Vì con người

Dạ Yến 16/09/2016 13:30

UBTƯ MTTQ Việt Nam và Chùa Pháp Vân, Hà Nội vừa tổ chức hội nghị thống nhất nội dung Kế hoạch hành động năm 2016 về mô hình bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây sẽ là một trong những mô hình điểm cho việc các tôn giáo tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường mà Phật giáo là một trong 14 tôn giáo lớn ở Việt Nam đã cùng Mặt trận và Bộ Tài nguyên - Môi trường cam kết thực hiện trong một chương trình phối hợp.

Tinh thần nhập thế của các tôn giáo với đời sống dân sinh hay nói cách khác là vì con người, phục vụ con người suy cho cùng đều là mục đích lớn lao mà các tôn giáo hướng đến. Bảo vệ môi trường chỉ là một ví dụ nhỏ trong rất nhiều nỗ lực tận hiến với đời.

Vì con người

Phó Chủ tịch Lê Bá Trình phát biểu tại hội nghị ngày 12/9.

Hàng nghìn năm qua tôn giáo được hiểu là một cộng đồng đức tin và cộng đồng đức tin thường coi trọng giáo luật hơn luật đời. Điều này có cơ sở. Vì các tôn giáo lớn có những quan điểm thần học, giáo lý riêng và thường coi mục tiêu lý tưởng sống hướng tới là một nước trên thiên đàng chứ không phải là đất nước hiện thực. Điều này đã từng ảnh hưởng rất lớn đến khả năng nhập thế của các tôn giáo.

Nhưng nửa thế kỷ nay, các tôn giáo lớn cũng thay đổi nhiều về quan niệm này, nhất là Công giáo. Tòa thánh Vatican thừa nhận quan điểm vừa có nước hiện thực vừa có nước thiên đàng nhưng họ đã “xích lại” hai quan điểm này trong đó, đặc biệt là không coi thường cuộc sống của trần thế. Đấy cũng là điều mà Thiên Chúa cho phép tùy theo mức độ và có giáo luật điều chỉnh.

Cho nên trong Thư chung của Công giáo Việt Nam năm 1980 có câu: “Sống phúc âm trong lòng dân tộc”. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng làm được điều này. Ít nhất là cho đến thời điểm này, chưa có một nước nào trên thế giới lại có thể hợp nhất các tôn giáo của nước mình để cùng nhau bàn về một chủ đề: Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu như ở Việt Nam.

Hội nghị toàn quốc Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tổ chức tại TP Huế, do UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức Bắc Âu Trợ giúp Việt Nam- NCA tổ chức (từ 1 đến 3/12/2015) được coi là một dấu mốc lịch sử.
Tại đây, dù các tôn giáo dùng nhiều khái niệm, ngôn ngữ khác nhau khi nói về vấn đề này nhưng đều gặp nhau ở quan điểm lớn: đó là chúng ta cùng sống chung trên Mẹ Trái Đất và đang phải đối mặt với những yếu tố hủy hoại Trái Đất.

Sau gần một năm, hiện ở các địa phương trên cả nước đang triển khai xây dựng các mô hình điểm bảo vệ môi trường trên cơ sở phối hợp giữa Mặt trận- Sở Tài nguyên và Môi trường với các tổ chức tôn giáo. Mô hình từ Chùa Pháp Vân-Hà Nội là một ví dụ.

Thượng tọa Thích Thanh Huân, Trụ trì Chùa Pháp Vân cho rằng, chiến lược hoạt động của mô hình Chùa Pháp Vân được tổ chức theo tam giác phối hợp : Mặt trận/ Chính quyền- Nhà chùa- Người dân địa phương.

Trong đó, Chùa Pháp Vân và các chùa địa phương có nhiệm vụ định hướng tinh thần, lý tưởng cho các Phật tử và người dân địa phương. Mặt trận/ Chính quyền địa phương có nhiệm vụ hỗ trợ, hướng dẫn các hoạt động theo hành lang pháp lý và quy định chung. Còn người dân địa phương và hội viên các đoàn thể trực tiếp bảo vệ môi trường sống tại địa phương.

Đánh giá cao kế hoạch hành động của Chùa Pháp Vân, đồng thời Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình cho rằng, lần đầu tiên thực hiện mô hình này không tránh khỏi những lúng túng, khó khăn thậm chí cả thất bại.

“Có thất bại thì cũng không ngại vì chúng ta làm việc trên tinh thần “khó đến đâu gỡ đến đó”. Quan trọng nhất hiện nay là đã có sự thống nhất của các cấp chính quyền, Mặt trận giúp sức cùng các nhà chùa. Vì đây là việc làm tốt đẹp phù hợp với giáo lý, giáo luật cũng như chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước”- từ Chùa Pháp Vân, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình mong muốn được gửi thông điệp này đến các nhà chùa cùng tham gia thực hiện những mô hình tương tự.

Trong những năm qua, triết lý nhân sinh “tốt đời đẹp đạo” của Đảng và Nhà nước luôn động viên đồng bào các tôn giáo và nhân dân cả nước sống trong một mái nhà chung là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng lòng xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc vì sự phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.

Nếu ai đã từng đến Cô nhi viện Sơn Ca ở 22/3, Vạn Xuân, Kim Long, Thanh phố Huế, hay các Nhà Vinh Sơn thuộc Hội dòng ảnh Phép lạ ở Kon Tum sẽ hiểu thêm điều này, sẽ phải suy ngẫm về sự hy sinh và sẽ hiểu thế nào là yêu thương. Vì không thể đếm được biết bao lần các nữ tu Công giáo ở những nơi này giang tay đón lấy những thân phận bé nhỏ bị bỏ rơi vì nghèo đói, bệnh tật mà không phân biệt tôn giáo, vùng miền…rồi nuôi nấng như những đứa con của mình trở thành người tử tế.

Với người Công giáo, năm 2016 được xem là Năm kỷ niệm của lòng thương xót. Đó cũng là lời mời gọi sống lòng thương xót theo gương Thiên Chúa, đừng xét đoán và kết án mà hãy tha thứ và yêu thương. Lời mời gọi này cũng tương trùng với thông điệp của ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam gửi tới đồng bào Công giáo trong dịp Giáng sinh tại giáo phận Kon Tum: “Chúng ta đoàn kết, yêu thương, phấn đấu vì lợi ích chung, làm sao để cuộc sống của người dân cả nước, trong đó có đồng bào Công giáo ngày càng ấm no hơn, đáng sống hơn”.

Linh mục Giesu Đỗ Hiệu, Quản hạt vùng Kon Tum cho rằng, phục vụ con người là một trong những lý tưởng của người Công giáo. Và một trong những đích điểm đời sống của người Công giáo là lo cho cái nghèo. Chúa Giêsu đến gần dân và luôn lo cho người nghèo.

Vì vậy sứ điệp của người Công giáo năm 2016, thông điệp của Người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam, nhất là trong việc chia sẻ, yêu thương với người nghèo khó hơn mình.

Tinh thần nhập thế của các tôn giáo với đời sống hay nói cách khác là vì con người, phục vụ con người suy cho cùng đều là mục đích lớn lao của bất cứ Nhà nước nào, chế độ nào trên thế giới này đang theo đuổi và thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì con người

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO