Về với đồng đất quê mình

Minh Anh 20/03/2021 14:00

Làng mình, những con đường nhỏ ngoằn ngoèo, những mái ngói lô xô, những rặng dừa cao vút. Và làng mình, mỗi năm sau Tết, tĩnh lặng đến nao lòng.

Hằng thân,

Còn nhớ không cái ngày chúng mình khoác balo rời làng lên phố, đúng đến đoạn ngoặt ra đường lớn bất chợt gặp bà cụ ngồi trước hiên nhà, đôi mắt già nua dõi xa xăm, hai đứa bấm chặt tay nhau mà thấy tim buốt nhói.

Làng mình, những con đường nhỏ ngoằn ngoèo, những mái ngói lô xô, những rặng dừa cao vút. Và làng mình, mỗi năm sau Tết, tĩnh lặng đến nao lòng.

Người lên thành phố làm công nhân, kẻ xa xứ mưu sinh, để lại sau lưng ruộng đồng, những dòng sông, cụ già và con trẻ.

Bao năm rồi, những cuộc di cư ấy vẫn miệt mài. Phố thị phồn hoa đón người dân tứ xứ ngày càng trở nên chật chội và ngột ngạt. Những con đường nườm nượp xe, kẹt cứng giờ tan tầm. Những dãy nhà trọ kín người, toàn dân lao động. Thậm chí vỉa hè, gầm cầu cũng có thể trở thành nơi “tạm trú, tạm vắng”.

Phố thị chật hẹp cũng bó hẹp suy nghĩ của nhiều người. Một số bạn trẻ chỉ tính đến việc làm thế nào để mở mắt ra là có việc làm kiếm được vài trăm ngàn vừa để trang trải cuộc sống nơi phố thị, vừa dành dụm chút ít gửi về quê nhà cho người thân.

Và khi dịch Covid-19 quét qua, nó khiến cho những phận người mưu sinh nơi phố thị càng trở nên mong manh và đuối sức hơn. Nhiều công nhân đã mất việc. 1,3 triệu người rơi vào tình trạng không có việc làm trong năm 2020. Riêng trong quý 4/2020 có khoảng 1,2 triệu người thất nghiệp, tăng 136.800 người so với cùng kỳ năm trước.

Trong hoàn cảnh đó, nhiều người trẻ đã suy nghĩ lại. Và họ bắt đầu khi hình dung đến bờ xôi ruộng mật, những đồng đất, ao cá ở quê nhà đang bỏ hoang hóa. Rất nhiều đặc sản đã được đưa từ quê lên phố, rồi xuất ra nước ngoài. Vậy tại sao không về làm chủ đồng đất quê mình. Kéo nhau lên phố đi làm thuê, để rồi khi trải qua một vài biến cố, cuộc mưu sinh đã khó càng khó, đã mong manh càng mong manh hơn. Để rồi mình cũng không thể quyết định được cuộc sống của mình…

Thế nhưng Hằng ạ, không chỉ đến khi dịch Covid-19 quét qua người ta mới nghĩ đến việc rời quê về phố, mà trước đó rất nhiều cuộc “di cư ngược” đã diễn ra.

Họ về để khai hóa lại ruộng đồng, để tiếp nối nghề của cha ông. Về để làng quê đầm ấm, để gia đình không phải ly tán và về để chứng minh rằng, không chỉ thành phố mới là mảnh đất để có thể mưu sinh.

Với lại Hằng ạ, nếu ngày trước, người quê, đất quê chỉ trông chờ vào hai vụ lúa, vụ ngô thì nay còn có rau củ, trái cây, thủy sản. Nhiều làng còn có thêm nghề phụ như đan lát thủ công mỹ nghệ, thu mua, chế biến nông sản... Quá nhiều cơ hội làm giàu mở ra ở vùng quê nếu người trẻ có ý chí và sự quyết tâm.

Nhiều người cũng cho rằng, hiện nay ở nhiều vùng quê, canh tác nông sản của nông dân vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật nên chi phí cao, chất lượng kém. Những tác động của thời tiết, khí hậu, thủy văn gần đây đòi hỏi người làm nông phải có kiến thức và biết ứng dụng. Nông thôn đang rất cần người trẻ quay về.

Các báo cáo nghiên cứu thị trường gần đây cũng cho thấy thị trường nông thôn luôn là mảnh đất giàu tiềm năng nhưng vẫn chưa được khai thác hết. Cần có những chiến lược kinh doanh mạnh mẽ hơn nữa và đội ngũ trẻ nhạy bén có lợi thế thâm nhập, thúc đẩy tăng trưởng tại thị trường này.

Mình đã nghe chuyện và rất khâm phục Nguyễn Tá Đông, 31 tuổi, quê Đắk Lắk. Anh là trưởng nhóm The Moshav Farm - một mô hình nông trại ở xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa. Vốn xuất thân từ làng, lớn lên từ lúa ngô, đồng ruộng nên anh luôn có đam mê và mong muốn sẽ hình thành, sản xuất những sản phẩm nông nghiệp sạch. Khi nghỉ việc ở thành phố, bắt đầu thực hiện ước mơ khởi nghiệp từ nông nghiệp, việc đầu tiên Đông tính đến là tu nghiệp tại Israel. Về nước, Đông kết nối được thêm 3 thanh niên có cùng đam mê với mình bắt xây dựng mô hình làng nông nghiệp sạch, kết nối với nhau trong sản xuất lẫn phát triển các dịch vụ du lịch sinh thái.

Bây giờ thì chưa thể nói đến việc thành công hay thất bại bởi họ đang vừa đầu tư vừa phát triển. Nhưng mình tin họ có những trải nghiệm thực tế từ một đất nước đứng đầu về công nghệ trong nông nghiệp, có đam mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ thì không có lý do gì để không nghĩ tới thành công, nhất là khi các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của họ đang được phân phối bởi hơn 100 kênh bán sỉ, lẻ trong toàn quốc, vốn đầu tư lên tới 24 tỷ đồng; đồng thời thu hút hàng trăm thực tập sinh có đam mê nông nghiệp đến trải nghiệm, thực tập.

Có thể nói rằng, thế giới phẳng đang tạo ra nhiều cơ hội giúp những người trẻ dù đứng ở bất cứ đâu, và thực tế cũng đã chứng minh như vậy khi những người trẻ không chỉ làm giàu mà còn tạo ra rất nhiều giá trị cho cuộc sống. Nhiều ý tưởng khởi nghiệp tiêu biểu trên các lĩnh vực như sản xuất nông nghiệp; chế biến sản phẩm nông nghiệp; thiết bị nông nghiệp; dịch vụ nông nghiệp; sáng chế khoa học - công nghệ... của thanh niên đã ra đời. Đặc biệt, nhiều ý tưởng khởi nghiệp tiêu biểu đã được lựa chọn tham dự ở các sân chơi lớn, và quan trọng là rất nhiều người trẻ đã dám bước qua vùng an toàn để khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của người Việt Nam.

Mình rất thích lời khuyên của Thomas Friedman – một nhà báo người Mỹ đã gửi đến các bạn trẻ Việt Nam là, hãy sống và tư duy như những người dân nhập cư (với khao khát rất lớn về thành công; tư duy như những người thợ thủ công (tạo ra sản phẩm đặc biệt và cung cấp các giá trị thặng dư cho chúng); tư duy như những doanh nhân mới thành lập doanh nghiệp (luôn tái suy nghĩ, học tập, thiết kế ra các sản phẩm mới) và tư duy như những người phục vụ bàn (vừa cung cấp thêm giá trị vừa “động não” như chính những nhà kinh doanh).

Dịch Covid-19 ở Mỹ bắt đầu có những tín hiệu khả quan nhờ vắcxin, nhưng vẫn phải hết sức cẩn trọng và giữ gìn sức khỏe, Hằng nhé!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về với đồng đất quê mình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO