Vì sao cải cách giảm đầu mối lại tăng Cục, Vụ?

Hoài Vũ (ghi) 09/08/2017 08:35

Một thực tế đang diễn ra là dù giảm đầu mối nhưng thực chất lại tăng số Cục, Vụ thuộc không ít Bộ. TS Đinh Duy Hòa (Bộ Nội vụ) cho rằng: Công tác cải cách bộ máy hành chính nhà nước hạn chế là do không được thực hiện trên nền tảng khoa học, gặp đâu làm đó, tùy cảm hứng của người đứng đầu, dẫn đến hay thay đổi.

TS Đinh Duy Hòa.

Theo TS Đinh Duy Hòa, cần xem văn bản ban hành có đầy đủ hay không? Có kịp thời hay không? Chất lượng thế nào? Các văn bản pháp luật được ban hành với số lượng lớn nhưng số lượng lớn không phải nói lên kết quả mà điều quan trọng là thể chế ban hành về cơ bản đã đầy đủ hay chưa, cho nên cần đánh giá cho đúng chứ không phải nhiều hay ít. Điều căn bản là các văn bản do nhiều cơ quan ban hành vì từ Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, các Bộ, rồi xuống địa phương mỗi cơ quan theo thẩm quyền đều có quyền ban hành văn bản liên quan đến bộ máy. Như vậy thì chất lượng như thế nào? Tính kịp thời ra sao?

Theo ông Hòa, có đánh giá cho rằng, việc giảm đơn vị sự nghiệp công lập chưa nhiều. Tuy nhiên mục tiêu của cải cách bộ máy hành chính, trong đó có đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập chứ không phải nhằm vào giảm đơn vị. Vì có chỗ phải giảm, có chỗ phải tăng nên cần chọn lọc cho chuẩn.

Ông Hòa cũng cho rằng, việc sắp xếp kiện toàn cơ cấu tổ chức tuy đã được thực hiện theo mô hình đa ngành, đa lĩnh vực nhưng vẫn còn một số hạn chế. “Công tác cải cách bộ máy hành chính nhà nước hạn chế là do không được thực hiện trên nền tảng khoa học, gặp đâu làm đó, tùy cảm hứng của người đứng đầu dẫn đến hay thay đổi. Một thời gian dài, các Bộ, ngành lớn sáp nhập vào.Ví dụ như Bộ NNPTNT nhập năm 1996 không có các Tổng cục trong Bộ, về cơ bản hoạt động là được. Tuy nhiên, 7-8 năm trở lại đây lại xuất hiện câu chuyện lập các Tổng cục, Cục trong Bộ. Tương tự là Bộ Công thương một thời gian dài không có Tổng cục về sau lại phình ra. Cho nên công tác cải cách bộ máy hành chính nhà nước chưa được thực hiện trên một nền tảng khoa học, vẫn còn tình trạng “gặp đâu làm đó”- ông Hòa nhìn nhận.

Theo ông Hòa, trách nhiệm là của các cơ quan tổ chức, vai trò của Bộ Nội vụ trong cải cách bộ máy hành chính nhà nước là rất lớn. Bởi thể chế chính sách liên quan đến bộ máy hành chính xuất phát từ nhiều cơ quan trong hệ thống nhưng Bộ Nội vụ phải đi đầu, đề xuất các chính sách với Chính phủ, Quốc hội, và Ban Chấp hành Trung ương. Ông Hòa cũng cho rằng, “Về cơ bản các biện pháp quản lý hành chính của ta là học từ nước ngoài, do đó về thể chế là được nhưng trong tổ chức thực hiện lại “biến tướng”.

Dẫn chứng thực trạng có việc Nghị định của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ cho các Bộ rất chậm, 3 năm mới xong nếu không nghiêm túc thì câu chuyện này vẫn diễn ra, do đó ông Hòa đề nghị, Quốc hội khi phê duyệt cơ cấu tổ chức Chính phủ phải quy định trong vòng 1 năm phải xong quy định chức năng nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ.

“Mô hình tổ chức Cục, Vụ, Tổng cục vẫn còn nhiều vấn đề chưa rõ, do đó Quốc hội nên giao Chính phủ nghiên cứu xây dựng một Nghị định về Phòng, Vụ, Cục, Tổng cục theo hướng thống nhất, có tiêu chí cụ thể mới được thành lập và báo cáo UBTVQH trước khi ban hành, thống nhất trong bộ máy hành chính, chứ nếu không tình trạng này thì tiếp tục phình to. Ví dụ cùng nội dung công việc nhưng mô hình tổ chức lại khác nhau như trong vấn đề hợp tác quốc tế có Bộ là Cục, còn có Bộ là Vụ, có Bộ lại là trung tâm. Do đó việc ban hành thống nhất để tránh tình trạng “nâng cấp” quá nhiều như thời gian qua”- theo ông Hòa.

Về việc xác định vị trí việc làm đang có “vấn đề”, ông Hòa cho rằng để tự từng cơ quan rà soát đề xuất thì kết quả rất hạn chế. Do đó Quốc hội nên giao Chính phủ mời một tổ chức tư nhân vào làm thí điểm tại 1 Bộ để rà soát, xem chức năng nhiệm vụ của một cơ quan hành chính để họ phát hiện ra những bất cập và đề xuất giải pháp. Như vậy sẽ tốt hơn để tự từng cơ quan rà soát đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao cải cách giảm đầu mối lại tăng Cục, Vụ?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO