Vì sao tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Pháp suy giảm ghê gớm?

21/08/2017 09:30

Ở nhiều quốc gia, vị tân Tổng thống 39 tuổi của Pháp vẫn là một hình tượng lãnh đạo trẻ tuổi, một chính trị gia trỗi dậy từ tâm bão Brexit và là người xoa dịu được Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhưng ở Pháp, người từng đắc cử với số phiếu áp đảo hồi tháng 5 vừa qua lại đang chứng kiến tỷ lệ ủng hộ mình sụt giảm ghê gớm, và rất nhanh.

Sau 3 tháng cầm quyền, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Emmanuel Macron đã giảm ghê gớm. (Nguồn: AFP).

Thiếu kinh nghiệm

Giới phân tích nhận định rằng nếu xét về kỳ vọng quá cao mà người dân đặt vào Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì việc sụt giảm tín nhiệm là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, hiện nay mức giảm này đã ở mức khá nguy hiểm.

Theo kết quả thăm dò mới nhất mà hãng YouGov công bố, chỉ có 36% người dân Pháp ủng hộ Tổng thống Macron, gần như bằng với tỷ lệ người dân Mỹ ủng hộ Tổng thống Donald Trump. Trong khi, thăm dò công bố hôm 7/5 vừa qua cho thấy có tới 66% cử tri ủng hộ ông.

Sự giảm sút tín nhiệm nghiêm trọng không khỏi khiến người ta đặt ra các câu hỏi liên quan tới khả năng vận hành của đảng chính trị mới được thành lập của Tổng thống Macron và cả các đề xuất cải cách kinh tế đầy tham vọng mà ông từng đưa ra.

Ông Antoni Minniti, giám đốc nghiên cứu tại YouGov chi nhánh Pháp, đã đưa ra một số nhân tố có thể đã khiến cho tỷ lệ ủng hộ của ông Macron giảm sút, trong đó có việc ứng xử thiếu tôn trọng của Tổng thống đối với quân đội Pháp và sự thiếu kinh nghiệm cũng như kỷ luật mà các thành viên trong đảng của ông đã thể hiện.

Một số nhà nghiên cứu khác thì cho rằng tỷ lệ ủng hộ sụt giảm là do hệ thống chính phủ của nước Pháp, trong đó Tổng thống hiện đang nắm quyền lực áp đảo hơn so với nhiều người đồng cấp ở châu Âu - trong đó có cả quyền lực giải tán Quốc hội. Bởi vậy mà Tổng thống Pháp sẽ nhận được rất nhiều sự ủng hộ khi có điều lành nhưng cũng hứng tất cả cáo buộc khi gặp điều dữ.

Mới được thành lập hồi năm ngoái, đảng của ông Macron - Tiến bước - là một thế lực mới trong chính trường Pháp. Trong lúc ông Macron thu hút báo chí vì thành lập nên một liên minh đại biểu đa dạng - trong đó gồm cả phụ nữ, đàn ông thuộc nhiều ngành nghề khác nhau - thì sau đó lại khiến cho phiên họp gần đây nhất của Quốc hội trở nên hỗn loạn và đấu đá nội bộ do thiếu kinh nghiệm.

Còn đối với nhiều người khác, chính tính cách của Tổng thống Macron đã khiến người dân không còn muốn ủng hộ ông.

Không gần gũi công chúng

Trong 3 tháng cầm quyền, vị lãnh đạo mới của Pháp tỏ ra không muốn tham gia các cuộc phỏng vấn, mà thường đưa ra các bài phát biểu dài tại Điện Versailles, biểu tượng của chế độ quân chủ trong lịch sử, và điều này khiến hình ảnh ông trước công chúng không hề tốt.

Theo hãng thăm dò Ifop có trụ sở tại Paris, nếu xét trong 3 tháng đầu cầm quyền thì ông Macron thậm chí còn nhận được ít sự ủng hộ hơn cả những người tiền nhiệm của mình như Francois Hollande, Nicolas Sarcozy và Juaques Chirac.

Gần đây nhất, một đề xuất mà ông Macron đưa ra để giúp vợ ông, bà Brigitte Macron, nhận được danh hiệu Đệ nhất Phu nhân "chính thức" - danh hiệu sẽ cần có một nguồn ngân sách riêng để hoạt động - đã bị người dân Pháp ngăn chặn thông qua một thỉnh cầu thư có 300.000 chữ ký trên Internet. Điều này khiến bà Brigitte, trong một buổi phỏng vấn với tạp chí Elle mới đây, đã phải tuyên bố sẽ chỉ nhận danh hiệu không chính thức.

Cách ứng xử "kiểu ông trùm" của ông Macron đối với quân đội Pháp dường như cũng khiến ông trở nên xấu xí hơn.

Sau lễ tuyên thệ của mình, vị Tổng thống mới này đã nhanh chóng xem xét lại ngân sách cho quốc phòng, một động thái được dự báo trước bởi từng là cam kết của ông trong lúc tranh cử. Dù hứa hẹn sẽ tăng ngân sách cho quân đội trong năm tới, nhưng ông Macron vẫn tiếp tục thực thi kế hoạch cắt giảm gần 1 tỷ USD trong ngân sách quốc phòng 2017.

Con số này rất nhỏ so với tổng ngân sách quốc phòng thường niên của Pháp, 37 tỷ USD, nhưng nó là bị coi là bước lùi trong nỗ lực chống khủng bố của Pháp ở trong và ngoài nước. Bởi vậy mà quyết định của ông Macron bị giới chức quân sự nước này coi là "phản bội". Hồi giữa tháng 7 vừa qua, vị tướng kỳ cựu của Pháp, Pierre de Villiers, đã từ chức.

Ngoài tranh cãi về ngân sách, các chính trị gia bảo thủ cùng những người ủng hộ quân đội Pháp cũng phản đối điều mà họ xem là cách thức phi ngoại giao mà ông Macron đưa ra để bảo vệ quyết định của mình. Vị Tổng thống trẻ - người chưa từng phục vụ trong quân ngũ - đã phớt lờ phản ứng từ quân đội Pháp, nói với họ trong một bài phát biểu trước công chúng hồi tháng trước rằng "Tôi là sếp của các bạn".

Ông Sudhir Hazareesingh, chuyên gia nghiên cứu chính trị Pháp tại ĐH Oxford, thì nói rằng ông Macron thiếu sự minh bạch và đó là vấn đề về quan hệ công chúng lớn nhất của ông.

"Ông ấy áp dụng một chiến lược rất rõ ràng, đó là không nói chuyện với báo chí" - ông Hazareesingh nói, thêm rằng từ trước đến nay ông Macron thường chỉ thích xuất hiện trước các vị lãnh đạo thế giới hay ngôi sao ca nhạc, hơn là với người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Pháp suy giảm ghê gớm?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO