Về quê ăn Tết

Dương Thanh Tùng 05/02/2016 09:05

Dẫu còn gian nan chuyện tàu xe. Dẫu còn đó những trơ lạnh của lòng người nhưng làm sao ngăn được những đứa con rời ngôi nhà thân yêu của mình đi xa làm ăn, sinh sống, học hành trở về quê hương sum họp với gia đình trong ngày Tết.

Về quê ăn Tết

Sinh viên về quê ăn Tết. (Ảnh: TL).

Có gì đó thôi thúc tôi tìm về góc phố từng là nơi họp chợ phiên của vùng quê miền trung du Bắc bộ sau hơn 40 năm trời. Ký ức ùa về chuỗi ngày kham khó. Không còn nữa quán lá bên lề chợ phiên.

Còn đâu nữa người đàn bà nhân hậu tóc trắng bay bay trong cơn gió lạnh căm một ngày của non nửa thế kỷ trước đón cha con tôi trong chuyến xe cuối cùng của năm cũ với câu nói ấm áp “để tôi pha cho cha con anh bát nước chè xanh nóng”. Tôi không quên được hình ảnh bà cụ, không quên được bát chè xanh với mấy cây kẹo vừng. Càng không thể quên chuyến xe đưa cha con tôi từ Hà Nội về với gian nhà tập thể làm bằng tre nứa thời ấy ở Phú Thọ đúng giao thừa.

Bãi đất chợ phiên giờ đã là cả khu phố sầm uất. Quán nước và cụ bà bán nước tốt bụng chỉ còn là bóng hình xa xăm của một thời xa vắng nhưng vẫn có gì đó gợi nhớ về ngày tháng của cách đây non nửa thế kỷ qua những chuyến xe từ miền Nam ra, vội vàng thả khách xuống rồi cũng vội vàng lao đi.

“Thôi, thế là cũng về được nhà!”, là câu nói của nhiều chàng trai, cô gái rời quê vào Nam mưu sinh trong suốt một năm trời. Với họ, về quê ăn tết là cả một hành trình đầy gian khó. Vượt cả ngàn cây số từ những khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh trên các chuyến xe chật đến nỗi không còn chỗ để cựa quậy nhưng khi đặt chân xuống phố chợ trung du, các cô gái, chàng trai đều cười tươi, rạng rỡ. Hạnh phúc chờ họ trong ngôi nhà thân thương với cha mẹ, ông bà và với hương khói trên bàn thờ tổ tiên.

Về quê ăn Tết thôi thúc mỗi người Việt Nam một cách mãnh liệt. Tết đến, Xuân về, hàng vạn con em của các tỉnh đồng bằng trung du Bắc Bộ vào Nam lao động, sinh sống đều hướng về quê. Từ vài chục năm nay, ga Sài Gòn luôn là nơi thu hút nhiều nhất sự quan tâm của dư luận quanh chuyện vé tàu Tết. Công nhân xếp hàng ngày này sang ngày khác để mua cho bằng được cái vé tàu về quê. Dù ngành đường sắt tăng chuyến tàu phục vụ Tết nhưng vẫn không tránh khỏi cảnh quá tải.

Tàu đã vậy, xe còn khổ hơn. Chỉ còn vài chục giờ nữa thôi là đến giao thừa Bính Thân nhưng ở các bến xe cửa ngõ TP Hồ Chí Minh (đặc biệt là bến xe miền Đông nơi tập trung xe đi các tỉnh miền Trung và miền Bắc), vẫn còn cảnh nhọc nhằn mòn mỏi để có tấm vé về quê. Đây là thời điểm mà các nhà xe ra sức “chặt chém”, nâng giá vé vô tội vạ lên gấp 5, gấp 6 lần so với ngày thường.

Để mua một vé xe khách từ TP Hồ Chí Minh về một trong những tỉnh của đồng bằng trung du Bắc Bộ, người lao động phải phải chấp nhận giá tiền tương đương vé máy bay, thậm chí cao hơn. Cận Tết là thời điểm mà CSGT trên QL 1A phải vất vả với tình trạng nhồi nhét khách trên các chuyến xe khách đường dài từ phía Nam ra Bắc. Xe 45 chỗ, “nhét” đến trên 100 khách là chuyện khá phổ biến.

Rồi trên những chuyến xe, câu chuyện nhiều công nhân dành dụm, chắt chiu mới có đủ tiền mua tấm vé về quê lại bị kẻ bất lương lừa đảo cướp mất cơ hội cuối cùng đoàn tụ gia đình được nhiều người kể trong rơm rớm nước mắt. Hy vọng về quê của họ bị dập tắt một cách phũ phàng vào đúng thời điểm 23 tháng chạp tiễn ông Táo về trời. Tổng số tiền mà kẻ bất lương lừa đảo công nhân nghèo lên đến 400 triệu đồng. Thật nhói lòng khi trong số các công nhân bị lừa, có người mất đến hơn 23 triệu đồng vẫn phải cố tìm mọi cách để đưa gia đình về quê dù biết rằng bước sang năm mới sẽ phải lao đao mưu sinh và trả nợ.

Chỉ vài ngày nữa thôi, là chạm Tết Nguyên đán Bính Thân. Xuân đến trên tay mà trời còn lạnh giá. Không hiểu sao cái lạnh giá đặc trưng của phương Bắc tràn qua con đèo Hải Vân lại cho người ta cảm giác ấm lòng khi ngày ngày gặp các chuyến xe đưa người lao động là con em nông dân vùng đồng bằng, trung du Bắc bộ về quê ăn Tết. Dẫu còn gian nan chuyện tàu xe. Dẫu còn đó những trơ lạnh của lòng người nhưng làm sao ngăn được những đứa con rời ngôi nhà thân yêu của mình đi xa làm ăn, sinh sống, học hành trở về quê hương sum họp với gia đình trong ngày Tết.

40 năm tìm về chốn cũ, ở nơi từng có tên là chợ Nú nay thuộc phường Minh Nông của TP Việt Trì, dù cố kìm nén nhưng lòng vẫn xốn xang khi nhớ về hình ảnh bà cụ bán nước đón cha con tôi bước xuống xe trước khoảnh khắc giao thừa.

Thấy tôi mãi tần ngần trong gió lạnh ở nơi từng là mái quán tranh tre của cụ bà nhân hậu dạo nào, một ông lão chậm rãi bước ra mời “bác vào tôi xơi tạm chén nước. Ấy thế mà thằng cháu tôi làm ăn ở miền Nam vẫn chưa về đấy. Trông nó lắm, biết nó có về được không”. Mắt cụ già rớm lệ. Ngước nhìn tờ lịch trên tường, đã là 25 tháng chạp. Chỉ 3 ngày nữa thôi là đến giao thừa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về quê ăn Tết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO