Việc thu hồi đất DA Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (Bình Thuận): Xem xét kỹ, không để người dân thiệt thòi

Hải Lộng 14/10/2017 08:10

Báo Đại Đoàn Kết đã có bài viết nêu khiếu nại của bạn đọc xung quanh việc bồi thường liên quan đến Dự án tuyến kênh chính đập dâng Tân Mỹ (Ninh Thuận). Ông Lê Châu Chính, một trong những hộ dân có diện tích đất lớn tại dự án bị thu hồi nhưng không được bồi thường.

Vừa qua, Báo Đại Đoàn kết đã nhận được Văn bản số 1519/STTTT-BCXB ngày 26-9-2017 của Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Thuận, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Ninh Sơn đã tiến hành kiểm tra, rà soát vấn đề báo nêu.

Theo đó, báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, về nội dung xác nhận nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất: “Khi triển khai thực hiện dự án, UBND huyện Ninh Sơn đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn Quảng Sơn, Mỹ Sơn, Tân Sơn thực hiện việc xác nhận nguồn gốc sử dụng đất của các hộ theo đúng trình tự thủ tục quy định. Việc xác nhận nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất của các hộ tại vị trí thực hiện dự án được tiến hành khách quan, dân chủ thông qua Hội đồng tư vấn đất đai của xã và thị trấn”.

Về vấn đề đất trang trại: “Căn cứ Khoản 3, Điều 82 Luật Đất đai 2003 quy định: “Hộ gia đình cá nhân sử dụng đất làm kinh tế trang trại được chủ động chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất theo phương án sản xuất, kinh doanh đã được UBND huyện quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh xét duyệt”.

Quá trình sử dụng đất, ông Chính không có đơn xin chuyển đổi phương án quản lý sử dụng rừng (do ông Lê Châu Chính lập, kèm theo Quyết định số 31/QĐKT-UB ngày 24/2/1998) đề nghị UBND huyện phê duyệt. Các công văn số 313/SNNPTNT và công văn số 279/SNNPTNT của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh có nội dung thống nhất Dự án của ông Lê Châu Chính lập, đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan chức năng xét duyệt cho vay vốn, để ông Chính có điều kiện về tài chính thực hiện Dự án Trang trại VACR trong thời gian tới. Do vậy, 2 văn bản của Sở NN&PTNT không phải là văn bản công nhận ông Lê Châu Chính đã có trang trại. Mặt khác, theo quy định của pháp luật, việc cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện”…

Theo văn bản nói trên, thì khiếu nại của công dân, yêu cầu bồi thường là không có cơ sở. Tuy nhiên, cũng cần xem xét thêm về nội dung vấn đề khiếu nại: Năm 1998, UBND huyện Ninh Sơn có Quyết định số 31/QĐ-KTUB ngày 24/2/1998 về việc giao đất sản xuất lâm nghiệp cho gia đình ông Chính với diện tích 927.700 m2 (với thời hạn 50 năm). Gia đình khai hoang thêm 2 ha. Tổng diện tích gia đình quản lý, sử dụng là 947.700 m2.

Năm 2000, ông Chính đã lập phương án xin chuyển đổi 947.700 m2 đất sang đất trang trại VACR (Vườn- ao- chuồng- rừng) và gửi các cấp, ngành phê duyệt vay vốn đầu tư, đã được Phòng Kinh tế Huyện Ninh Sơn và Chủ tịch UBND Huyện Ninh Sơn phê duyệt.

Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận cũng có công văn số 313/SNNPTNT - KH ngày 13/7/2000 v/v thẩm định dự án vay vốn lập trang trại VACR, trồng cây ăn quả; Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận có văn bản số 489/SKHĐT ngày 29/9/2000 giới thiệu liên hệ qũy hỗ trợ và phát triển làm thủ tục vay vốn. Giám đốc Sở NN&PTNT Tỉnh Ninh Thuận có công văn số 279/SNNPTNT – NN ngày 17-5-2001 v/v xác nhận phương án kinh tế trang trại...

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 69/2000 TTLB/ BNNPTNT-TCTK ngày 23/6/2000 hướng dẫn tiêu chí để xác định kinh tế trang trại thì thẩm quyền công nhận trang trại khi ấy thuộc Sở NN&PTNT. Chỉ đến năm 2011, Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT mới quy định Chủ tịch UBND huyện cấp giấy phép.

Mặt khác, theo Quyết định số 241/2007/QĐ-UBND ngày 14/9/2007 của UBND tỉnh Ninh Thuận, vùng đất nói trên đã được đưa ra khỏi 3 loại rừng. Công văn số 636/CCKL-QLBVR ngày 13/9/2012 của Chi cục Kiểm lâm Tỉnh Ninh Thuận cũng khẳng định “Đất của ông Lê Châu Chính đã đưa ra ngoài ba loại rừng, có sơ đồ và tọa độ X, Y”……

Do vậy việc thiếu các văn bản cụ thể liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển phương án bảo vệ rừng, sản xuất lâm nghiệp sang kinh tế trang trại,.. nếu có, chỉ là những sai sót mang tính thủ tục. Như số báo trước đó, chúng tôi đã nêu “Lỗi tại chính quyền, dân lãnh đủ”.

Ông Võ Đình Vinh - Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn, cũng công nhận toàn bộ diện tích đất của gia đình ông Lê Châu Chính nơi dự án đi qua không nằm trong 3 loại rừng.

Về vấn đề trên, mới đây tại kết luận Thanh tra việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Ninh Sơn (số 3434 ngày 18/8/2017), Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận có ghi rõ: “Tại thị trấn Tân Sơn cũng không có bản đồ quy hoạch 3 loại rừng cấp xã và trên bản đồ quy hoạch 3 loại rừng cấp huyện thể hiện thị trấn Tân Sơn không có quy hoạch rừng phòng hộ.

Tuy nhiên, trên biểu thống kê (3b) vẫn thể hiện rừng trồng và quy hoạch rừng phòng hộ, diện tích là 63,8 ha, năm 2013 Chi cục Kiểm lâm đã kiểm tra và xác định thị trấn Tân Sơn không có rừng trồng. Qua xác minh, toàn bộ khu vực trên đã được UBND huyện Ninh Sơn giao đất lâm nghiệp cho hộ ông Lê Châu Chính từ năm 1998”.

Theo các hộ dân ở đây, trong đó có gia đình ông Chính, họ sẵn sàng chấp hành và bàn giao mặt bằng, để đảm bảo thi công Dự án đúng tiến độ. Song họ chỉ mong các cấp chính quyền và chủ dự án xem xét về việc hỗ trợ đền bù theo đúng quy định của pháp luật…để họ đỡ thiệt thòi. UBND tỉnh Ninh Thuận cùng các ban ngành rất nên xem xét kỹ để có cái nhìn khách quan, chính xác, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Việc thu hồi đất DA Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (Bình Thuận): Xem xét kỹ, không để người dân thiệt thòi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO