Vì sao sản phẩm Việt bị ăn cắp thương hiệu?

07/07/2016 10:35

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi thị trường các nước rất nhiều nhưng chỉ dẫn địa lý vẫn chưa được thực hiện một cách rốt ráo. Tại thị trường EU, chỉ có sản phẩm nước mắm Phú Quốc được chỉ dẫn địa lý.

Vì sao sản phẩm Việt bị ăn cắp thương hiệu?

Nước mắm Phú Quốc là một trong những mặt hàng
đã được chỉ dẫn địa lý. (Ảnh: S. Xanh).

Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cảm thấy không yên tâm khi thời gian gần đây rộ lên chuyện nước mắm thương hiệu Phú Quốc lại dán mác “made in Thailand”. Trước đó là cà phê, kẹo dừa từng bị đánh cắp thương hiệu ở thị trường các nước vì thiếu sót trong đăng ký bảo hộ thương hiệu cũng như chỉ dẫn địa lý. Là chỉ dẫn địa lý đầu tiên được đăng kí bảo hộ tại thị trường EU, nước mắm Phú Quốc phải mất ròng rã 6 năm mới được EU chấp nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Theo bà Nguyễn Thị Tịnh - Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc, sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý việc quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc đã đạt được nhiều kết quả. Nhận thức của DN và người tiêu dùng cũng nâng lên rõ rệt. Hiện nước mắm Phú Quốc được bảo hộ trong nước và ở châu Âu. “Sắp tới phải thực hiện đăng ký ở các thị trường khác vì nước mắm Phú Quốc đang bị các DN nước ngoài lợi dụng, đăng ký ở các nước Thái Lan, Trung Quốc, Hồng Kông...”, bà Nguyễn Thị Tịnh thông tin kế hoạch phát triển chỉ dẫn địa lý.

Nhìn vào thực tế đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Việt, ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột nhận định, mặc dù cà phê Buôn Ma Thuột đăng ký bảo hộ tại 11/17 nước nhưng hoạt động bảo hộ cho sản phẩm vẫn còn nhiều khó khăn. Lý do, thiếu kinh phí thực hiện đánh giá chứng nhận, chưa được người tiêu dùng cuối cùng nhận biết và quảng bá xúc tiến thương mại trong, ngoài nước còn yếu… Ông Minh đề xuất, cơ quan quản lý cần hỗ trợ mở rộng phạm vi bảo hộ và đăng ký bảo hộ ngoài nước, hỗ trợ đánh giá chứng nhận, hỗ trợ việc thành lập quỹ phát triển ngành cà phê… “Hội nhập đến gần, thị trường rộng lớn, cạnh tranh gay gắt mà hàng hóa có bảo hộ hay chỉ dẫn địa lý lèo tèo thì không ổn. Thị trường xuất khẩu EU rộng lớn là thế nhưng chỉ có một sản phẩm duy nhất được chỉ dẫn địa lý tại thị trường này, đó là nước mắm Phú Quốc”, ông Lê Ngọc Lân quan ngại.

Thiếu chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm xuất khẩu, bản thân sản phẩm tiêu thụ trong nước cũng không được chú trọng. Đơn cử, mặc dù sản xuất ra mặt hàng chất lượng như nho Ninh Thuận song người dân chưa bao giờ nghĩ đến việc làm chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm trên. Tâm lý của người dân, nho được bán đi cho người buôn nên không quan tâm lắm về chất lượng hay sản phẩm sẽ đi về đâu? Không cần gắn dấu hiệu nhận diện và truy xuất nguồn gốc. Ông Đào Đức Huấn, Trung tâm phát triển nông thôn Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn cho biết, năm 2001 chỉ có sản phẩm nước mắm Phú Quốc đăng ký chỉ dẫn địa lý. 15 năm qua, Việt Nam tập trung xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý như một công cụ trong bảo hộ nông sản trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế. Tính đến ngày 30/5/2016, cả nước có 43 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ. Có 32/62 tỉnh thành phố có chỉ dẫn địa lý, trong đó có 8 tỉnh, thành phố có từ 2 chỉ dẫn địa lý trở lên. “Cần xem xét kết quả trong 10 năm qua về chỉ dẫn địa lý để có những điều chỉnh cho phù hợp”, ông Đào Đức Huấn.

Theo ông Lê Ngọc Lâm, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy du lịch địa phương. Hơn nữa, nếu sản phẩm thương hiệu Việt không được chuẩn hóa khó đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng khi cần truy xuất nguồn gốc, cũng tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm. Yêu cầu và hiệu quả của chỉ dẫn địa lý là thế song việc xây dựng chỉ dẫn địa lý vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong những năm qua, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cùng với các địa phương trong cả nước thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ việc đăng ký bảo hộ cũng như khai thác các chỉ dẫn địa lý, tuy nhiên việc khai thác và kiểm soát chỉ dẫn địa lý còn nhiều tồn tại. Không ít ý kiến cho rằng, khó khăn hiện nay là thiếu một cơ sở pháp lý chung trong quản lý nên khi nhìn vào mô hình thấy bí và khó.

Ngoài ra, còn thiếu cơ sở pháp lý trong kiểm soát chỉ dẫn địa lý. Theo ông Đào Đức Huấn, cần thay đổi mạnh mẽ hình thức đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa. Đặc biệt, rất cần sự hỗ trợ của nhà nước cũng như những kinh phí thường xuyên.

Thanh Giang

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao sản phẩm Việt bị ăn cắp thương hiệu?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO