Về sự lẳng lơ

Trầm Ngư 10/01/2018 09:56

Người Việt truyền thống khi bàn về vẻ đẹp người phụ nữ thường ca ngợi nét đẹp kín đáo, dịu dàng, đằm thắm, thích những người có “duyên ngầm”. Nhưng bên cạnh đó, một thái cực nữa khác hoàn toàn, cũng được ông cha ta dành không ít chữ nghĩa để bàn tới, ấy là sự lẳng lơ.

Về sự lẳng lơ

Lẳng lơ, theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt, ấy là “có nhiều biểu hiện thiếu đứng đắn trong quan hệ tiếp xúc nam nữ” (Viện Ngôn ngữ học, NXB Từ điển Bách khoa, trang 709). Về mặt cấu trúc, lẳng lơ có thể được coi là một từ láy với đơn vị gốc là “lẳng”. Về từ “lẳng”, lại được Từ điển tiếng Việt định nghĩa: “có tính chất khêu gợi ham muốn về tình dục” (sđd, trang 709). Như vậy, hiểu theo một tinh thần có hàm ý, người lẳng lơ có lẽ khó có thể là người xấu về hình thức, tức nhìn chung là phải có chút nhan sắc thì cái khêu gợi ấy nó mới hợp lý, mới được nhiều đàn ông thích và để ý.

Cũng nói luôn rằng, “lẳng lơ” chắc chắn là một từ độc quyền cho nữ giới, dùng để miêu tả nữ giới, chứ không bao giờ dùng cho đàn ông. Đứng từ phạm trù đạo đức, hẳn nhiên người Việt truyền thống không bao giờ ca ngợi sự lẳng lơ, thế nhưng cha ông ta lại cũng tỏ ra khá bao dung về cái “nết” này qua những câu như: “Lẳng lơ chết cũng ra ma/Chính chuyên chết cũng khiêng ra ngoài đồng”, hay câu: “Lẳng lơ cũng chẳng có mòn/Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ”. Có lẽ các cụ ta xưa cũng có nhiều ý thông cảm, đồng thời cho chúng ta hiểu rằng, đây là một cái “nết” trời tự đặt vào mỗi người, nên nó sẽ có sự “bền vững” rất cao, không dễ gì thay đổi được dù có chịu sự tác động của dư luận: “Lẳng lơ đeo nhẫn cho chừa/Nhẫn thì rơi mất, lẳng lơ vẫn còn”.

Lẳng lơ, trong cái nhìn dân gian, thường được đặt trong thế tương phản với “chính chuyên”. Thế nhưng, có những người bên ngoài thì tỏ vẻ chính chuyên mà thực chất lại lẳng lơ gấp... mười lần người lẳng lơ. Vậy mới có câu: Chính chuyên lấy được chín chồng/Vo viên bỏ lọ gánh gồng đi chơi/Không ngờ quang đứt, lọ rơi/Bò ra lổm ngổm chín nơi chín chồng”. Như vậy hóa ra có những sự ngụy chính chuyên và chắc rằng cũng có những sự lẳng lơ mà đàn ông không dễ gì chạm tới. Bài ca dao về chính chuyên bên trên nói với chúng ta rằng, người giả chính chuyên dù có khéo léo che đậy đến mấy, nhưng nếu bản chất lẳng lơ không đứng đắn, thì rút cục cái đuôi sẽ lòi ra, mọi người sẽ nhìn thấy rằng “bò ra lổm ngổm chín nơi chín chồng”.

Cứ như vậy mà suy thì có những người lẳng lơ mà lại không hề lẳng lơ, nghĩa là chỉ lẳng lơ bề ngoài thôi, còn muốn “đột phá thành trì” thực sự quả không hề dễ. Lẳng lơ khi ấy sẽ trở thành một biểu hiện nữ tính, một sự thể hiện bản thân đặc thù của phái đẹp, khiến phái mạnh phải quan tâm nhiều hơn đến mình. Hơn thế nữa, người “lẳng lơ” thường sẽ nổi bật giữa đám đông. Lẳng lơ có thể biểu hiện qua động tác cử chỉ, qua trang phục hoặc qua lời nói. Đương nhiên mọi thứ đều có giới hạn của nó. Người thông minh hoặc có cốt cách đoan chính thực sự, dù cử chỉ và lời nói có tỏ ra chút lơi lả, nhưng nếu đúng là chính chuyên thì vẫn chính chuyên. Và điều quan trọng là, nếu những biểu hiện lẳng lơ ấy chỉ dừng lại ở động tác, trang phục, ngôn ngữ thì ta chớ vội quy chụp về biểu hiện đạo đức.

Xã hội Việt Nam ngày nay đã có nhiều đổi thay so với truyền thống. Nhưng biểu hiện về hình thức của chị em ngày càng tân kỳ, phá cách, táo bạo, bộc lộ những cá tính mạnh mẽ, đôi khi cảm thấy rất gần với tư duy và cá tính của người phương Tây. Điều ấy dễ bộc lộ ra những điều mắt thấy tai nghe hàng ngày như một loạt phát ngôn gây sốc của nhiều nhân vật tên tuổi trong giới showbiz Việt. Chẳng hạn một bài báo đã thống kê Mười ca sĩ Việt sẵn sàng thoát y, trong đó có thể kể tới những cái tên hàng đầu như Angela Phương Trinh, Chung Thục Quyên, Hà Anh, Hồ Ngọc Hà, Maya.... Gần đây còn có một diễn viên không ngần ngại tuyên bố: “Tôi sẵn sàng thoát y, nếu...”. Báo chí Việt có lúc cũng chỉ trích, phê bình trường hợp ca sĩ này, người mẫu kia ăn mặc hở hang, phản cảm, nếu theo cái nhìn xưa của các cụ thì đúng là người lẳng lơ. Nhưng nếu bình tĩnh hơn một chút thì rồi những chuyện lùm xùm như vậy cũng nhanh chóng qua đi mà thôi, nếu đạo đức và đời sống tình cảm thực sự của cô ấy không có hậu quả gì đáng phải chê trách. Những biểu hiện từ ngôn ngữ đến trang phục vẫn chỉ là thứ thuộc về hình thức, chưa thể và chưa nên quy kết nặng nề về đạo đức.

Ta lại bàn rộng ra thêm một chút về cái sự lẳng lơ. Tại sao không ít những ông chồng thích vợ mình lẳng lơ, tất nhiên là chỉ lẳng lơ với riêng chồng mà thôi. Chỉ cần gõ cụm từ “lẳng lơ với chồng” vào Google, ngay lập tức sẽ hiện ra tên một loạt các bài báo trên các trang mạng chính thống, chẳng hạn: Không gì xấu hổ khi lẳng lơ với chồng, Học cách “lẳng lơ” để yêu chồng hơn, Chồng tôi bảo: Sao vợ không “lẳng lơ” một chút? Muốn giữ chồng, phụ nữ phải biết lẳng lơ... Như vậy, lẳng lơ không phải khi nào cũng là xấu. Thậm chí, lẳng lơ còn được coi là tốt, còn là một chìa khóa để giữ gìn hạnh phúc, để được chồng yêu hơn, quyến rũ chồng nhiều hơn khiến đời sống vợ chồng thêm khăng khít, Vậy thì cớ gì mà chị em từ chối “lẳng lơ”?

Trong thi ca Việt Nam đương đại, có lẽ giọng thơ nữ táo bạo nhất, khiêu khích nhất và đương nhiên có nhiều biểu hiện của sự “lẳng lơ”, không ai qua được Vi Thùy Linh: Khỏa thân trong chăn/Thèm chồng. Thèm có chồng ở bên. Chỉ cần anh gối lên đùi/Mình ôm lấy anh ôm mình/Biết sự bình yên của mặt đất (Chân dung), Bầy con má phính cắn giấc mơ em/Tấm lưng khóc rung mọi đường kinh tuyến (Soi mưa), Mặt trời thoát y vì em trẻ lắm (Tình tự ca), Bầu vú như mũi tên ánh sáng (Đêm của tim), Muốn thêm một đêm anh trồng em/Muốn thêm nhiều đêm anh trồng em/Em thèm được sinh sôi như đất/Em thèm thở bằng hơi thở anh/Để là Linh/Miền đất cho anh toàn quyền lộng hành (Bờ của chích bông).

Cái “lẳng lơ” trong thơ Vi Thùy Linh còn được phát triển mạnh mẽ hơn nữa với nhiều đoạn thơ miêu tả sự đắm say ân ái yêu đương. Và ta phải công nhận rằng, trong nhiều trường hợp như thế, ta gặp ở thơ Vi Thùy Linh sự thăng hoa về ngôn từ và cảm xúc, tạo nên những dòng thơ thật đẹp, thật lộng lẫy mà không một thi sĩ nào có thể bắt chước được: Anh hạ trời xuống anh nâng đất lên/Anh bùng vỡ thanh xuân cuồng điên/Trên lưng anh, bơi mải miết ngón ngón em dài trắng/Môi em trườn đêm căng/Ruỗi chân dài, em nối những ranh giới, những núi đồi, sông biển nhịp nhịp qua cầu đùi muốt/Vào lúc Anh lên Em lên Anh/Thụ tạo giấc mơ ấp ủ/Em đạt khát khao làm mẹ (Nơi ánh sáng), Lúc 12h đêm đến gần anh đang đợi/Phòng ngủ biển xanh mây bay thiên thanh/Chiếc giường đàn hương máy bay bằng gỗ/Dâng mình lên theo cơ thể ngụt ngàn/Dâng từng đợt mưa say đợt cắn/Anh trai tráng hệt như chưa lần nào/Em nữ tính nhiều mà sao vẫn thiếu/Đóa nhung đen nở mịn đường cỏ ấm…Anh để dành cho em chiếc lưỡi/Da thịt dậy tình làm rơi xiêm áo (Tình tự ca)…

Lẳng lơ trong thi ca, làm được như Vi Thùy Linh, theo tôi đã đạt đến Chính Đạo của Lẳng Lơ!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về sự lẳng lơ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO