Vì một châu Á hòa bình, thịnh vượng

Nguyên Khánh 06/06/2017 07:05

Sáng 5/6, tại Tokyo, Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự và có bài phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23. Phát biểu tại đây, Thủ tướng mong rằng mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mỗi người dân châu Á hãy cùng chung tay hành động vì một châu Á hòa bình và thịnh vượng. Trả lời câu hỏi của đại biểu tham dự Hội nghị có liên quan đến tự do hàng hải an ninh trên biển sau chuyến thăm Hoa Kỳ vừa qua, Thủ tướng cho biết, Việt Nam - Hoa Kỳ đã trao đổi về vấn đề an ninh khu vực

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam
tại Nhật Bản. (Ảnh: Thống Nhất-TTXVN).

Châu Á đi đầu về hợp tác, hội nhập quốc tế

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng cho rằng, toàn cầu hóa là xu thế tất yếu. Toàn cầu hóa không chỉ là một tiến trình kinh tế mà còn là sự phản ánh những khát vọng vươn xa, những mưu cầu hạnh phúc và chinh phục thử thách của loài người.

Theo đó, châu Á, châu lục lớn nhất thế giới về diện tích và dân số, đa dạng về tôn giáo, văn hóa, sắc tộc với bề dày lịch sử hàng ngàn năm, đang là động lực tăng trưởng chủ chốt trong quá trình toàn cầu hóa. Với trên 150 hiệp định thương mại tự do và khu vực, chiếm 58% tổng số hiệp định của thế giới, châu Á đi đầu về hợp tác, hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, quá trình hội nhập toàn cầu cũng đang đặt châu Á trước nhiều thách thức. Theo Thủ tướng, những diễn biến phức tạp về chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, các mối đe dọa khủng bố, các vụ thử tên lửa trên bán đảo Triều Tiên; những căng thẳng trên Biển Hoa Đông, Biển Đông vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ về an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không của tuyến đường biển quốc tế. Đặc biệt, biến đổi khí hậu cùng với những thảm họa về bệnh dịch, thiên tai, gây thiệt hại nặng nề về tài sản và con người. Mối lo ngại về sự đồng nhất và một nền văn hóa phổ quát sẽ làm phai nhạt tính độc đáo và các giá trị bản sắc châu Á.

Gia tăng sức mạnh mềm cho châu Á

“Đứng trước thách thức kể trên, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc châu Á cần thực hiện 3 giải pháp quan trọng.

Thứ nhất, duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong bối cảnh châu Á đang có những thay đổi mang tính cấu trúc. Theo đó, cần tạo dựng quan hệ gắn kết lành mạnh, tăng cường lòng tin, sự thực tâm giữa các quốc gia về an ninh, chính trị và phát triển kinh tế thông qua các hiệp định song phương, đa phương, các liên kết chiến lược khu vực và liên lục địa; Tập trung giải quyết các khác biệt nội tại khu vực và hành xử có trách nhiệm của các quốc gia trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế. Gia tăng sức mạnh mềm châu Á thông qua việc truyền thông, gìn giữ và phát huy tính đa dạng, nét độc đáo về bản sắc văn hóa và những “giá trị châu Á” mà cố Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore đã từng đề cập đến như tinh thần lao động cần cù, ý thức tiết kiệm, sự hiếu học, tình bằng hữu và sự gắn kết gia đình... Đồng thời chúng ta mở cửa hợp tác, tiếp thu những tinh hoa, giá trị văn hóa của các châu lục khác.

Thứ hai, giải quyết bài toán về mô hình phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững và bao trùm. Theo đó, cần tạo sự gắn kết lành mạnh giữa các nền kinh tế, thúc đẩy kết nối nhiều mặt và đa tầng nấc giữa các quốc gia.

Thứ ba, tối ưu hóa nguồn lực, phối hợp và phát huy vai trò tích cực của các định chế quốc tế như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF); Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB)…Thủ tướng cho rằng, chính những thể chế, tôn chỉ, nguyên tắc, luật lệ được xây dựng bởi các định chế quốc tế này cùng với tổ chức khu vực như ASEAN, APEC… đã góp phần quan trọng duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy sự phát triển trên toàn thế giới nói chung và châu Á nói riêng.

“Giấc mơ” cho mọi quốc gia

Thủ tướng chia sẻ: Chúng ta vẫn thường nghe về “giấc mơ Mỹ” hay “giấc mộng Trung Hoa”, nhưng dường như trên phương diện truyền thông, các giấc mơ Miến Điện, giấc mơ Lào, Campuchia hay giấc mơ Việt Nam... còn ít được biết đến. Châu Á phải là một nơi mà ở đó chúng ta sẽ được lắng nghe về giấc mơ của mọi quốc gia, của nước lớn cũng như nước nhỏ, nước phát triển cũng như chưa phát triển. Tất cả đều được đối xử trên nguyên tắc tự do, bình đẳng không sự phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, màu da, sắc tộc hay giới tính. Tất cả cùng hợp tác, đóng góp vì hòa bình và thịnh vượng cho mọi quốc gia, mọi người dân châu Á.

Thủ tướng khẳng định, sau hơn bốn thập niên, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản không ngừng được củng cố và trở thành đối tác chiến lược sâu rộng vào tháng 3-2014. Nhật Bản là quốc gia viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2, là đối tác lớn thứ 3 về du lịch và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. “Tầm nhìn sẽ quyết định phương thức chúng ta tư duy, cách thức chúng ta hành động tại thời điểm hiện tại. Tôi mong rằng mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mỗi người dân châu Á hãy cùng chung tay hành động vì một châu Á hòa bình và thịnh vượng”- Thủ tướng chia sẻ.

Sự gần gũi, tin cậy Việt - Nhật

Chiều cùng ngày, Thủ tướng dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam với sự tham dự của 1.600 đại biểu, doanh nghiệp (DN), trong đó có 200 đại biểu DN Việt Nam. Đây là hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Nhật Bản.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã không ngừng phát triển, trở thành đối tác chiến lược toàn diện trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại và đầu tư. Đến hết năm 2016, Nhật Bản có hơn 3.200 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 42 tỷ USD, chiếm 15% tổng FDI vào Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng rằng không gì có thể ngăn cản được một kỷ nguyên mới về sự thân tình, gần gũi, tin cậy trong hợp tác phát triển Việt-Nhật. “Việt Nam hoan nghênh các DN Nhật Bản đầu tư lâu dài tại Việt Nam, hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới; nâng cao giá trị thương hiệu; năng lực tài chính; quản trị DN; tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu; phát triển thị trường tiêu thụ. Việt Nam khuyến khích các DN Nhật Bản tham gia đầu tư thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và kết nối DN Việt Nam với thị trường toàn cầu”- Thủ tướng nói.

Trước đó, trưa 5/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự cuộc tọa đàm bàn tròn với các doanh nghiệp lớn và gặp gỡ một số doanh nghiệp, quỹ đầu tư lớn.

Tại Hội nghị “Tương lai châu Á lần thứ 23”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đối thoại cởi mở và trả lời nhiều câu hỏi được các đại biểu dự Hội nghị nêu ra. Trả lời câu hỏi liên quan đến Hiệp định TPP, Thủ tướng cho biết, sau khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP, Việt Nam cũng như Nhật Bản đang bàn với các đối tác một cách cụ thể để tìm ra một phương thức tốt nhất để chúng ta cùng phát triển, cùng có lợi. Với câu hỏi về chính sách trước việc “thị trường xe 2 bánh và 4 bánh phát triển tốt ở Việt Nam nhưng đồng thời gây ra những vấn đề về môi trường, khí thải, đặc biệt ở đô thị”- Thủ tướng nói: “Chúng tôi có chiến lược về phát triển bền vững, trong đó, vấn đề môi trường đặt ra hàng đầu ở Việt Nam. Chúng tôi có một chương trình hành động cụ thể để giảm thiểu khói bụi từ ô tô và mô tô”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì một châu Á hòa bình, thịnh vượng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO