Vì quyền lợi người tiêu dùng

Minh Phương 01/08/2016 10:20

Thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), 6 tháng đầu năm, gần 600 cuộc gọi đến đường dây nóng yêu cầu hỗ trợ giải quyết khiếu nại hoặc phản ánh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, từ khi tổng đài 18006838 được thiết lập, quyền lợi của người tiêu dùng đã được bảo vệ sát sao hơn, nhiều vụ việc vi phạm đã được giải quyết, bồi thường thiệt hại chính đáng cho người tiêu dùng.

Người tiêu dùng cần lên tiếng khi quyền lợi bị xâm phạm.

Hàng tiêu dùng bị vi phạm nhiều nhất

Thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương, trong 6 tháng đầu năm 2016, Tổng đài 18006838 đã ghi nhận có 3.356 cuộc gọi đến, trong đó các tổng đài viên của Cục đã tiếp nhận và trả lời 2090 cuộc gọi, chiếm 62,28%.

Trong số 2090 cuộc gọi này, có 567 cuộc gọi liên quan đến yêu cầu hỗ trợ giải quyết khiếu nại hoặc phản ánh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Có thể thấy, so với trước đây, quyền lợi của người tiêu dùng đã được bảo vệ sát sao hơn.

Nhiều người tiêu dùng cho biết, họ ít có nguy cơ bị xâm phạm quyền lợi như mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… do nhận được những tư vấn hữu ích hơn từ phía cơ quan chức năng.

Chị Bùi Huyền Trang, ở phố Phùng Khoang (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trước đây, không may mua phải một món đồ bị làm giả, làm nhái, thường tặc lưỡi cho qua, một phần vì không biết khiếu kiện ở đâu là hợp lý, mặt khác, nếu có khiếu kiện cũng chưa biết có kết quả hay không, chỉ mất thêm thời gian, công sức, có khi còn mất thêm chi phí. Trong khi món hàng đó cũng không đáng giá bao nhiêu, thôi thì đành lặng im bỏ qua và tự nhủ mình “lần sau phải cẩn thận hơn, xem xét kỹ hơn trước khi bỏ tiền ra mua một món đồ”.

Tuy nhiên, gần đây, chị Trang cũng như nhiều người tiêu dùng khác đã biết cách tự bảo vệ quyền lợi của mình hơn thông qua việc gọi điện tư vấn đến đường dây nóng của cơ quan chức năng. Theo chị Trang, gọi điện phản ánh như vậy thuận lợi hơn, và được tư vấn cả nơi cần gửi đơn kiện, “khác hẳn với trước đây, chúng tôi cư lơ mơ chả biết kêu ai” - chị Trang nói.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT), trong tổng số 567 vụ việc được tiếp nhận và xử lý thời gian qua, ngành hàng được yêu cầu tư vấn giải quyết khiếu nại và được phản ánh tới Cục nhiều nhất là hàng hóa tiêu dùng thường ngày (138 trường hợp, chiếm khoảng 24,3%).

Tiếp đó là nhóm điện thoại, viễn thông và nhóm đồ điện tử gia dụng. “Đây là 3 nhóm ngành hàng thường xuyên nằm trong nhóm bị khiếu nại, phản ánh nhiều nhất. Bên cạnh hàng hóa tiêu dùng hàng ngày (do tính chất tiêu dùng thường xuyên làm phát sinh nhiều vi phạm và phản ánh), thì nhóm “đồ điện tử gia dụng” cũng đang tăng dần số lượng phản ánh, khiếu nại đến Tổng đài ” – Cục QLCT nhận định.

Lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng được người tiêu dùng phản ánh, khiếu kiện nhiều nhất.

Xử lý nhiều vụ việc phức tạp

Trong 6 tháng đầu năm 2016, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 2 thành phố có nhiều phản ánh, khiếu nại nhất về vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh việc tiếp nhận và giải quyết yêu cầu tư vấn, hỗ trợ của người tiêu dùng qua Tổng đài 1800 6838, trong 6 tháng đầu năm 2016, Cục QLCT đã tiếp nhận và xử lý 115 vụ việc khiếu nại bằng văn bản của người tiêu dùng. Trong đó, có những vụ việc nghiêm trọng như vụ bảo hiểm Prevoir dừng tái tục hợp đồng với sự tham gia của rất nhiều người tiêu dùng, hay vụ việc lừa đảo trúng phiếu mua hàng qua điện thoại của công ty Thái Dương Xanh....

Đặc biệt, nhiều trường hợp, sau khi tiếp nhận khiếu nại từ người tiêu dùng, cơ quan này vào cuộc đã đòi lại được quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng. Đơn cử như vụ việc xe ô tô Mazda3 All New bị lỗi “cá vàng”.

Theo đó, từ cuối năm 2015, Cục QLCT nhận được Đơn của nhiều người tiêu dùng sử dụng sản phẩm ô tô Mazda3 All New 1.5L khiếu nại đối với Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (THACO) liên quan đến việc cung cấp sản phẩm khuyết tật với hiện tượng hiển thị lỗi động cơ (Check engine – “cá vàng”).

Sau khi tiếp nhận đơn, Cục QLCT đã làm việc với người tiêu dùng, Công ty THACO, Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), Cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nhật Bản… để xác minh và làm rõ các thông tin có liên quan đến vụ việc. Đến tháng 6 - 2016, sau quá trình kiểm tra và thực hiện thủ tục, Công ty THACO đã có văn bản báo cáo Cục Đăng kiểm Việt Nam và Cục QLCT về việc sẽ chính thức tiến hành “Kiểm tra và khắc phục hiện tượng sáng Đèn báo kiểm tra động cơ trên xe Mazda3 All New (động cơ 1.5L)”.

Theo đó, các đại lý ủy quyền của Mazda trên toàn quốc sẽ chủ động mời khách hàng tới trạm dịch vụ để thực hiện Chương trình. Chi phí kiểm tra, khắc phục và thay thế phụ tùng do Vina-Mazda chi trả hoàn toàn.

Hay vụ việc khiếu nại đối với dịch vụ ATM của ngân hàng SHB. Cụ thể, tháng 4/2016, Cục QLCT nhận được đơn của người tiêu dùng có tên T.T.T.D. khiếu nại về việc rút tiền bằng thẻ của ngân hàng SHB tại máy ATM của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB).

Mặc dù giao dịch không thành công nhưng tài khoản của khách hàng T.T.T.D. vẫn bị trừ đi 2.000.000 đồng. NTD đã khiếu nại đến ngân hàng SHB, tuy nhiên vụ việc kéo dài 2 tháng mà không được giải quyết.

Sau khi nhận được đơn khiếu nại, Cục QLCT đã tiến hành trao đổi, làm việc với các bên liên quan để tư vấn, hỗ trợ cho các bên về nội dung vụ việc cũng như các quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có liên quan. Trên cơ sở đó, các bên liên quan đã thống nhất phương án hòa giải và ngân hàng đồng ý hoàn tiền cho người tiêu dùng…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì quyền lợi người tiêu dùng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO