Vì sao doanh nghiệp e dè đầu tư sạch?

Minh Phương 19/05/2017 08:00

Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng môi trường sống thì việc xây dựng thương hiệu gắn với “xanh và sạch” được coi là yếu tố sống còn để các doanh nghiệp (DN) hướng đến phát triển bền vững. Theo chia sẻ của nhiều DN, sử dụng nguyên vật liệu tốt, công nghệ thân thiện đảm bảo không ô nhiễm môi trường sẽ là ưu tiên hàng đầu.

Ít doanh nghiệp quan tâm đến yếu tố tăng trưởng xanh do chi phí cao. Ảnh: TL.

Ít doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu xanh

Là một DN đi theo chiến lược phát triển xanh, Công ty CP Traphaco tuy không phải là DN nhỏ nhưng vấn đề chi phí để thực hiện phát triển xanh cũng là cả một vấn đề. Bà Đào Thúy Hà- Trưởng phòng Marketing Công ty CP Traphaco cho hay, để có thể đứng vững được trên thị trường và được người tiêu dùng tin tưởng, Traphaco đã chọn con đường chất lượng xanh. Theo đó, tất cả các nguyên liệu đầu vào, Traphaco đều chọn những nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên để phát triển các sản phẩm, sau đó xây dựng vùng nguyên liệu xanh.

Tương tự, Công ty Euro Window cũng luôn sử dụng các thiết bị vật liệu thân thiện môi trường. Đại diện công ty này cho biết, tất cả các nguyên vật liệu để làm nên các sản phẩm của Ero Window đều phải tuân thủ yêu cầu về chất lượng và đảm bảo yếu tố môi trường, tuy nhiên, chi phí có phần cao hơn.

Thực tế, tất cả các DN đều mong muốn lựa chọn nguyên liệu sạch trong sản xuất, vì sử dụng nguyên liệu xanh, sạch không chỉ tạo nên thương hiệu và chất lượng cho sản phẩm, giữ chữ tín trên thị trường mà điều quan trọng là bảo vệ được môi trường và sức khỏe của người tiêu dùng, như vậy cũng chính là bảo vệ bản thân mỗi DN.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là muốn tạo ra sản phẩm xanh, chi phí đầu vào rất cao, và tất nhiên giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng không thể rẻ, đó là một trong những yếu tố rào cản khiến nhiều DN không chú trọng đưa nguyên liệu sạch vào sản xuất. Chia sẻ của bà Hà có lẽ cũng là trăn trở của không ít DN khi bắt tay thực hiện chiến lược phát triển xanh.

Nhiều DN cho biết, họ biết rõ chỉ có sử dụng nguyên liệu sạch và công nghệ thân thiện với môi trường mới giúp họ đứng vững trên thương trường, thế nhưng nguồn vốn eo hẹp là nguyên nhân bó buộc DN.

Bên cạnh đó, nhiều DN cũng băn khoăn khi cho rằng, liệu sản phẩm họ làm ra có thu hút được người tiêu dùng hay không khi mà chi phí quá cao, trong khi hiện nay nhiều mặt hàng giá rẻ ngoại nhập đang ồ ạt tràn vào, các sản phẩm chất lượng tốt giá cao sẽ khó mà cạnh tranh được.

Bài toán khó

Theo ông Vũ Xuân Trường - Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (Bộ Khoa học và Công nghệ), xây dựng và phát triển thương hiệu xanh là xu hướng mà các nước trên thế giới đã thực hiện từ nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, đối với Việt Nam lại khá mới mẻ và cũng chỉ một vài DN có tầm nhìn dài hạn mới có định hướng phát triển về thương hiệu xanh. Ngoài những khó khăn về vốn như nhiều DN bày tỏ, yếu tố công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường được DN áp dụng vào sản xuất khá hạn chế. Nguyên nhân một phần là do, mặc dù DN trong nước có thể tiếp nhận công nghệ xanh từ nước ngoài nhưng nguồn nhân lực, mặt bằng trình độ lại chưa kịp đáp ứng được.

“Chẳng hạn, công nghệ khí thải ô tô của châu Âu đã chuyển sang dùng năng lượng được chiết xuất trong thiên nhiên và điện, nhưng ở Việt Nam lại chưa thể tiếp nhận ngay vì còn dính dáng đến nhiều yếu tố như trình độ công nghệ, nhận thức người sử dụng, chính sách hỗ trợ áp dụng công nghệ mới…”- ông Trường nêu quan điểm và đặt câu hỏi: “Liệu rằng đến khi nào, và mất bao nhiêu thời gian nữa, Việt Nam sẽ cho ra được những sản phẩm có nhãn hiệu xanh mà người tiêu dùng cứ thấy là mua không e ngại, giống như ở Úc, người ta có một đặc điểm nhận diện các sản phẩm sạch mà cứ có logo đó là người tiêu dùng sẵn sàng “móc túi” mua ngay mà không hề phải lo lắng rằng, sản phẩm đó có nguy hại gì đến sức khỏe hay không. Việt Nam chưa làm được như vậy”.

Tuy nhiên, ông Trường cũng thừa nhận một thực tế rằng, với mức thu nhập trung bình của người dân Việt Nam hiện nay, không phải ai cũng sẵn sàng bỏ ra một số tiền cao để trả cho một sản phẩm mà trên thị trường có nhiều sự lựa chọn với giá thấp hơn. Trong khi họ không biết sản phẩm đó có thật sự chất lượng, thực sự sạch hay không.

“Đây là những vấn đề mà DN đang hướng đến xây dựng thương hiệu xanh rất cần lưu tâm và phải có chiến lược rõ ràng”- ông Trường nhấn mạnh.

Như vậy, có thể thấy, lựa chọn giữa lợi nhuận và tăng trưởng xanh đang là bài toán đặt ra đối với nhiều DN, nhất là DN nhỏ và vừa.

Nhưng dù tốn tiền, tốn của, dù khó đến mấy thì giới chuyên gia vẫn đưa ra lời khuyên cho DN là phải lựa chọn tăng trưởng xanh bởi chiến lược tăng trưởng xanh là xu hướng tất yếu mà DN phải hướng đến nếu muốn tồn tại bền vững. Bởi, nếu không quan tâm ngay từ đầu đến sự phát triển xanh thì chúng ta sẽ phải trả giá đắt hơn nhiều so với sự tăng trưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao doanh nghiệp e dè đầu tư sạch?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO