Viêm não Nhật Bản vào mùa cao điểm

Đức Trân 29/06/2019 06:37

Viêm não Nhật Bản (VNNB) diễn ra quanh năm, nhưng cao điểm từ tháng 5 đến tháng 9. VNNB được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (từ 25-35%). Ghi nhận tại các bệnh viện, thời gian qua bệnh nhân nhập viện do VNNB đang có xu hướng gia tăng.

Viêm não Nhật Bản vào mùa cao điểm

Không chủ quan với bệnh viêm não Nhật Bản.

Đối tượng nào?

TS.BS Đỗ Thiện Hải - Phó khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, trong khoảng 1 tháng qua khoa ghi nhận khoảng 20 ca VNNB nhập viện điều trị. Theo BS Hải, đa phần các ca nhập viện đều trong tình trạng nặng, thậm chí có những trẻ bị biến chứng vận động, biến chứng thần kinh mất ý thức hoàn toàn. Nguyên nhân được BS Hải đưa ra là do phụ huynh thường quên lịch tiêm nhắc lại vắc xin VNNB cho con, đồng thời đưa đến viện khi đã trong giai đoạn tiến triển nặng. VNNB là bệnh cấp tính lây truyền qua đường máu do vi rút VNNB gây nên.

Ở Việt Nam, loại muỗi Culex tritaeniorhynchus sinh sản mạnh vào mùa hè (nhất là từ tháng 3 đến tháng 7), hoạt động mạnh vào lúc chập tối. Loại muỗi này có mật độ cao ở vùng đồng bằng và trung du và là trung gian chủ yếu truyền bệnh VNNB ở nước ta. Ông Đào Hữu Thân - Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội) cho biết, VNNB là bệnh nhiễm virus cấp tính làm tổn thương hệ thần kinh trung ương (não bộ).

Bệnh được ghi nhận lần đầu tiên tại Nhật Bản năm 1871 và tại Việt Nam vào năm 1952. Hằng năm, có khoảng 2.000-3.000 trường hợp mắc bệnh, trong đó có nhiều trường hợp tử vong.

Tuy nhiên, kể từ năm 1997 đến nay, số ca mắc hằng năm giảm xuống đáng kể, chỉ ghi nhận từ vài chục ca đến tối đa vài trăm ca. Mặc dù vậy đây vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với nhóm đối tượng dễ mắc bệnh tập trung chủ yếu ở trẻ từ 1-5 tuổi.

VNNB thường khởi phát rất đột ngột với triệu chứng sốt cao 39 độ C hoặc hơn. Trong thời kỳ này, bệnh nhân đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Ngay trong 1 -2 ngày đầu của bệnh, bệnh nhi đã xuất hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn sự vận động nhãn cầu, lú lẫn hoặc mất ý thức. Ở một số trẻ nhỏ tuổi, ngoài sốt cao có thể thấy đi ngoài phân lỏng, đau bụng, nôn.

Thời kỳ toàn phát vi rút sẽ xâm nhập vào tế bào não tủy gây hủy hoại các tế bào thần kinh. Bước sang thời kỳ toàn phát, các triệu chứng không giảm mà lại tăng lên, bệnh nhân đi vào hôn mê sâu dần. Các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật cũng tăng lên như vã nhiều mồ hôi, da lúc đỏ, lúc tái, rối loạn nhịp thở và tăng tiết trong lòng khí quản, mạch thường nhanh và yếu. Thời kỳ toàn phát diễn ra ngắn, bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê sâu với rối loạn các chức năng sống.

Những bệnh nhân vượt qua được thời kỳ này thì tiên lượng tốt hơn. Bước sang tuần thứ 2 của bệnh, bệnh nhân đỡ dần, nhiệt độ giảm từ sốt cao xuống sốt nhẹ. Vào khoảng ngày thứ 10 trở đi, nhiệt độ bệnh nhân trở về bình thường nếu không có bội nhiễm vi khuẩn khác. Bệnh nhân từ hôn mê dần dần tỉnh, không còn những cơn co cứng, bệnh nhân hết nôn và đau đầu.

Bệnh nhân có thể xuất hiện những biến chứng sớm như: viêm phế quản, viêm phổi hoặc viêm phế quản – phổi do bội nhiễm hoặc viêm bể thận, bàng quang do thông tiểu hoặc đặt sonde dẫn lưu; loét và viêm tắc tĩnh mạch do nằm lâu và rối loạn dinh dưỡng. Những di chứng sớm có thể gặp là bại hoặc liệt nửa người, mất ngôn ngữ, múa giật, múa vờn, rối loạn phối hợp vận động, giảm trí nhớ nghiêm trọng, rối loạn tâm thần, vận động.

Tiêm vắc xin phòng bệnh

Theo các chuyên gia tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, để phòng, chống VNNB, biện pháp đặc hiệu là tiêm chủng vắc xin phòng VNNB với 3 liều cơ bản: Mũi 1 tiêm lúc trẻ được 1 tuổi; mũi 2 tiêm sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó, cứ 3 năm tiêm nhắc lại 1 lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Ngoài ra, hiện nay trên thị trường còn có vắc xin phòng VNNB thế hệ mới hơn có thể tiêm cho trẻ từ đủ 9 tháng tuổi trở lên và số lượng mũi tiêm giảm đi (chỉ cần tiêm 1-2 mũi). Các chế phẩm vắc xin VNNB hiện nay có hiệu quả bảo vệ trên 90% số người được tiêm ngừa.

Cùng với tiêm vắc xin thì những biện pháp khác để phòng, chống bệnh cũng rất quan trọng như: Phòng chống muỗi đốt bằng cách ngủ trong màn, sử dụng thuốc/hóa chất diệt muỗi, không cho trẻ em chơi ở gần chuồng gia súc; xây dựng khu chăn nuôi, chuồng trại ở xa nhà; phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh để hạn chế muỗi có chỗ sinh sản và phát triển.

Việt Nam đã sản xuất được vắc xin VNNB bất hoạt từ não chuột kể từ năm 1993, có hiệu lực bảo vệ rất cao (cho 98% số trẻ được tiêm đủ 3 mũi vắc xin), tính an toàn cao và giá thành hạ. Vắc xin VNNB được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng nước ta từ năm 1997, hiện đã tiêm ngừa cho khoảng 65% số trẻ dưới 5 tuổi trên cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Viêm não Nhật Bản vào mùa cao điểm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO