Về làng mà như lạc vào phố…

Điền Bắc 03/04/2021 07:42

“Làng tỷ phú”, “làng châu Âu” hay Phố trong làng là tên gọi mà người ta đặt cho xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) - nơi có gần 1,4 ngàn người xuất khẩu lao động đến nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước châu Âu như Pháp, Đức, Ba Lan...

Từ một làng quê nghèo, thuần nông, xã Đô Thành, huyện Yên Thành giờ đây đã trở thành xã giàu có bậc nhất ở Nghệ An. Bởi sau gần 20 năm, Đô Thành thực sự là “phố trong làng” bởi những căn biệt thự nguy nga, xe con sáng bóng và hơn hết đời sống người dân đổi thay chóng mặt.

Những căn nhà bạc tỷ tiếp tục mọc lên.

3/4 số hộ có nhà cao tầng

Đó là con sống thống kê được ông Luyện Xuân Huệ, Chủ tịch UBND xã Đô Thành xác nhận. Bởi, toàn xã Đô Thành hiện có gần 9.000 người trong độ tuổi lao động, có đến gần 1,4 ngàn người đi xuất khẩu lao động ở các nước, trong đó hơn 1.000 người đi làm việc, buôn bán tại Lào. Tính trung bình một nhà có ít nhất một người đi xuất khẩu lao động.

Mặc dù, xã có hơn 4.000 hộ với gần 18.000 nhân khẩu tuy nhiên 3/4 số hộ đó có nhà cao tầng, biệt thự. Để xác thực điều đó, chúng tôi đã dạo quanh một vòng các con đường liên xóm. Quả đúng như lời đồn đại, xã Đô Thành như châu Âu bởi chi chít những căn biệt thự cao cấp, những ngôi nhà khang trang kiên cố, xe hơi...

Đi cùng chúng tôi là ông Vũ Hồng Sơn (56 tuổi) - Xóm trưởng xóm Phú Vinh, xã Đô Thành. Khi biết chúng tôi đang từ thắc mắc đến ngạc nhiên về những căn nhà bề thế, ông Sơn cho biết, toàn bộ nhà lầu, biệt thự, ô tô,… của người dân nơi đây đều là công sức mà con em đi làm từ nước ngoài gửi về, nó khác xa với hàng chục năm về trước.

Để so sánh về sự thay đổi ấy, ông Sơn nhớ lại, thuở 80 của thế kỷ trước, Đô Thành là một vùng chiêm trũng thuần nông, cuộc sống người dân nơi đây chủ yếu sống bằng cây lúa, cần cù lam lũ mà cái đói cái nghèo vẫn cứ đeo bám. Dù phấn đấu, cày cuốc nhưng cai nghèo vẫn không tha. Thế rồi, trong cái nghèo ấy, nhiều thanh niên quyết định rời xa quê hương, mưu sinh lập nghiệp nơi xứ người.

Những năm đó, Đô Thành vốn nối tiếng là vùng làm mộc đẹp, chất lượng được khắp nơi ưa chuộng. Nhưng rồi, nghề mộc vẫn không duy trì được lâu, bởi vào những năm 90 khi thị trường gỗ bão hòa, sản phẩm làm ra ế ẩm, người dân nơi đây đành bỏ nghề. Một số người bắt đầu chuyển hướng tìm kiếm tương lai bằng việc xuất ngoại đến các nước Nga, Ba Lan, Đức... để lao động kiếm sống.

Thế là, thanh niên trong làng lần lượt khăn gói “đi Tây”. Để có tiền gửi về cho gia đình, họ làm đủ mọi nghề, từ cửu vạn, công nhân đến buôn bán… Cứ có nghề nào kiếm ra tiền một cách chính đáng là họ không ngại làm. Sau thời gian làm việc ở nước ngoài, nhận thấy công việc nơi đây mang lại thu nhập cao, người sang trước giới thiệu người sau sang. Có gia đình, toàn bộ anh em trong nhà đều xuất ngoại.

“Ở làng này nhà có hai, ba thậm chí bốn, năm người đi Tây là chuyện bình thường. Cứ anh sang làm bên đó thấy có tiền là kéo em sang, rồi bác kéo cháu, cha kéo con… cứ thế họ đua nhau đi xuất ngoại. Người trước rước người sau, tạo thành một phong trào sôi nổi, đến nay số lượng người xuất ngoại lên tới hàng ngàn người” - ông Sơn cho hay.

Điển hình là gia đình ông Nguyễn Đức Hòe - xóm Phú Vinh. Theo ông Hòe, ông hiện có 3 người con trai, một con gái và một cô con dâu đang làm ăn ở Đức. Sau những năm mưu sinh vất vả, những người con của ông cũng gửi tiền về để ông tậu cho gia đình cơ ngơi đồ sộ. Với lối thiết kế độc đáo, căn nhà của ông được xem là “khủng” nhất vùng.

Tâm sự về gia cảnh trước đây, ông Hòe cho biết gia đình đông con, làm ruộng quanh năm nhưng vẫn nghèo, nhưng từ khi nhà nước có chính sách mở cửa, các con của ông được tạo điều kiện đi xuất khẩu lao động. Lúc đầu là người anh đi, khi ổn định thì đưa em sang. Lần lượt như thế, hiện tại ông có bốn cậu con trai thì ba cậu làm ăn ở châu Âu, rồi con gái con dâu cũng sang đấy mưu sinh.

Hay như gia đình ông Vũ Văn Thung (60 tuổi) cùng ở xóm Phú Vinh, gia đình khấm khá lên cũng do con cái đi lao động trời Âu. Nhìn ngôi nhà ba tầng đồ sộ được gia đình ông mới xây dựng hơn một năm nay cùng với nhiều thiết bị, đồ dùng sinh hoạt đắt tiền, mới biết việc xuất khẩu lao động đã làm cho cuộc sống người dân thay đổi. Nhấp chén trà, ông Thung nhớ lại, vào những năm 2015 khi nhiều gia đình trong làng có con đi xuất khẩu lao động, có cuộc sống ấm no.

Sao gia đình mình vẫn nghèo mãi, vì thế vào năm 2017, vợ chồng ông Thung bàn nhau quyết định vay tiền ngân hàng và mượn thêm người thân cho hai người con trai là Nguyễn Trọng Thu (35 tuổi) và Vũ Trọng Thành (26 tuổi) đi xuất khẩu lao động tại Đức.

Đến đầu năm 2019, khi cuộc sống dần ổn định, Thu trở về quê lập gia đình rồi đưa vợ cùng sang Đức sinh sống và làm việc. Từ ngày các con ông Thung đi xuất khẩu lao động, cuộc sống vật chất của gia đình khá lên, đời sống tinh thần được cải thiện. Ông đã xây dựng được căn nhà hai tầng khang trang, kiên cố.

Cách đó mấy nhà, gia đình ông Nguyễn Duy Hiền (55 tuổi) cũng là hộ thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động. Những năm 2000, nhận thấy nhiều người “đổi đời” nhờ xuất ngoại, ông cũng chạy vạy khắp nơi tìm đến miền đất hứa. Sau hơn chục năm bôn ba các nước, ông Hiền trở về xây dựng cơ ngơi và tìm cách cho con trai đi xuất khẩu lao động.

Ông kể, tháng 6/2019, con trai ông Nguyễn Duy Hoà (23 tuổi) bắt đầu nhập học tại một doanh nghiệp xuất khẩu chuyên thị trường Nhật Bản.

Điều đáng ghi nhận, đa số người làng Đô Thành đi nước ngoài đều thắt chặt những sinh hoạt giải trí riêng tư. Hơn ai hết, họ hiểu được giá trị của đồng tiền. Để thực hiện giấc mơ thoát nghèo, họ đã phải đánh đổi mồ hôi nước mắt, cùng nỗi nhớ quê hương da diết nơi xứ người.

Sau một thời gian cật lực làm việc bên xứ người, họ tự hào đem số tiền mà mình đổ mồ hôi nước mắt làm được về trang trải cuộc sống cho gia đình, sắm sang đồ dùng, xây dựng nhà cửa khang trang. Những căn biệt thự, ngôi nhà cao tầng khang trang bắt đầu mọc lên nhưng không vì thế mà họ phung phí tiền bạc.

Một góc xã Đô Thành nhìn từ xa.

Đánh đổi sự giàu

Những kết quả từ xuất khẩu lao động mang lại góp phần làm thay đổi diện mạo cuộc sống cho những người lao động ở miền quê lúa này. Tuy nhiên, ở Đô Thành hiện nay, thanh niên trai tráng đi xuất khẩu nên do thanh niên làng toàn người già trẻ nhỏ. Nhiều gia đình cả bố mẹ đều ở nước ngoài, con cái phó mặc cho ông bà. Con trai và con dâu lần lượt xuất ngoại sang Rumani rồi sang Đức làm việc, vợ chồng ông Vũ Văn Quang (SN 1949) trở thành chỗ dựa cho 4 đứa cháu thơ dại.

“Chúng đi làm ăn gửi lại 4 đứa con. Đứa lớn học lớp 10, còn đứa bé nhất mới 5 tuổi. Dù tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu nhưng chúng tôi vẫn cố gắng nuôi dưỡng và chăm các cháu để con yên tâm làm ăn. May mắn là cả 4 đứa cháu gái đều ngoan ngoãn, học giỏi” - ông Quang tâm sự.

Trao đổi với chúng tôi, ông Luyện Xuân Huệ, Chủ tịch UBND xã Đô Thành cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến những lao động của xã đang sinh sống và làm việc ở các nước cũng gặp nhiều khó khắn. Tuy nhiên, trong thời gian tới, địa phương vẫn xác định xuất khẩu lao động là một hướng thoát nghèo cho người dân trong xã.

Bởi theo ông Huệ, số lao động đi làm việc ngoài nước đã tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là về kinh tế. Cụ thể, từ việc xuất khẩu lao động đã giúp Đô Thành giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 4,35% năm 2015 xuống còn 1,04% hiện nay. So với làm ruộng thì xuất khẩu lao động đem lại thu nhập cao gấp nhiều lần. Bởi vậy, ở Đô Thành không hiếm trường hợp đi trên chục năm mới về, nhiều người đi 3-4 lần.

Hiện, toàn xã có trên 80% số hộ xây được nhà cao tầng, nhà kiên cố, nhiều hộ xây biệt thự 3-4 tầng, rộng cả trăm mét vuông. Cả xã có hơn 330 “tỷ phú” từ 10 tỷ đồng trở lên, trên 400 xe ô tô các loại. Mỗi năm, nguồn thu nhập từ xuất khẩu lao động đạt 100 tỷ đồng, nhờ vậy, diện mạo xóm làng cũng từng ngày đổi thay.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn trực tiếp đến người lao động về thông tin và các thị trường lao động trong, ngoài nước; phối hợp với các công ty xuất khẩu lao động lựa chọn những đơn đặt hàng tốt để tư vấn cho người lao động. Từ đó, giúp bà con có sự lựa chọn công việc phù hợp sức khỏe, năng lực, nguyện vọng” - ông Huệ cho biết thêm.

Được biết, toàn huyện Yên Thành hiện có hơn 16.000 người hiện đang lao động ở nước như Anh, Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... Mỗi năm, con em đi lao động ở Yên Thành gửi về quê hương 200 triệu USD, tương đương gần 4,7 nghìn tỷ đồng. Không chỉ riêng xã Đô Thành mà các xã Sơn Thành, Mã Thành… cũng giàu lên nhanh chóng nhờ xuất khẩu lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về làng mà như lạc vào phố…

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO