Về làng tiến sĩ Kim Đôi

Giang Vương 27/09/2022 06:28

Ở đời hậu duệ thứ 5, năm 1496, cụ Nguyễn Cung Thuận, tiến sĩ sau khi nghỉ hưu đã hiến 8 sào ruộng để gây quỹ khuyến học. Kế tiếp là cháu nội cụ Thuận là tiến sĩ Nguyễn Năng Nhượng cũng hiến toàn bộ gia sản cho sự nghiệp trồng người… Đó là câu chuyện chúng tôi ghi được ở làng tiến sĩ Kim Đôi.

Ông Nguyễn Văn Điết, trưởng họ, đời thứ 19 họ Nguyễn làng Kim Đôi chăm chút tấm bia của dòng tộc họ Nguyễn.

Làng tiến sĩ ngày ấy

Chúng tôi tìm về làng Kim Đôi (xã Kim Chân, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) vào thời khắc tiếng trống trường điểm báo hết giờ học buổi sáng. Trong những con ngõ nhỏ còn đậm chất làng quê của một thời, những tấm áo trắng gò mình trên chiếc xe đạp về nhà sau mỗi buổi học sáng.

Vừa lách cách mở cánh cổng của nhà thờ họ, ông Nguyễn Văn Điết (SN 1956, đời thứ 19, là trưởng họ Nguyễn làng Kim Đôi) vừa giới thiệu: Từ năm 1989, sau khi vinh dự được nhà nước công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa, nhà thờ mới được tu bổ và sửa sang khang trang như thế này các chú ạ”. Biết chúng tôi là phóng viên, đến tìm hiểu về việc học tập của dòng họ, ông Điết gọi người cháu gái đi mời thêm các cụ cao niên trong họ đến để trò chuyện thêm.

Các cụ cao niên trong làng kể lại, Kim Đôi xưa có tên gọi khác là Dủi Quan. Dủi xuất phát từ tên gọi của chính cái nghề dủi tôm, dủi cá của người dân trong làng. Còn Quan bắt nguồn từ sự nghiệp vẻ vang của những người con học hành đỗ đạt được bổ nhiệm làm quan trong triều chính. Có lẽ tên gọi xưa xuất phát từ ý nghĩa này.

Theo gia phả dòng họ Nguyễn ở làng Kim Đôi để lại, “làng Tiến sĩ” bắt đầu từ câu chuyện của cặp vợ chồng cụ Nguyễn Nung và Hoàng Thị Hay. Nhờ sự nuôi dậy con mẫu mực, không quản ngại khó khăn, gian khổ, đặt sự học lên hàng đầu, kết quả trong 7 người con trai của ông bà thì có tới 5 người con đều cùng đỗ tiến sĩ và làm quan đại thần dưới triều vua Lê Thánh Tông.

Theo truyền thuyết kể lại, vào thế kỷ 15, cụ Nguyễn Nung đến sông Cầu để mưu sinh. Cũng bởi loạn lạc nên người vợ của cụ đã mất trong thời kỳ này. Trong một lần nghỉ ngơi ở ven bờ, cụ Nguyễn Nung nghe được câu chuyện của 2 thầy địa lý tranh luận với nhau về 2 mảnh đất gần đó. Cuộc tranh luận chỉ phân định bằng cuộc giao kèo: Lấy 2 cành cây xanh tốt, cắm ở 2 mảnh đất, nếu cành cây nào vẫn còn xanh thì mảnh đất ấy sẽ là mảnh đất vượng khí, tốt.

Đêm qua đi, rồi ngày cũng qua đi, một trong 2 cành cây xanh ấy vẫn tươi tốt. cụ Nguyễn Nung lấy đó làm điềm lành, đành dựng nhà và mưu sinh trên chính mảnh đất ấy. Từ khi dựng nhà, cụ làm ăn phát đạt hơn và nhân một chuyến đi buôn, cụ gặp cụ bà Hoàng Thị Hay và nên nghĩa vợ chồng.

“Theo gia phả, cụ tổ của chúng tôi sau đó hạ sinh được 7 người con trai và người con 4 gái, trong đó 5 người con của cụ đều đỗ tiến sĩ và làm đại quan dưới triều vua Lê Thánh Tông ở tuổi còn rất trẻ” – Vừa chỉ vào tấm biển di tích của dòng họ, ông Nguyễn Nam Hùng, đời thứ 19 dòng họ Nguyễn nơi đây cho hay.

Ông Điết kể, người con của cụ Nguyễn Nung và Hoàng Thị Hay ở khoa thi năm Bính Tuất 1466, là Nguyễn Nhân Bỉ mới 15 tuổi và Nguyễn Nhân Thiệp mới 17 tuổi đều đỗ tiến sĩ. Sau đó, 2 cụ được bổ nhiệm làm Thái Nguyên Tham Ngự và Lại Bộ Thượng Đông các Học sĩ. Tiếp sau đó là khoa thi năm Kỷ Sửu 1469, cụ Nguyễn Nhân Bồng cũng đỗ tiến sĩ và bổ nhiệm làm Lễ Bộ tả thị lang, hội viên Hội Tao Đàn nhị thập bát tú. Cụ Nguyễn Nhân Dư đỗ khoa Nhâm Thìn 1472, giữ chức Hiến Sát sứ và người em út là Nguyễn Nhân Đạc cũng đỗ tiến sĩ khóa Ất Mùi năm 1475, giữ chức Hàn lâm Viện Kiểm thảo.

Chỉ vào tấm văn bia cổ được dựng tại nhà thờ họ, cụ Nguyễn Văn Điết cho hay: “Thời ông nội tôi, rồi bố tôi kể lại đây là tấm văn bia do Trạng nguyên Lương Thế Vinh viết tặng. Cụ Lương Thế Vinh và Nguyễn Tư là bạn thân của các tiến sĩ họ Nguyễn. Năm 1482, 2 vị Trạng nguyên về dự giỗ cụ Nguyễn Nung đã tỏ rõ sự hiển vinh học vấn của cha những người bạn của mình nên đã đề tặng”.

Vinh danh những học sinh có thành tích xuất sắc của dòng họ.

Viết tiếp những bảng vàng

Từ một gia đình hiếu học, 5 anh em họ Nguyễn đã làm rạng danh công đức tổ tiên, đặt những viên gạch hồng đầu tiên xây lên “làng tiến sĩ” Kim Đôi. Cũng bởi vậy, vua Lê Thánh Tông đã ban tặng 8 chữ vàng “Kim Đôi gia thế, chu tử mãn triều” – với ý rằng Dòng họ Kim Đôi áo đỏ áo tía đầy triều.

Để viết tiếp câu chuyện về một thời vàng son, thế hệ đời thứ 5 của dòng họ Nguyễn ở Kim Đôi, cụ Nguyễn Cung Thuận là vị tiến sĩ thuộc đời thứ 5 sau khi về hưu đã hiến 8 sào ruộng của gia đình để góp công xây dựng quỹ khuyến học cho thế hệ sau. “Sau đó, cháu nội cụ Thuận là Tiến sĩ Nguyễn Năng Nhượng cũng hiến toàn bộ tài sản cho quỹ khuyến học” – ông Điết cho hay.

3 cô học sinh đang trao đổi bài tại khuôn viên của di tích như tiếp nối truyền thống hiếu học của một thời bảng vàng năm xưa.

Theo ông Nguyễn Sỹ Hùng, trưởng ban khuyến học, là cháu đời thứ 19 của họ Nguyễn, cứ 5 năm một lần, vào ngày giỗ tổ 28/2, dòng họ sẽ làm lễ vinh danh cho những người con, cháu có học hàm, học vị cao, “Tính đến thời điểm năm 2021, cả dòng họ đã đóng góp thêm 9 tiến sĩ, 43 thạc sĩ, 136 cử nhân đại học. Ngoài ra còn có 60 cháu đạt giải cấp tỉnh, 133 cháu đạt giải thành phố” - ông Hùng chia sẻ.

Không chỉ vinh danh những người con hiếu học, mà những tấm gương vượt khó để vươn lên cũng được đề cao trong dòng họ. “Cháu Nguyễn Thị Quỳnh Anh, đạt học sinh giỏi tỉnh năm lớp 11. Bố cháu bị bệnh, mất đầu năm 2022. Gia đình lại đông con nên chúng tôi đang đề xuất ngoài những phần thưởng theo quy định của khuyến học trong dòng họ, sẽ có thêm những phần quà cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” – ông Hùng nói.

Chia tay di tích lịch sử văn hóa đền thờ 18 vị tiến sĩ họ Nguyễn, chúng tôi gặp hình ảnh 3 cô học sinh đang say sưa trao đổi bài tại khuôn viên của di tích như tiếp nối truyền thống hiếu học của một thời bảng vàng năm xưa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về làng tiến sĩ Kim Đôi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO