Vết thương sắc tộc trong lòng nước Mỹ

Đinh Hoàng Tú 24/06/2020 08:30

Ngày 25/5/2020, người đàn ông da đen 46 tuổi George Floyd không bao giờ có thể biết đó là ngày mình phải chết. Câu nói cuối cùng của người xấu số “Tôi không thở được” đã như một lời kêu cứu thổi bùng những cuộc biểu tình, bạo loạn trên khắp nước Mỹ, lan rộng ra châu Mỹ, châu Âu… khi mà nạn phân biệt, kỳ thị màu da vẫn còn đó như một thách thức.

Kết quả giám định pháp y cho Floyd tử vong do ngạt thở vì bị chèn ép ở cổ và gáy, dẫn đến thiếu máu lên não. Người trực tiếp gây ra cái chết cho Floyd là một cảnh sát da trắng, Derek Chauvin.

Cảnh sát New York bắt người tham gia biểu tình vụ George Floyd trên đường phố.

Sau cái chết của George Floyd, mẹ vợ của anh- bà Roxie- nói với phóng viên tờ Sky News con rể bà được mọi người gọi là “Big Floyd” vì thân hình to lớn. Floyd là một người cha tốt khi vẫn cùng vợ nuôi con dù cả hai không còn sống cùng nhau.

Cái chết của Floyd lập tức gây phẫn nộ trong toàn nước Mỹ. Dư luận cho rằng anh ta không chết nếu “nước da của mình trắng hơn”. Điều đó cho thấy nạn phân biệt chủng tộc vẫn tạo ra lằn ranh đen - trắng trong lòng nước Mỹ, cho dù họ đã mất bao nhiêu thời gian, bao nhiêu công sức, kể cả nước mắt và máu để xóa nhòa chúng. Một câu hỏi được giới truyền thông nước này đặt ra là: Bao giờ sự phân cách xã hội chỉ vì màu da mới chấm dứt?

Bằng những gì ghi nhận được, người ta phẫn nộ trước hành động tàn nhẫn của viên cảnh sát Derek Chauvin ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota đối với Floyd. Truyền thông Mỹ gọi đó là hành động giết người cố ý. Nói như Ben Crump, luật sư của gia đình Floyd thì “xe cứu thương lúc này (đến hiện trường) chỉ có tác dụng như xe tang” vì Floyd đã tử vong ngay tại chỗ. 8 phút và 46 giây diễn ra vụ việc đã ám ảnh cả nước Mỹ.

Diễn biến vụ việc đươc tóm tắt như sau: Tối 25/5/2020, cảnh sát thành phốMinneapolis được một cửa hàng báo cáo nghi ngờ George Floyd sử dụng tờ 20 USD giả. Hai cảnh sát là Thomas Lane và J.A. Keung được phái đến. Floyd đã chống cự lại khi được yêu cầu ra khỏi xe. Sau đó, hai sĩ quan cảnh sát khác là Derek Chauvin và Tou Thao cũng được phái đến hiện trường để tiếp sức cho đồng đội. Liền đó, Chauvin kéo Floyd đến bên hông xe, đặt nghi phạm trong tư thế hướng mặt xuống đất và bị còng tay. Chauvin đặt đầu gối bên trái lên phía sau gáy của Floyd. Floyd kêu lên “Tôi không thở được”. Băng video ghi lại cho thấy, chỉ 22 giây sau câu nói đó, Floyd ngừng cử động. Thần chết đã mang người đàn ông da đen xấu số ra đi mãi mãi.

Sau cái chết của Floyd, nhiều câu hỏi đã được đặt ra. Rõ nhất là việc liệu viên cảnh sát Chauvin có thù hằn gì với Floyd hay không. Nếu có thì đây rất có thể là hành động trả thù cá nhân, mang tính phân biệt chủng tộc.

Cái chết của Floyd trên thực tế đã làm rung động nước Mỹ, lan ra nhiều nước trên thế giới khi mà nạn kỳ thị chủng tộc vẫn ngấm ngầm như những vết thương hiểm chưa bao giờ lên da non. Truyền thông Mỹ cũng đồng loạt cho rằng Tổng thống Donald Trump đã thất bại khi đẩy nước Mỹ lên vị trí đầu của các quốc gia bị Covid-19 tàn phá nặng nề nhất; đồng thời cũng đã không đưa ra được biện pháp hữu hiệu trước làn sóng biểu tình đang sục sôi. “Ông ta chỉ đưa ra một việc là sẽ cho binh lính can thiệp”- ý kiến của một người dân được Telegraph dẫn lại như một sự chỉ trích.

Thực tế thì ngày 1/6 (giờ Mỹ), ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng: “Tôi đang huy động toàn bộ nguồn lực ở cả địa phương và liên bang, dân sự và quân đội, để bảo vệ quyền của của những người Mỹ tuân thủ luật pháp… Nếu một thành phố hay một bang không thực hiện các hành động cần thiết để bảo vệ mạng sống và tài sản của người dân của họ, tôi sẽ triển khai quân đội Mỹ và nhanh chóng giải quyết vấn đề cho họ”.

Một người biểu tình tạo dáng Nữ thần Tự do bên cạnh một chiếc xe cảnh sát bị đốt rụi ở thành phố Los Angeles, bang California.

Nguyên nhân và cách hành xử

Thật kỳ lạ lời nói cuối cùng trước khi chết của Floyd “Tôi không thở được” cũng là lời nói cuối cùng mà Eric Garner- một người da màu bị cảnh sát New York khóa cổ sau đó tử vong trong cuộc bắt giữ năm 2014.

Việc này khiến người ta có dịp nhìn lại cách mà các đời Tổng thống Mỹ (trước ông Trump) giải quyết bạo động sắc tộc như thế nào.

Thế kỷ XIX là giai đoạn bùng nổ mạnh mẽ các cuộc bạo động phản đối nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ, khi diễn ra cuộc nội chiến Mỹ giải phóng cho trên 3 triệu nô lệ da đen. Riêng thành phố Cincinatti đã chứng kiến các cuộc bạo loạn vào năm 1829, 1836 và 1841 khi đám đông người da trắng tấn công “người da đen tự do”. Phong trào biểu tình đấu tranh cho người da đen thực sự lên tới đỉnh điểm sau khi Jack Johnson trở thành nhà vô địch thế giới da màu đầu tiên trên sàn thi đấu đấm bốc. Tháng 7/1910, “tay đấm huyền thoại” Johnson đánh bại cựu vô địch Jim Jeffries trong trận đấu thế kỷ tại Reno, Nevada. Ngay khi tin tức truyền đến Chicago, New York, Boston… thì người Mỹ da đen gốc Phi đổ ra đường ăn mừng còn người da trắng lại giận dữ tấn công họ.

Điều đó khiến Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là William Taft hối thúc Quốc hội thông qua luật hạn chế công bố những hình ảnh về các cuộc thi đấu đấm bốc, nhằm tránh kích động căng thẳng sắc tộc.

Một cuộc bạo động màu sắc sắc tộc khác, còn gọi là “Cuộc nổi loạn Watts”. Bạo động bất ngờ bùng phát tại quận Watts, thành phố Los Angeles vào tháng 8/1965. Câu chuyện bắt đầu vào một buổi tối khi nhóm cảnh sát da trắng chịu trách nhiệm tuần tra đường cao tốc ra lệnh chiếc xe của hai anh em người da màu là Ronald và Marquette Frye tấp vào lề đường. Hai bên đã xảy ra xô xát.

Sự việc loang ra một cách nhanh chóng, rất đông người da đen đã tràn ra đường biểu tình, ném đá và chai nước vào các xe ô tô, xe buýt lưu thông trên đường. Một số tòa nhà bị đốt cháy. Cuộc bạo động kéo dài 6 ngày, khiến 34 người thiệt mạng và 4.000 người bị bắt giữ. Trong cuộc bạo động này, Chính phủ Mỹ đã huy động lực lượng Vệ binh Quốc gia để lập lại trật tự.

Thống đốc bang California Pat Brown đã thành lập Ủy ban McCone điều tra về nguyên nhân các cuộc bạo động và đi đến kết luận tình trạng thất nghiệp, không được giáo dục và điều kiện sống nghèo khổ tại quận Watts góp phần khiến bạo động nổ ra. Tuy nhiên, lỗi của cảnh sát không hề được nhắc tới.

Trong một cuộc tranh cãi với Tổng thống Lyndon B. Johnson, nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Phi Martin Luther King cho rằng Thị trưởng Los Angeles, ông Sam Yorty, “hoàn toàn vô cảm” trước thực trạng bạo lực của cảnh sát.

Martin Luther King. Nguồn: Star Tribune

“Thánh” Martin Luther King và sự nghiệp giang dở

Martin Luther King (sinh ngày 15/1/1929, mất ngày 4/4/1968), Mục sư, là nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi. Ông cũng là người đoạt Giải Nobel Hoà bình năm 1964. Ông là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ cũng như lịch sử đương đại của phong trào bất bạo động.

Ngày 4/4/1968, ông bị ám sát tại Memphis, Tennessee. Năm 1977, Tổng thống Jimmy Carter truy tặng ông Huân chương Tự do của Tổng thống. Năm 2004, ông được truy tặng Huân chương vàng Quốc hội.

Ông được coi là “vị thánh” khi kêu gọi phong trào biểu tình bất bạo động, đấu tranh với nạn phân biệt chủng tộc ở nước Mỹ. Vụ việc nổi tiếng nhất là vào năm 1954, khi ông nhận chức Mục sư Nhà thờ Baptist đại lộ Dexter, tại Montgomery, Alabama; cũng là lúc bùng nổ cao trào tẩy chay xe buýt bắt dầu từ việc một phụ nữ da đen (Rosa Parks) bị bắt giữ vì từ chối nhường chỗ ngồi trên xe buýt cho một người đàn ông da trắng theo quy định của “Luật Jim Crow”. Cuộc tẩy chay kéo dài tới 385 ngày với lời kêu gọi của Luther King: “Chúng ta không thể giải quyết vấn nạn này bằng những vụ bạo động trả đũa... Chúng ta phải lấy tình yêu mà đáp trả lòng thù hận”.

Trong khi cuộc tẩy chay vẫn tiếp diễn thì ông bị bắt giam, chỉ được thả ra khi Tòa án Liên bang cấp Quận ra phán quyết chấm dứt các hành vi phân biệt chủng tộc trên mạng lưới xe buýt ở Montgomery.

Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Martin Luther King là linh hồn cho phong trào phản kháng bất bạo động nhằm tranh đấu cho sự bình đẳng trong quyền dân sự cho người da đen, những quyền này đã được ghi trong luật pháp Hoa Kỳ khi Luật về Quyền Dân sự được thông qua năm 1964 và Luật về Quyền Bầu cử được thông qua năm 1965.

Ông cũng cực kỳ nổi tiếng khi đọc diễn văn Tôi có một giấc mơ (I Have a dream) tại cuộc tuần hành vì quyền công dân ở Washington, D.C, với chủ đề của cuộc đấu tranh là “Việc làm và Tự do”, năm 1963. Ông đã cùng những người cùng chí hướng đưa ra những thỉnh cầu như chấm dứt tình trạng kỳ thị chủng tộc tại trường công, ban hành các đạo luật bảo vệ dân quyền, bao gồm luật cấm phân biệt màu da trong tuyển dụng, bảo vệ người đấu tranh cho dân quyền khỏi sự bạo hành của cảnh sát cũng như ấn định mức lương tối thiểu…

Cuộc tuần hành là một thành công vang dội. Hơn 250.000 người thuộc các chủng tộc khác nhau đã tham dự. Cho đến thời điểm đó thì đây là cuộc tụ tập lớn nhất trong suốt lịch sử của thành phố Washington, D.C. Diễn văn của Martin Luther King có đoạn: “Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày trên những ngọn đồi đất đỏ của Georgia, con của nô lệ và con của chủ nô sẽ ngồi lại cùng nhau bên bàn ăn của tình huynh đệ. Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày vùng đất hoang mạc Mississippi, bức bối vì hơi nóng của bất công và áp bức, sẽ chuyển mình để trở thành ốc đảo của tự do và công bằng. Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày bốn con nhỏ của tôi sẽ sống trong một đất nước mà chúng không còn bị đánh giá bằng màu da, mà bằng tính cách của chúng. Hôm nay, tôi có một giấc mơ...”.

Kể từ khi ông bị ám sát (năm 1968) đến năm, có hơn 730 thành phố trên khắp nước Mỹ đặt tên ông cho những đường phố của họ.

Tên tuổi của ông sống mãi nhưng sự nghiệp thì giang dở, vì nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn đó khiến giấc mơ của ông bất thành.

Người dân tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota trong cuộc biểu tình ngày 30/5/2020.

99 năm vụ thảm sát kinh hoàng

Từ cái chết của George Floyd ngày 25/5/2020, người ta nhớ tới “vị thánh” Martin Luther King và cũng thật đau lòng khi truyền thông Mỹ đưa lại một vụ thảm sát sắc tộc kinh hoàng, khi mà năm nay, năm 2020, nước Mỹ kỷ niệm thứ 99 năm vụ thảm ở thành phố Tulsa, bang Oklahoma (năm 1921).

Vào những năm 1920, quận Greenwood ở Tulsa được gọi là “Phố Wall đen” vì ở đây có trên 300 doanh nghiệp do người da màu làm chủ, trong đó có rạp hát, phòng khám, nhà thuốc. Nhiều người da màu đã tìm tới đây sinh sống.

Và cũng chính từ thành công của cộng đồng người da màu đã khiến không ít người da trắng ghen tị, tức giận. Họ bình luận: “Làm sao mà những tên mọi đen này dám có chiếc đàn piano sang trọng trong nhà, còn tôi thì không có cái nào”.

Căng thẳng cao độ sau khi xảy ra sự cố trong thang máy tòa nhà Drexel giữa một cô gái da trắng 17 tuổi, tên là Sarah Page và một thanh niên da màu 19 tuổi, tên là Dick Rowland, làm nghề đánh giày. Page là người vận hành thang máy, còn Rowland gần như ngày nào cũng đi thang máy vì cậu được vào tòa nhà sử dụng nhà vệ sinh và lấy nước.

Sự cố xảy ra vào một ngày chỉ có Sarah Page và Rowland ở trong thang máy của tòa nhà. Page khai bị tấn công. Còn Rowland thì bị bắt. Cho dù Page không yêu cầu buộc tội Rowland nhưng giới chức địa phương đã cáo buộc anh này. Cũng vào thời điểm đó, tin đồn Page bị cưỡng hiếp được báo chí tung ra đã thổi bùng cơn giận dữ trong cộng đồng người da trắng. Họ đã tụ tập tại tòa án, nơi giam giữ Rowland, đòi hỏi phải trừng trị. Trong đó, có một yêu cầu phải hành hình Rowland theo “luật rừng” mà không cần xét xử.

Ở phía khác, cộng đồng người da màu quyết định bảo vệ Rowland. Không ai tin Rowland làm một việc như vậy và họ đã tới giải cứu anh. Khi những người da màu tới cửa tòa án thì đụng độ với những người da trắng đang tụ tập. Trong số này có những người da trắng mang theo súng. Một trong số họ đụng độ với một người da màu. Hai người vật lộn để giành khẩu súng. Tiếng súng vang lên. Người da trắng bị trúng đạn. Sự hỗn loạn bùng phát.

Sau đó, có đến 10.000 người da trắng tìm cách tràn qua đường ray tàu hỏa ngăn cách khu vực Bắc Tulsa của người da màu và Nam Tulsa của người da trắng. Họ đã xâm chiếm khu vực “Phố Wall đen”ở quận Greenwood. Trong đêm, 35 tòa nhà đã bị đốt cháy. “Phố Wall đen” bị xóa sổ. Có tới 300 người da màu đã bị giết chết, xác họ nằm trên đường phố.

Hoảng loạn, nhiều người đã bỏ thành phố. Một số người cho biết cái chết không chỉ xảy ra trên phố mà còn từ trên trời. Họ nhìn thấy máy bay thả bom nitroglycerin xuống. Ít nhất có một công ty cho phép những kẻ nổi loạn da trắng dùng máy bay của họ để thả bom.

Một người biểu tình giơ cao hình ảnh của George Floyd.

Dù không có thông tin chính thức về việc thả bom nhưng luật sư Buck Colbert Franklin cho biết có ghi chép về các vụ tấn công trên không ở Bảo tàng Quốc gia Văn hóa và Lịch sử người Mỹ gốc Phi thuộc Viện Smithsonian. Ông Franklin đã nhìn thấy hàng chục máy bay lượn trên không và nghe thấy tiếng như mưa đá rơi trên nóc tòa nhà. Bên dưới, ông thấy khách sạn Midway và các tòa nhà khác cháy từ nóc xuống. Báo cáo của một ủy ban của bang Oklahoma năm 2001 cho biết Tulsa có thể là thành phố đầu tiên ở Mỹ bị đánh bom từ trên không.

Vào năm 2016, có một người sống sót ở lại Tulsa, bà Hazel Smith Jones (97 tuổi), khi vụ thảm sát xảy ra mới lên 3, đã kể lại rằng: “Bố tôi không ở nhà, chỉ có trẻ con và bà tôi. Họ tới và bắt chúng tôi. Đàn ông da trắng gom người dân lên xe tải và đưa đi. Họ đưa chúng tôi tới một bãi đất rộng và chúng tôi ở đó hai hay ba ngày. Chúng tôi ở đó và bố tôi không biết chúng tôi ở đâu”.

Trong lúc người dân bị đưa tới nơi khác, đám du côn da trắng hoành hành đường phố và cướp bóc tài sản của người da màu. Các gia đình da màu còn sống sau vụ việc không còn lại gì khi họ trở lại. Thảm kịch không chỉ giới hạn trong một vụ tấn công thảm sát, mà nó còn kéo dài, rất dài cho mãi đến sau này, cho dù ai cũng muốn vùi chôn vùi nó vào nơi tận cùng của ký ức.

Nhưng quên sao được khi mà hôm nay người ta vẫn phải tiếp tục đi đòi bình đẳng và công lý, sau cái chết của người đàn ông da đen George Floyd. Vào ngày 31/5/2020, Tổ chức phi lợi nhuận ColorofChange đăng lên Twitter như sau: “Khi bạn theo dõi biểu tình ngày hôm nay, hãy nhớ vụ thảm sát chủng tộc Tulsa. Cuộc chiến chấm dứt bạo lực của cảnh sát sẽ không chấm dứt cho tới khi công lý được thực thi”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vết thương sắc tộc trong lòng nước Mỹ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO