Vì sao nhà máy xử lý chất thải không thể hoạt động?

PV 10/03/2017 08:35

Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại tại Ninh Hòa (Khánh Hòa) được đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Sau thời gian chạy thử thành công, được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chính thức cấp phép hoạt động vào ngày 31/5/2016. Thế nhưng, từ đó đến nay nhà máy hầu như không thể hoạt động được vì người dân địa phương liên tục phản đối, chặn xe, đánh nhân viên...

Nhiều đối tượng bôi chất bẩn và phá cửa kính, camera của nhà máy.

Được cấp phép vẫn không hoạt động được

Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại được Công ty CP Môi trường Khánh Hòa xây dựng trên địa bàn thôn Ninh Ích, xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), hoàn thành từ cuối năm 2015. Đây là nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại đầu tiên của tỉnh Khánh Hòa, được xây dựng trên diện tích 6 ha với tổng vốn đầu tư gần 137 tỷ đồng với công suất hoạt động 100 tấn/ngày.

Sau một thời gian chạy thử thành công, Bộ TN&MT đã lập 2 đoàn kiểm tra và tổ chức đánh giá tác động môi trường nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại với các kết quả đảm bảo theo quy định. Cuối tháng 5/2016, Bộ TN&MT quyết định cấp giấy phép hoạt động cho Công ty và có hiệu lực đến hết ngày 31/5/2019.

Theo Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa, nhà máy trang bị 2 lò đốt có mức nhiệt 800-1.200 độ C, khí thải đều được xử lý nhiều giai đoạn, phương tiện chuyên chở hiện đại, đúng chuẩn quy định. Sau khi nhà máy chạy thử nghiệm, Sở đã lấy mẫu khí thải, nước thải đều đạt tiêu chuẩn cho phép.

Tuy nhiên, từ đó đến nay công ty vẫn chưa thể đưa nhà máy vào hoạt động vì một số người dân liên tục phản đối, không cho nhà máy hoạt động vì sợ nhà máy gây ô nhiễm cho khu dân cư.

Công nhân, nhà máy liên tục bị đe dọa

Ông Hà Quang Hòa, Giám đốc Công ty CP Môi trường Khánh Hòa khẳng định: “Chúng tôi cam kết chịu trách nhiệm trước người dân, tổ chức hoạt động của nhà máy theo đúng giấy phép được Bộ TN&MT cấp, đúng quy định của pháp luật về môi trường và các yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, để chứng tỏ thiện chí của mình, công ty đã chủ động công khai tuyển 80% lao động làm việc tại công ty là người địa phương. Một mặt là tạo việc làm cho người dân địa phương, mặc khác, chúng tôi cũng để người dân tự giám sát hoạt động của nhà máy khi làm việc tại đây.

Tuy nhiên, trong quá trình vận hành thử nghiệm để đánh giá tác động môi trường của nhà máy, người dân nhiều lần tụ tập đông người để phản đối. Đỉnh điểm của vụ việc, vào đầu tháng 3, người dân địa phương đã tạm giữ chiếc xe chở rác vào nhà máy của Công ty CP Môi trường Khánh Hòa. Sau khi vụ việc xảy ra, UBND thị xã, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp, đối thoại để lắng nghe nguyện vọng của người dân và tìm hướng giải quyết. Thế nhưng, mọi việc đều chưa thể giải quyết được.

Trong những tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017, Công ty Cổ phần Môi trường Khánh Hòa liên tục có những lá đơn cầu cứu gửi đến các cấp chính quyền từ xã đến tỉnh để báo cáo về tình hình công nhân của nhà máy liên tục bị người dân chặn đánh, nhà máy liên tục bị phá hoại tài sản, thậm chí các chất bẩn nhất cũng được nhiều đối tượng ném vào nhà máy, nhà người dân có lao động làm việc tại công ty.

Và đỉnh điểm là vào hồi 13h10 ngày 15/12/2016 khi một nhóm công nhân trên đường đến công ty làm việc thì bị một số người dân có mang theo hung khí (rựa, cây gậy) bất ngờ chặn đường hành hung, xé áo và ném trứng thối, mắm thối, phân… vào nhóm công nhân này. Cụ thể, công nhân Nguyễn Thị Dung (sinh năm 1996) bị đánh vào mặt, cào xước mặt, cổ; bị tụ máu mắt phải, xé áo, ném vật bẩn; công nhân Nguyễn Thị Như Thoa (28 tuổi) bị túm tóc, cào xước cổ, ném vật bẩn, nhấn mặt xuống hố nước.

Tiếp theo, vào hồi 17h45 ngày 20/12/2016, một nhóm khoảng 20 người dân đến trước cổng công ty đập phá cửa kính phòng bảo vệ, ném đá, phân, nhớt, xác súc vật chết…vào công ty và ném trực tiếp vào nhân viên bảo vệ.

Vào ngày 13/1/2017, tại buổi đối thoại giữa chính quyền thị xã Ninh Hòa, doanh nghiệp với người dân do ông Trần Công Hoán, Bí thư Thị ủy Ninh Hòa chủ trì, một số người manh động đã ném các vật cứng như chai nước còn nguyên vào Bí thư Thị ủy và Chủ tịch UBND Thị xã, Giám đốc doanh nghiệp.

Ngày 13/2/2017, khi công ty cho Công nhân đi làm lại thì nhiều thanh niên đã đến tận công ty đe dọa đòi đánh công nhân. Công ty phải nhờ đến lực lượng công an hỗ trợ các công nhân này mới về được nhà. Chưa dừng lại ở đó, khi lực lượng công an rời khỏi nhà máy thì hàng chục người đã kéo đến đập phá nhà máy, ném chất bẩn vào bảo vệ, phá camera…

Theo đại diện của công ty, hiện tại các hợp đồng đã ký để xử lý rác tại khu vực thì phải đưa vào Bình Dương, ước tính thiệt hại hàng tháng của lên đến hơn 500 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao nhà máy xử lý chất thải không thể hoạt động?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO