“Vàng đỏ” của Iran thời cấm vận

09/06/2015 08:00

Nghệ tây, thứ cây dùng để chế ra loại gia vị đắt giá vào loại nhất thế giới có tên Saffron, là một loại cây trồng truyền thống và nổi tiếng toàn thế giới của Iran. Với giá trị còn cao hơn cả vàng, loại cây này hiện vẫn là được coi là một ngành công nghiệp thu nhiều lợi nhuận của Iran dù đang đối mặt với các lệnh cấm vận nặng nề.

“Vàng đỏ” của Iran thời cấm vận

Gia vị nức tiếng từ Iran

Với giá khoảng 65 USD/gam đối với loại gia vị tên Saffon làm từ hoa nghệ tây có chất lượng cao nhất, nó thực sự còn có giá trị cao hơn cả vàng. Giá trị của nghệ tây ở Iran luôn ở mức giá cao nhờ vào phương pháp nuôi trồng và thu hoạch theo lối truyền thống. Ở Iran hiện có khoảng 200.000 khu vực trồng nghệ tây cao cấp, và mỗi mùa vụ cần rất nhiều nhân lực để thu hoạch hoa nghệ tây.

Hoa nghệ tây chỉ nở từ cuối tháng 10 tới đầu tháng 11, nên đây là khoảng thời gian thu hoạch duy nhất trong năm. Đó cũng là một trong những lý do khiến Saffron trở nên đắt đỏ. Người ta phải dùng tay để tách nhụy trong từng bông hoa nghệ tây.

Để có 1 kg Saffron, cần đến 150.000 bông nghệ tây. Sau khi được tách, nhụy được mang phơi khô. Nhụy hoa co lại còn khoảng 1/3 sau khi phơi. Giai đoạn tiếp theo là sấy để tạo thành sản phẩm. Gia vị Saffron thường có màu vàng hoặc cam nên được gọi là "vàng đỏ”.

Iran có truyền thống trồng nghệ tây trên 3.000 năm và hiện cung cấp khoảng 90% trong tổng số 250 tấn nghệ tây của toàn thế giới mỗi năm. Nghệ tây ở Iran cũng được xem là loại cao cấp và có hương vị đặc biệt nhất nhờ điều kiện khí hậu của nước này. Nghệ tây ở Iran được người dân nước này sử dụng để chế biến các món ăn đặc sản, thuốc men thậm chí là cả mỹ phẩm.

Thế nhưng ngành công nghiệp nghệ tây ở nước này ngày càng gặp khó khăn hơn trong những năm gần đây. Các lệnh cấm vận quốc tế áp đặt đối với Iran do chương trình phát triển hạt nhân gây tranh cãi của nước này đã ngăn chặn nghệ tây của họ đến với các thị trường lớn trước kia như châu Âu, Mỹ và Canada.

“Vàng đỏ” của Iran thời cấm vận - 1

Nông dân Iran thu hoạch hoa nghệ tây ở Masshad

Thích nghi với cấm vận

"Chúng tôi còn không thể sử dụng ngân hàng” – ông Mehrdad Rowhani, Giám đốc điều hành Công ty nghệ tây Saffron Rowhani ở Khorosan, tỉnh sản xuất 70% sản lượng nghệ tây của Iran, cho hay.

Nhiều công ty sản xuất nghệ tây từng ăn nên làm ra trước kia thậm chí còn phải chuyển đổi sang công ty đầu tư thương mại để né tránh các lệnh cấm vận đối với ngành ngân hàng của Iran, và chủ yếu hợp tác với các đối tác Trung Quốc và Ấn Độ. Các công ty kiểu này thường không bán nghệ tây, mà đổi sản phẩm này lấy các kiện hàng tiêu dùng, thực phẩm hoặc đồ điện tử từ các bên đối tác.

Tuy còn vô vàn thách thức, nhưng công ty của ông Rowhani vẫn đủ khả năng để duy trì sản lượng xuất khẩu khoảng 50 kg mỗi tháng bằng cách chuyển hướng sang các thị trường mới như Vùng Vịnh và Trung Đông. Và nếu xét tổng thể ngành công nghiệp sản xuất nghệ tây của Iran, tổng lượng xuất khẩu đã tăng đến 36% trong năm 2014 và giá của mỗi cân nghệ tây đã tăng nhẹ khoảng 2.000 USD/kg.

Saffron lần đầu tiên được trồng ở Hy Lạp và Ba Tư, được ghi chép trong sử sách có từ thế kỷ thứ VII trước Công nguyên, ở vùng Asyria bao gồm Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Saffron hiện là một trong những loại gia vị đắt tiền nhất thế giới tính theo khối lượng.

Ban đầu được dùng như một loại dược thảo trước khi làm gia vị nhờ có chứa một chất có thuộc tính chữa bệnh, ngày nay nó có trong công thức chế biến món ăn của rất nhiều các quốc gia ven biển Địa Trung Hải như Pháp, Ý, Hy Lạp, Bồ Đào Nha…

"Các thương nhân Iran cũng rất thông minh, khi khe cửa quá hẹp, họ sẽ đi bằng cửa sổ” – ông Ali Sheikh, đại diện công ty Hassos của Iran, và là một thành viên của Phòng Thương mại Anh-Iran, cho biết – "Không có sản phẩm truyền thống nào của Iran, như nghệ tây và cây hồ trăn, bị ế cả. Thậm chí cầu còn cao hơn cung”.

Tương lai sáng

Hiện nay, cây nghệ tây nức tiếng thế giới của Iran vẫn đến được các thị trường phương Tây thông qua các trung gian ở nhiều quốc gia khác như Tiểu các Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), tuy rằng việc này sẽ kích thích các đối thủ cạnh tranh khác.

Theo ông Sheikh, Afghanistan cũng là một thị trường trung gian của nghệ tây Iran, và họ thường dự trữ sản phẩm nhập từ Tehran để sau đó bán ra thị trường trong nước với giá cao hơn. Trong khi đó ở thị trường Tây Ban Nha, nghệ tây Iran được các công ty trong nước trộn cùng với nghệ tây của họ và sau đó bán cho người tiêu dùng.

Theo một số bản thống kê, chỉ có khoảng 1% nghệ tây tiêu thụ ở Tây Ban Nha được trồng ở nước này, mà chủ yếu là nhập từ Iran. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ở Iran vẫn giữ niềm tin rằng chất lượng đặc biệt của thứ gia vị có nguồn gốc ở nước họ sẽ luôn giữ được vị trí "vàng” trên thị trường quốc tế và trong lòng người tiêu dùng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu các lệnh cấm vận đối với Iran được gỡ bỏ, như đã đề xuất trong cuộc họp mới đây nhất của nhóm P5+1, giá của "vàng đỏ” Iran sẽ tăng đột biến do nhu cầu tăng cao. Các công ty phương tây hiện đang xếp hàng để được đầu tư vào các thị trường mới, và nghệ tây Iran là một trong số những thị trường được đánh giá cao nhất.

Linh Chi

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Vàng đỏ” của Iran thời cấm vận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO