Vì sao nước sông Đuống đắt hơn nước sông Đà?

Nguyên Khánh 13/11/2019 08:00

Giá nước của hai nhà máy nước mặt sông Đà và sông Đuống có sự chênh lệch là bởi nhiều yếu tố. Sở Tài chính có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, tính đúng, tính đủ các khoản phí để cấu thành nên giá nước theo nguyên tắc, đảm bảo quyền lợi của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Việt Hà cho biết như vậy tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều qua, 12/11.

Chưa cấp bù một đồng kinh phí nào

Ngay sau phần báo cáo về tiến độ dự án của công ty nước sạch sông Đuống của ông Võ Tuấn Anh - Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội, giới báo chí gửi hàng loạt câu hỏi liên quan đến việc tại sao giá nước sạch sông Đuống lại cao hơn mặt bằng giá nước sạch do các công ty khác sản xuất; tại sao mỗi năm TP Hà Nội phải trợ giá hàng trăm tỉ đồng cho các doanh nghiệp phân phối nước sạch cho Công ty nước mặt sông Đuống.

Về vấn đề này, ông Hoàng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, nhà máy nước mặt sông Đuống có công nghệ tiên tiến đến mức nước có thể uống được nước tại vòi. “Các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra để đảm bảo nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế”, ông Thắng nói.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến giá nước sạch tối đa của Nhà máy nước mặt sông Đuống tạm tính là 10.246 đồng/m2, ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội đưa ra hàng loạt văn bản liên quan, nhưng chốt lại với một ý là phải tính đúng, tính đủ theo quy định. Theo ông Hà, việc xác định giá nước sạch tạm tính tối đa nước mặt sông Đuống là 10.246 đồng/m2, trên nguyên tắc “tính đúng, tính đủ”. Cụ thể đó là: chi phí sản xuất, chi phí khấu hao, chí phí vay lãi, chi phí quản lý doanh nghiệp (tạm tính 5%), chi phí bán hàng (1%), chi phí thất thoát 18%, lợi nhuận định mức tối thiểu 5%. “Trên cơ sở tính toán của liên Bộ, thì nước sạch sông Đuống có giá tạm tính 10.246 đồng/m3. Mức này chỉ là mức tạm tính tối đa, còn mức cụ thể thì chỉ khi nào nhà máy đi vào hoạt động chính thức”, ông Hà nói.

Về thông tin hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho các doanh nghiệp phân phối nước sạch sông Đuống (do giá nước sạch sông Đuống cao hơn), ông Hà cho biết, đến thời điểm này chưa xác định được giá nước sạch sông Đuống (mới tạm tính giá) vì dự án chưa được quyết toán. “Cho nên TP chưa cấp bù một khoản kinh phí nào cho doanh nghiệp này và các đơn vị liên quan”, ông Hà khẳng định.

Liên quan đến thông tin, giá nước sạch sông Đuống bán buôn cao hơn giá bán lẻ, ông Hà thừa nhận nếu giá tạm tính (10.246 đồng) cao hơn giá bán lẻ hiện hành. “Chính vì vậy, chúng tôi đang tiến hành hiệp thương, theo nguyên tắc giá bán buôn không được phép cao hơn giá bán lẻ. Theo tính toán của liên ngành thì giá bán lẻ nước sách sông Đuống là hơn 9.000 đồng/m3; sau khi trừ đi phần hao hụt sẽ còn hơn 7.000 đồng/m3. Vì vậy, liên ngành báo cáo TP Hà Nội dự tính giá sau khi hiệp thương là 7.700 đồng/m3”, ông Hà nói thêm.

Vì sao giá nước sông Đuống cao hơn sông Đà?

Trả lời câu hỏi vì sao giá của nhà máy nước sạch sông Đuống lại cao hơn rất nhiều so với giá của nhà máy nước sạch sông Đà, đại diện sở Tài chính cho biết: Nguyên tắc tính giá của các nhà máy đều giống nhau, nhưng ở đây có các yếu tố khác nhau.

Thứ nhất, công nghệ đầu tư của 2 nhà máy rất khác nhau, dẫn đến suất đầu tư khác nhau. Cụ thể, năm 2009 nhà máy nước sạch sông Đà xây dựng nhà máy, nguyên giá tài sản khi đưa vào tính khấu hao của nhà máy này là hơn 1.500 tỷ đồng. Trong khi đó nhà máy nước sạch sông Đuống dùng công nghệ hiện đại hơn với tổng mức đầu tư là gần 5.000 tỷ. Trong khi đó, chất lượng nguồn nước thô có khác nhau, trong khi nhà máy nước sông Đà lấy nước từ hồ đầm Bài là hồ tự nhiên thì sông Đuống phải dẫn nước vào hồ lắng phía sau nhà máy và phù sa ở sông Đuống rất nhiều. Chỉ riêng tiền xử lý bùn thải cũng mất 1.000/m3 nước.

Về lãi vay ngân hàng, hiện nhà máy sông Đuống phải vay 80% tương đương với 3.998 tỷ, chỉ riêng khoản lãi vay này đã chiếm khoảng 20% trên tổng chi phí, tức là 2.003 đồng/m3 nước. Trong khi đó sông Đà không phải trả khoản lãi vay này nữa.

Về khấu hao tài sản cố định, nhà máy sông Đà chỉ còn 1.500 tỷ trong khi sông Đuống là 5.000 tỉ. Chỉ riêng khoản khấu hao này cũng chiếm tới 21% tổng chi phí. Cộng tất cả các khoản chi phí này chúng ta có thể lý giải vì sao giá nước của hai nhà máy này khác nhau, ông Hà nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao nước sông Đuống đắt hơn nước sông Đà?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO