Vì sao đơn thư khiếu nại tố cáo tăng?

H.Vũ 09/10/2020 07:44

Một trong những nguyên nhân của khiếu nại, tố cáo nhiều và kéo dài là do việc đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại tố cáo cũng như trách nhiệm tiếp công dân.

Thượng tôn pháp luật để hạn chế khiếu nại, tố cáo.

Tại kỳ họp thứ 10 tới, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020. Tuy nhiên hiện nay báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020 cho thấy, so với năm 2019, số lượt công dân đến các cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh giảm 4%, số lượt đoàn đông người giảm 17,7%. Tuy nhiên, tổng số đơn thư các loại (khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh) lại tăng 1,6%.

Theo Báo cáo của Chính phủ, so với năm 2019, số lượt công dân đến các cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh giảm 4%, số lượt đoàn đông người giảm 17,7%, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 11,5%. Tuy nhiên, tổng số đơn thư các loại (khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh) tăng 1,6%. Đặc biệt, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra như những năm trước song chưa được khắc phục triệt để.

Đơn cử như một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy định tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền còn chậm, có nhiều sai sót, nhất là ở cấp cơ sở. Cùng với đó, một số địa phương chưa tích cực rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng. Công tác phối hợp giải quyết trong một số trường hợp còn hạn chế, bất cập và thiếu chặt chẽ.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, nội dung khiếu nại, tố cáo vẫn chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đất đai tại một số địa phương, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ, tranh chấp hợp đồng mua bán nhà chung cư, bầu ban quản trị, quản lý sử dụng nhà chung cư, vi phạm trật tự xây dựng, công tác quy hoạch xây dựng nhất là ở một số thành phố phố lớn; mua bán nhà theo Nghị định 61/CP tại thành phố Hà Nội, và chế độ, chính sách của giáo viên tại Hà Nội, Đắk Lắk.

Từ thực tế công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020 đã đặt ra câu hổi tại sao số lượt công dân đến các cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh đã giảm song tổng số đơn thư các loại về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh lại tăng 1,6%?

Theo nhìn nhận của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Phải chăng là do việc thi hành pháp luật chưa nghiêm, kể cả việc xử lý những hành vi lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để cố tình khiếu nại, tố cáo sai, kích động, gây mất trật tự xã hội? Hay là do pháp luật chuyên ngành có nhiều sơ hở, bất cập ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước?

“Chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là ở cấp cơ sở, còn thấp. Theo Báo cáo của Chính phủ, kết quả giải quyết khiếu nại lần 2 có 27,8% quyết định giải quyết lần 1 phải sửa hoặc hủy. Kết quả giải quyết tố cáo tiếp cho thấy có 11,3% tố cáo tiếp là đúng và 23,5% tố cáo tiếp có đúng, có sai. Đây là tồn tại kéo dài đã nhiều năm, gây bức xúc cho người dân và là một trong các nguyên nhân dẫn đến gia tăng đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo sớm có giải pháp giải quyết tình trạng này” - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đặt vấn đề.

Qua quá trình thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020, ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, một trong những nguyên nhân của khiếu nại, tố cáo nhiều và kéo dài là do việc đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại tố cáo cũng như trách nhiệm tiếp công dân. Trách nhiệm của người đứng đầu là rất quan trọng, do đó cần có biện pháp xử lý đối với những nơi giải quyết khiếu nại tố cáo chưa chỉn chu.

Bà Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, thời gian tới cần tăng cường phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo giữa bên tiếp nhận đơn thư và bên xử lý giải quyết để kịp thời thông tin, phản hồi. Đồng thời cần đôn đốc giải quyết, đẩy mạnh cải cách hành chính trong giải quyết khiếu nại tố cáo, cũng như kiểm tra giám sát việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo kéo dài để có giải pháp cụ thể hơn. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tố cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao đơn thư khiếu nại tố cáo tăng?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO