Vị thế - Khát vọng vùng di sản

Nguyễn Chung 05/04/2017 22:05

Nằm trong chuỗi các sự kiện chào mừng kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Ninh Bình, hướng tới kỷ niệm 1050 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lập nên Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầy đủ đầu tiên của Việt Nam, tối ngày 5/4 (nhằm ngày 9/3 Âm lịch), tại khu Di tích Cố đô Hoa Lư, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình trọng thể tổ chức Lễ hội Hoa Lư 2017, với chủ đề “Khát vọng Ninh Bình”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tham dự lễ hội; Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi lẳng hoa chúc mừng; lãnh đạo thuộc các bộ, ban, ngành, địa phương và du khách thập phương đã nô nức về dự ngày khai hội.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đánh trống khai hội.

Người đất Ninh Bình có câu ca dao: “Dù ai xuôi ngược trăm miền/Tháng Ba mở hội Trường Yên thì về”. Và cứ mỗi dịp hoa gạo đỏ trời tháng Ba, như một lời hẹn ước với tiền nhân, nguồn cội, những người con Ninh Bình ở khắp mọi miền Tổ quốc, dẫu bận trăm công nghìn việc cũng gác lại, lại náo nức trở về trảy hội.

Sử sách xưa ghi chép cho thấy: Cách đây 1.049 năm, trên mảnh đất Trường Yên, Đinh Bộ Lĩnh đã hoàn thành sứ mệnh thống nhất 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế, lập nên nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của nước ta, chọn Hoa Lư làm kinh đô, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu là Thái Bình, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử về đấu tranh dựng và giữ nước của dân tộc, kỷ nguyên độc lập tự chủ sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc.

Kế tục sự nghiệp huy hoàng của nhà Đinh, vua Lê Đại Hành và triều đại nhà Lê đã cùng quân dân cả nước phá Tống, bình Chiêm xây dựng nước Đại Cồ Việt thành một quốc gia hưng thịnh. Cũng tại mảnh đất thiêng liêng này, năm Canh Tuất 1010, vua Lý Thái Tổ đã tuyên chiếu dời đô về Đại La tạo ra vận hội mới cho quá trình xây dựng và phát triển dất nước. Từ đây, kinh đô Hoa Lư hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình là nơi phát trích các triều dại phong kiến Việt Nam.

Qua bao biến thiên của đất trời cùng những thăng trầm của lịch sử dân tộc, kinh thành Hoa Lư xưa với cung vàng điện ngọc, nay chỉ còn dấu tích của tường thành, cung điện cùng những cổ vật quý giá được khai quật từ lòng đất nhưng linh khí chốn kinh kỳ vẫn con lưu lại trong không gian trầm tĩnh uy linh của vùng đất Ninh Bình, làm nên nét văn hóa đặc sắc trong đời sống sinh hoạt, trong nếp nghĩ, cách làm của vùng đất cố đô lịch sử.

Sử sách đã minh chứng lễ hội Hoa Lư, lễ hội Trường Yên trước đây là một hoạt động văn hóa, được người dân Ninh Bình tổ chức từ hàng ngàn năm nay nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Đinh Tiên Hoàng Đế và các bậc tiền nhân. Trong suốt bao thế kỷ, lễ hội Hoa Lư được các vương triều phong kiến Việt Nam coi như lễ trọng. Ngày diễn ra lễ hội Hoa Lư, kinh thành Thăng Long hay kinh thành Huế đều cử các vị quan đại thần về cố đô Hoa Lư tham dự và làm chủ tế. Trải qua thời gian, lễ hội trở thành văn hóa tinh thần không thể thiếu của người dân cố đô nói riêng và cả nước nói chung.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, do hoàn cảnh khó khăn, lễ hội Hoa Lư không được tổ chức thường xuyên. Những năm sau thống nhất đất nước, lễ hội được tổ chức đều đặn thường niên cho đến nay nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp, khẳng định vị trí vai trò to lớn của nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình phát triển lịch sử dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống lịch sử, đồng thời thể hiện lòng thành kính và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân các bậc tiên đế, tiền nhân dã có công dựng nước và giữ nước, thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong cội nguồn văn hóa dân gian Việt Nam.

Với những giá trị tiêu biểu, trường tồn, Cố đô Hoa Lư đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt, Lễ hội Hoa Lư được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, Cột Kinh vật chùa Nhất Trụ được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Đặc biệt Cố đô Hoa Lư còn là một trong ba khu hợp thành quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Tất cả những giá trị tốt đẹp đó góp phần khẳng định bản sắc văn hóa lễ hội Hoa Lư nói riêng và văn hóa Trường Yên - Hoa Lư trong nền văn hóa dân tộc.

Đông đảo du khách thập phương về dự lễ hội Hoa Lư 2017.

Trong diễn văn khai mạc lễ hội Hoa Lư 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Điến khẳng định: Trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Ninh Bình luôn trân trọng tự hào, không ngừng gìn giữ phát huy những giá trị đó, làm cho vùng đất cố đô Hoa Lư luôn sống mãi với thời gian và lịch sử.

Tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang của cha ông, những năm qua Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình đã tích cực phấn đấu, đưa Ninh Bình từ một tỉnh chậm phát triển trở thành một tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế nhanh trong khu vực đồng bằng Bắc bộ. Văn hóa xã hội phát triển, quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, những tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là văn hóa lịch sử và cảnh quan thiên nhiên đang được bảo tồn phát huy phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội và đưa du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, để Ninh Bình, phát triển nhanh, bền vững xứng danh với bề dày lịch sử đất kinh kỳ.

Gìn giữ và phát huy nét đẹp lễ hội Hoa Lư là gìn giữ hồn thiêng non nước mảnh đất cố đô ngàn năm, hướng tới kỷ niệm 1.050 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, thành lập nên nhà nước Đại Cồ Việt vào năm 2018, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình luôn trân trọng, tự hào và tạo mọi điều kiện để lễ hội diễn ra trang trọng, vui tươi, an lành, thức sự trở thành sinh hoạt tinh thần giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Có thể thấy, trong bối cảnh hiện tại, khi việc tổ chức lễ hội tại nhiều địa phương trong cả nước còn bộc lộ những bất cập thì Lễ hội Hoa Lư vẫn thể hiện được yếu tố bản sắc văn hóa khá đậm nét là một điều đáng mừng. Cũng chính điều đó mà Lễ hội Hoa Lư ngày càng trở nên quyến rũ trong mắt du khách, lưu lượng khách du lịch đến với Lễ hội Hoa Lư ngày một gia tăng. Và chính những yếu tố thuộc về bản sắc, những điều kiện về địa lý, lịch sử, văn hóa và tài nguyên về nhân văn là động lực, là thỏi nam châm thu hút mọi người đến với Ninh Bình.

Ngay sau diễn văn khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh trống khai hội.

Màn sân khấu nghệ thuật đặc sắc, tái hiện lịch sử hào hùng
dựng và giữ nước của hoàng đế Đinh Bộ Lĩnh.

Sau phần lễ, chương trình nghệ thuật chào mừng với chủ đề “Khát vọng Ninh Bình”, gồm 3 chương: Chương I: Cờ lau tập trận - Thống nhất giang san; Chương II: Đăng quang Hoàng Đế - Đất nước thái bình và chương III: Ninh Bình miền di sản - Vững bước tương lai. Bao gồm các tiết mục ca - múa - nhạc, các hoạt cảnh, màn biểu diễn văn hóa, văn nghệ dựng lại quá trình hình thành và thu phục các sứ quân thống nhất giang sơn, đăng quang Hoàng đế của vua Đinh Tiên Hoàng; ca ngợi quê hương, đất nước thái bình, no đủ, vui tươi…

Lễ hội Hoa Lư 2017, được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 5/4 đến ngày 7/4/2017 (tức ngày 9/3 đến ngày 11/3 Âm lịch). Riêng lễ mở cửa đền, lễ dâng hương và tế cửu khúc được thực hiện trong ngày 4/4/2017 (ngày 8/3 Âm lịch).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vị thế - Khát vọng vùng di sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO