Việc lập danh sách người ứng cử cần đảm bảo tính chính xác

Việt Thắng 22/03/2021 15:26

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia đề nghị, hướng tới Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, việc lập danh sách người ứng cử cần đảm bảo tính chính xác, tránh sự nhầm lẫn.

Sáng ngày 22/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia đã chủ trì phiên họp thứ 4 của Hội đồng bầu cử quốc gia.

Dự và phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia đánh giá cao công tác chuẩn bị các báo cáo, tờ trình tại phiên họp.

Đồng thời nhấn mạnh thời gian qua, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đảm bảo đúng luật, đúng nhiệm vụ được phân công, đúng tiến độ.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, Hội nghị hiệp thương lần thứ hai đều có sự tham dự của các thành viên trong Hội đồng Bầu cử quốc gia và trả lời nhiều vấn đề đại biểu quan tâm.

Từ những vấn đề được giải đáp, các cụ, các vị, các đồng chí trong Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã thống nhất 100% biểu quyết bằng hình thức giơ tay đối với các nội dung trình xin ý kiến tại Hội nghị.

Hướng tới Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị việc lập danh sách người ứng cử cần đảm bảo tính chính xác, tránh sự nhầm lẫn về tên tuổi, chức vụ, trình độ, quá trình công tác để cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu đầy đủ nhất cho đại biểu dự họp theo quy định của pháp luật.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để nhân dân nắm được quyền và trách nhiệm của mình, tạo không khí dân chủ trong toàn dân đối với cuộc bầu cử và tạo khí thế để ngày bầu cử thực sự là “Ngày hội của toàn dân”.

“MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi, cập nhật tình hình triển khai trong toàn quốc; hướng dẫn, giải đáp về công tác bầu cử; Hướng dẫn và thực hiện quy trình lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú; Theo dõi việc xác minh các vụ việc do cử tri nêu đối với công tác bầu cử; đồng thời triển khai các Đoànkiểm tra, giám sát công tácbầu cử tại các địa phương và tổ chức thành công Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở Trung ương” - Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thông tin.

Bày tỏ quan điểm đồng tình với phát biểu của Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia cho rằng: Công tác tổ chức bầu cử trong phạm vi cả nước đã và đang được triển khai đúng pháp luật, bảo đảm tiến độ đề ra, chưa phát sinh vấn đề ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.

Qua 5 đoàn kiểm tra, giám của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử quốc gia tại các địa phương cho thấy, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan tổ chức ở các địa phương này đã trách nhiệm, thực hiện rất tốt công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử, theo đúng quy định của Trung ương.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần quan tâm xây dựng kịch bản về phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm và tổ chức bầu cử tại các khu vực cách ly do dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho người dân thực hiện quyền bầu cử, kể cả những người thuộc đối tượng phải cách ly. Có đối sách phòng, chống các hoạt động xuyên tạc, phá hoạt bầu cử, gây rối an ninh trật tự. Làm tốt công tác phòng, chống cháy nổ trước, trong và sau ngày bầu cử. Quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, công khai, minh bạch.

Liên quan đến việc bầu cử sớm tại một số địa phương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia thông báo cho các địa phương có nhu cầu để đăng ký, trình Hội đồng Bầu cử quốc gia xem xét, quyết định.

Theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, cần quan tâm giải quyết những vấn đề khiếu nại tố cáo liên quan đến bầu cử cũng như đảm bảo an ninh an toàn cho cuộc bầu cử. Khi dịch bệnh vẫn đang diễn ra cần kịch bản bầu cử tại các khu cách ly để người cách ly được bầu cử bảo đảm quyền bầu cử của người dân tại khu cách ly, và bầu cử sớm tại những nơi hải đảo.

Bà Thịnh cũng đề nghị cần lưu ý trong phân bổ đại biểu, tránh việc có đại phương ai cũng muốn về, còn nơi không ai muốn về là chưa đảm bảo công bằng.

Trước đó, báo cáo tại phiên họp, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia cho biết, tính đến 17h ngày 14/3/2021, sơ bộ đã nhận được 1.136 hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, trong đó có 1.060 hồ sơ của người ứng cử do các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu và 76 hồ sơ tự ứng cử.

Sau khi kết thúc thời gian nhận hồ sơ, Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố đã chuyển và bàn giao hồ sơ những người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV về Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Nhìn chung, hồ sơ của những người ứng cử đại biểu Quốc hội đều bảo đảm kê khai theo đúng quy định, tuy nhiên cũng có một số hồ sơ kê khai còn thiếu thông tin hoặc chưa đầy đủ đã được hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện theo đúng quy định.

Về bầu cử đại biểu HĐND, theo thông tin sơ bộ, Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố đã nhận được 7.495 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, trong đó, có 7.448 hồ sơ của người ứng cử được các cơ quan nhà nước, tổ chức giới thiệu và 47 hồ sơ tự ứng cử.

Trong khi đó, báo cáo tại phiên họp, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, tính đến ngày 19/3/2021, UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ban Thường trực UBMTTQ các cấp đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và ứng cử đại biểu HĐND các cấp.

Theo đó, tổng số người ứng cử Đại biểu Quốc hội là 1.084 người, trong đó có 205 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu, 803 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu, 76 người tự ứng cử, đạt tỷ lệ bình quân 2,17 lần so với tổng số Đại biểu Quốc hội được bầu.

Tại phiên họp với 100% đại biểu tán thành, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã thông qua 2 Nghị quyết gồm: Nghị quyết hướng dẫn xử lý trường hợp khuyết người ứng cử đại biểu HĐND vì lý do bất khả kháng; và Nghị quyết nguyên tắc phân bổ người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở Trung ương về ứng cử tại địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Việc lập danh sách người ứng cử cần đảm bảo tính chính xác

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO