ đầu để điều hành cụm này dễ hơn cụm kia về mặt coi thi, chấm thi… điều đó có thể xảy ra. Hơn nữa, tất cả cụm thi đều có sự phối hợp giữa trường ĐH và các sở… tôi suy nghĩ mãi không hiểu tại sao Bộ có chủ trương như vậy...

Chỉ nên cộng điểm ưu tiên cao nhất

Tiếp tục góp ý những thay đổi về mặt chính sách, PGS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh: Đất nước ta rất rộng, dân số đông, nên cần có chính sách theo hướng đảm bảo công bằng, đào tạo được cán bộ cho tất cả vùng miền. Chính sách ưu tiên là cần thiết, nhưng nên ưu tiên như thế nào cho đúng. Hiện đang có nhiều loại ưu tiên như khu vực, gia đình thương binh liệt sĩ… Mỗi loại ưu tiên có một điểm số do Bộ quy định.

Quan điểm của tôi là mỗi người chỉ nên được hưởng một ưu tiên cao nhất thôi. Nếu 1 người có rất nhiều ưu tiên, cộng hết ưu tiên lại thì nhiều quá. Ví dụ có trường lấy 15 điểm, cộng hết ưu tiên vào đã được 5 điểm rồi thì người học kém cũng như người học giỏi là không công bằng. Mỗi người chỉ được cộng điểm ưu tiên cao nhất, thì mới đảm bảo được chất lượng và đánh giá tốt nghiệp đào tạo.

Đồng tình quan điểm, PGS Văn Như Cương nói: Bộ đưa ra điều chỉnh về cộng điểm ưu tiên tôi thấy hợp lý rồi, nhưng chưa thấy Bộ ghi ưu tiên tối đa nên là bao nhiêu điểm. Có quy định những ai học 18 tháng phổ thông trung học ở đâu thì sẽ ưu tiên ở khu vực ấy, để tránh tình trạng 1 người tuy ở Mường Nhé - Điện Biên nhưng theo bố về Hà Nội học, đến khi ưu tiên cộng điểm lại cộng điểm khu vực Mường Nhé - Điện Biên vì đây là vùng khó khăn thì không được.

Tuy nhiên: “Ưu tiên tối đa là 3 điểm hay 4 điểm, 5 điểm là vấn đề quan trọng. Năm ngoái thắc mắc của học sinh nói chung nằm ở chỗ đó, bởi chỉ cần 0,25 điểm đã chênh nhau đỗ trượt rồi. Nếu giờ cộng thêm đến 3 điểm thì nhiều quá…”

Không cần để điểm sàn

Một điểm nữa mà các chuyên gia giáo dục vẫn băn khoăn, đó là nên hay không nên bỏ điểm sàn. PGS Văn Như Cương chia sẻ: “Đối với trường CĐ không có điểm sàn mà lấy ngưỡng tốt nghiệp THPT chính là điểm sàn tôi không có ý kiến. Nhưng bậc ĐH, mức điểm sàn Bộ sẽ quy định mức điểm giống như mọi năm, thì tôi thấy không hợp lý. Tôi cho tất cả những học sinh đã đủ điểm tốt nghiệp THPT thì chứng tỏ đã đủ trình độ vào ĐH. Nếu trường ĐH nhiều học sinh thì họ tổ chức thi, lấy điểm từ cao xuống thấp. Còn trường lấy điểm phổ thông thì tại sao không được? Khi chúng ta đã có các bậc học từ tiểu học lên THPT thì đánh giá tốt nghiệp nghĩa là đủ sức theo tiếp bậc trên. Tức là khi anh đã tốt nghiệp THPT thì có nghĩa đã đủ sức lên học ĐH, nếu trường ĐH công nhận. Tôi cho rằng, tất cả các bậc đều lấy ngưỡng tốt nghiệp THPT là điểm sàn, không nên phân biệt”.

PGS Trần Xuân Nhĩ cũng nêu quan điểm: “Theo luật, tốt nghiệp THPT thì có quyền vào CĐ, vào các trường đào tạo. Đối với ĐH, theo tôi đã giao tự chủ rồi thì các trường sẽ căn cứ vào yêu cầu của mình, Bộ chỉ giao chỉ tiêu thôi chứ không nhất thiết phải ra ngưỡng điểm sàn. Chẳng hạn trường giao cho 5.000 chỉ tiêu mà nhiều thí sinh đăng ký quá, tới 20.000 thí sinh thì cuối cùng cũng có điểm sàn tuỳ trường đặt ra. Còn trường ĐH thiếu, thì tốt nghiệp phổ thông là đủ điều kiện đào tạo rồi. Khi vào trường sẽ kiểm tra lại, môn nào cần Lý, cần Hoá… để cân đối".

Một số chuyên gia giáo dục cũng băn khoăn về vấn đề học sinh học lệch và đánh giá không toàn diện. 3 môn bắt buộc và học sinh tự chọn một môn nữa, tức là học sinh chỉ học 4 môn. Có nhận định cho rằng, không những học sinh bây giờ mà học sinh từ lớp 10, theo kiểu thi như thế này cũng sẽ học lệch.

Ngoài ra, cũng có ý kiến quan ngại những thay đổi của Bộ có thể sẽ không giải quyết được vấn đề ùn tắc, tắc nghẽn như mùa thi 2015. Trước kia thí sinh được chọn nguyện vọng vào 4 trường với 4 ngành, giờ chọn lần đầu 2 trường mỗi trường 2 ngành và không được rút ra, cộng với biện pháp như đăng ký có thể ở Sở hoặc trên mạng… Tuy nhiên, như vậy có thể thí sinh vẫn phải ôm máy tính vì không rút hồ sơ ra được. Thí sinh và gia đình có thể vẫn phải chờ đến phút cuối cùng xem tình hình như thế nào để đăng ký.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẫn nhiều băn khoăn với quy chế tuyển sinh sửa đổi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO