Vào hợp tác

Trần Duy Hưng 09/09/2017 08:35

"Ở thời điểm Luật Hợp tác xã ra đời đã được gần 5 năm, chuẩn bị được tổng kết, câu chuyện người đứng đầu một hợp tác xã (HTX) ở Hòa Bình, dù làm ăn rất hiệu quả nhưng khi có dịp vẫn phải tranh thủ chụp ảnh cùng với lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo ngân hàng với hy vọng tấm ảnh sẽ giúp HTX của mình dễ dàng vay vốn hơn từ các tổ chức tín dụng".

Câu chuyện trên được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ mới đây cho thấy, dẫu đã có hẳn một luật điều chỉnh hoạt động, với một hành lang pháp lý thông thoáng hơn, các HTX vẫn đang gặp phải rất nhiều khó khăn để có thể hoạt động, phát triển và họ vẫn chưa thể thoát khỏi thân phận “chiếu dưới” so với các loại hình doanh nghiệp khác.

Ra mắt Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ngày 7/9.

Thật dễ nhận ra thực tế trên rất mâu thuẫn với những mục tiêu, mong muốn, kỳ vọng về tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và mâu thuẫn với mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Xét riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, bên cạnh những thành tựu, đời sống nông nghiệp nước nhà đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Trong đó, tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, lạc hậu, thiếu sự liên kết giữa các hộ nông dân hiện nay không thể tạo ra được các sản phẩm nông sản hàng hóa có thể đáp ứng được những yêu cầu không chỉ nhiều mà còn rất khắt khe của thị trường, nhất là thị trường ngoài nước; là lực cản lớn nhất của ngành nông nghiệp nước nhà trên sân chơi hội nhập.

Thực tế cho thấy, hơn 11 triệu hộ nông dân ở nước ta hiện nay chẳng khác gì những chiến binh đơn lẻ nhưng lại đang và sẽ phải “đương đầu” với những tập đoàn kinh tế nước ngoài được ví như những binh đoàn, sư đoàn hùng mạnh…

Để khắc phục những hạn chế, bất cập cũng là điểm yếu trên của ngành nông nghiệp cần những giải pháp căn cơ, bài bản cả trước mắt và lâu dài.

Trong đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thay đổi mô hình sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún hiện nay sang mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nhất là liên kết trong việc tiêu thụ sản phẩm được xem là một giải pháp cơ bản.

Và, người có thể đảm nhiệm vai trò liên kết hoạt động sản xuất của các hộ nông dân,vốn đang rất đơn lẻ, tự phát hiện nay không ai khác chính là các HTX nông nghiệp.

Tuy nhiên, như đã thấy, chỉ riêng việc vay vốn, các HTX nông nghiệp đã gặp khó khăn như vậy thì liệu họ có thể phát triển, đảm đương tốt vai trò, sứ mệnh của mình?

Cũng xin bổ sung thêm, ngoài cách “tranh thủ chụp ảnh chung với lãnh đạo”, cách thức phổ biến để vay được vốn từ các ngân hàng phục vụ việc sản xuất, kinh doanh của các HTX hiện nay là Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX hoặc các thành viên phải mang chính sổ đỏ nhà ở của mình ra để thế chấp.

Bởi lẽ, dù chính sách hiện hành quy định, các HTX có thể vay vốn tới 1 tỷ đồng không cần thế chấp nhưng trên thực tế không mấy Hợp tác xã được hưởng ưu đãi này.

Chìa phương án kinh doanh ra thì bị ngân hàng nghi ngờ tính hiệu quả, từ chối cho vay; chìa sổ đỏ đất đai của HTX ra thì lấy lý do đây là tài sản sở hữu tập thể, không có người chịu trách nhiệm chính nên “không tiếp”. Đó là chưa kể, nhiều HTX nông nghiệp dù chờ đợi đã lâu nhưng đến nay đất đai đang sử dụng vẫn chưa được chính quyền cấp sổ đỏ.

Mà đâu chỉ có vậy. Vì nhiều lý do, đến nay nhiều HTX vẫn chưa thể chuyển đổi hoạt động theo luật mới, hoạt động không hiệu quả, tồn tại một cách “hữu danh vô thực”.

Một số HTX đã chuyển đổi hoạt động theo luật mới thì phần nhiều đang trong tình trạng “bình mới rượu cũ”, chỉ mới đảm nhận được một số khâu dịch vụ đầu vào, hầu hết chưa lo được đầu ra cho thành viên.

Con người là yếu tố quan trọng để phát triển, trong khi đó, nhân lực quản lý ở các HTX hiện nay phần lớn vẫn là những con người cũ, nhiều người tuổi đã cao, “sau một đêm ngủ dậy”, từ Chủ nhiệm HTX trở thành Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX, không tránh khỏi việc lẫn lộn giữa cũ và mới trong tư duy, cách làm.

Trong khi đó, yêu cầu đặt ra đối với nhân lực quản lý một tổ chức kinh tế như HTX trong bối cảnh hiện nay là không chỉ cần có sự tâm huyết, lăn lộn, gắn bó với đồng ruộng như “anh chủ nhiệm” trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Hoàng Trung Thông, mà còn cần phải có nhiều kiến thức, kỹ năng khác, nhất là trình độ quản lý, tổ chức, am hiểu thị trường.

HTX hoạt động không hiệu quả nên tiếng là Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nhưng thu nhập của nhiều người hiện chỉ ở mức trên dưới 1 triệu đồng/tháng, do vậy không nhiều người thực sự gắn bó, tâm huyết với HTX.

Không nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ HTX nên ở nhiều địa phương người dân, nhất là nông dân rất thờ ơ với HTX, số người góp vốn làm ăn với HTX rất ít, số người góp vốn với số lượng lớn lại càng ít hơn. Đó là lý do kể từ khi có Luật HTX mới đến nay, số lượng các HTX được thành lập mới, hoạt động hiệu quả không nhiều.

Thực tế trên cho thấy, để mô hình HTX kiểu mới phát triển, đảm đương tốt vai trò, chức năng theo những mục tiêu, mong muốn khi thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, rõ ràng những khó khăn, vướng mắc, bất cập trên của các HTX, nhất là các HTX nông nghiệp phải từng bước được tháo gỡ.

Hoạt động của các HTX cần phải có bệ đỡ từ những chính sách cụ thể, có tính động lực của nhà nước. Trước hết và cần thiết nhất là phải xóa bỏ được sự phân biệt.

...Cách đây chưa lâu, khi đi giám sát việc thực hiện Luật HTX tại một số địa phương trong tỉnh, cuối buổi làm việc, ông Nguyễn Thế Khanh- nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế của Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định nói: “Chúc Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể của địa phương hoạt động thường xuyên”.

Bởi, ông cho rằng, xây dựng các HTX kiểu mới là một việc lớn, có tính chiến lược trong xây dựng nông thôn mới cũng như trong xu thế hội nhập.

Chính vì vậy, công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan trọng. Nếu chỉ hình thức, qua loa, đại khái theo kiểu đối phó sẽ không bao giờ có kết quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vào hợp tác

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO