Viết từ những điều gan ruột

Hoàng Thu Phố 11/09/2020 17:00

Kim Lân là nhà văn của làng, tôi luôn nghĩ vậy khi nhớ về ông. Sự nghiệp văn học của nhà văn Kim Lân không đồ sộ nhưng lại rất đặc sắc và khó lẫn. Ông là mẫu nhà văn của “quý hồ tinh, bất quý hồ đa” (quý ở sự tinh, chứ không quý ở sự nhiều). Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, chỉ với ba truyện “Vợ nhặt”, “Làng”, “Con chó xấu xí”, nhà văn Kim Lân đã có thể đàng hoàng ngồi vào chiếu trên trong làng văn Việt Nam. Dự kiến vào tháng 10 tới, Hội Nhà văn Việt Nam, gia đình nhà văn Kim Lân sẽ tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.

Nhà văn Kim Lân.

1. Nhà văn Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, sinh ngày 1/8/1920 tại thôn Phù Lưu (còn có tên gọi làng chợ Giầu), xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Là con của người vợ lẽ, cuộc sống của chàng trai Nguyễn Văn Tài có nhiều mặc cảm, khó khăn từ nhỏ. Họa sĩ Thành Chương - con trai nhà văn Kim Lân cho biết: Sở dĩ cha tôi chọn bút Kim Lân, là bởi từ khi còn trẻ đã rất mê tuồng. Trong vở tuồng “Sơn Hậu” cha tôi mê nhân vật Đổng Kim Lân nên khi viết văn cụ lấy bút danh là “Kim Lân”.

Nhà nghèo, hồi nhỏ cậu bé Tài chỉ học đến lớp nhất, rồi phải đi phụ việc cho các thợ đàn anh (sơn quốc, khắc tranh bình phong) để giúp gia đình kiếm sống. Trước Cách mạng tháng Tám, chàng thanh niên Nguyễn Văn Tài đã nhiều năm phải sống lăn lóc trong cảnh đói nghèo. Và chính cuộc sống cần lao ấy đã là chất liệu đi vào những trang văn của nhà văn Kim Lân sau này.

Nhưng động lực nào để khiến “đứa con người vợ lẽ” như Kim Lân trở thành một nhà văn? Sinh thời, ông từng giải thích: “Mới đầu thì người ta thích tiếng, muốn mọi người biết đến mình. Tôi cũng vậy. Là con một người vợ lẽ, nhà nghèo, tôi làm thợ sơn guốc, ít học, đang học dở dang thì bỏ. Tôi thấy bạn bè tài năng không hơn gì mình, nhưng là con nhà giàu, có điều kiện học hành tử tế, làm chuyện này chuyện nọ, cuộc sống khá tử tế. Còn tôi nếu cứ mãi làm anh thợ sơn guốc ở làng thì khổ thật, chết thật, tủi cho thân phận mình quá. Tôi đâm tự ái. Tôi muốn phải làm cái gì đó được như họ, hay hơn họ, nên tôi thử bắt tay ngồi viết”.

Đầu những năm 40 của thế kỷ 20, Kim Lân bắt đầu được in những truyện ngắn đầu tiên. Hồi đó, các tác phẩm của ông như “Đứa con người vợ lẽ”, “Đứa con người cô đầu”, “Người kép già”, “Chó săn”, “Con mã mái”… đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy và Trung Bắc chủ nhật nhận được sự chú ý của bạn đọc, bạn viết.

Đến năm 1944, Kim Lân tham gia Hội Văn hóa cứu quốc. Cũng từ đấy, cái tên Kim Lân nổi bật trên văn đàn với một giọng văn chỉn chu mà sắc bén, với trang viết rất bén nhạy về những phận người nghèo khó, cũng như những trang viết tái hiện sinh hoạt văn hóa thôn quê - đấu vật, chọi gà, thả chim... Bằng những tác phẩm như “Vợ nhặt”, như “Làng”, rồi “Con chó xấu xí”, “Nên vợ nên chồng”, nhà văn Kim Lân thật sự khẳng định tài năng văn chương của mình, đồng thời những tác phẩm đi sâu vào những số phận thiệt thòi, những kiếp người cùng khổ ấy đã sớm đưa Kim Lân trở thành một trong những tên tuổi không thể không nhắc đến trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại.

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Khải tâm sự rằng, trong văn xuôi, ông yêu thích nhiều. Truyện ngắn Khái Hưng. Tạp văn Vũ Bằng. Tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng. Truyện loài vật của Tô Hoài. Tiểu thuyết và truyện ngắn Nguyên Hồng. Nhưng Nguyễn Khải, trước sau, chỉ “thần phục có 3 người”. Đó là Nguyễn Tuân, Nam Cao và Kim Lân. Theo Nguyễn Khải, với “Làng” và “Vợ nhặt” của Kim Lân thì là “thần viết, thần mượn tay người để viết nên những trang văn bất hủ”.

Nhà văn Kim Lân và NSND Nguyễn Đăng Bảy (anh vợ) tại vườn nhà ngày 19/2/2006.

Không chỉ là nhà văn với những trang viết sâu sắc và đầy nhân tính về phần người cần lao, mà nhà văn Kim Lân còn để lại trong lòng khán giả những vai diễn ấn tượng trong làng điện ảnh qua những bộ phim như: Làng Vũ Đại ngày ấy, Tắt đèn, Vợ chồng A Phủ…

Với những đóng góp cho sự nghiệp văn học, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001.

Nhà văn Kim Lân qua đời ngày 20/7/2007 tại Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội, hưởng thọ 87 tuổi.

2. Đọc tác phẩm của Kim Lân thấy bóng dáng của ông, của gia đình, và làng quê nơi ông sinh ra, lớn lên, chứng kiến những kiếp sống lầm than. Chính Kim Lân cũng từng thừa nhận, “truyện “Làng” tôi viết về làng Chợ Giầu, nhưng chẳng có ai là Lão Hai cả. Lão Hai chính là tôi. Viết đi viết lại hình như cuối cùng câu chuyện cũng là mình. Từ tình cảm đến lời ăn tiếng nói, tính nết, cách xử sự việc đời của nhân vật, đều chính là mình”. Hay trong tuyện ngắn đầu tay “Đứa con người vợ lẽ”, nhà văn Kim Lân cũng phản ánh chính nỗi cơ cực của mẹ con mình. Có lần, nhà văn từng kể rằng: “Mẹ tôi là vợ ba của bố tôi, lại là dân ngụ cư quê gốc ở Kiến An, Hải Phòng làm thợ cấy phiêu bạt khắp nơi. Cho nên mẹ bị gia đình chồng hết sức coi thường. Mẹ phải hầu hạ như một vú em trong nhà. Không ai xem mẹ là vợ của bố cả! Những người con hai bà lớn của bố tôi đều gọi mẹ tôi là “chị Tam”. Hồi nhỏ, tôi cứ đinh ninh Tam là tên thật của mẹ, chứ không hề biết do mẹ tôi là bà Ba. Sau Cách mạng Tháng Tám, tôi mới biết mẹ tên là Náng (ông ngoại tôi tên Nếnh), còn dì tôi tên Mủng. Dì Mủng cũng chính là nhân vật dì Hân trong truyện “Người chú dượng” của tôi. Nếnh, Náng, Mủng - chỉ cái tên thôi cũng thấy cái thân phận thấp hèn, trôi nổi của dân ngụ cư lúc đó”.

Dường như Kim Lân ý thức được mình từ rất sớm. Ông biết rõ cái tạng của mình. Ông suy nghĩ nhiều, ý tưởng nhiều, nhưng viết ra thì hình như có một trở lực nào đó. Cũng còn bởi, ông là người kỹ lưỡng với chữ và chỉ viết từ gan ruột, không chấp nhận sự giả tạo trong văn học. Thành thử, người ta thấy Kim Lân “gác bút” từ khá sớm, quãng sau năm 1960. Khi đó ông mới vào tuổi 40 sung sức. Nhiều người lấy làm lạ, vì sự dừng lại này. Bởi người ta vẫn nghĩ, với nghệ thuật viết truyện bậc thầy như Kim Lân, thì cứ viết kiểu gì cũng sẽ có thêm những tác phẩm mới, làm dày dặn lên, đồ sộ lên sự nghiệp văn chương đã “trót” theo đuổi.

Đúng là bây giờ, nhìn lại những tác phẩm của nhà văn Kim Lân người ta thấy không đồ sộ. Ngoài những tác phẩm “cho người lớn”, ông có viết một ít truyện cho thiếu nhi, và một số bài viết về bạn văn, nghề văn. Nhưng Kim Lân là vậy. Khi đã lên tới đỉnh của mình, ông biết nên dừng lại. Văn chương có cố cũng chỉ thêm những tác phẩm xoàng. M.Gorki cũng từng bảo: “Dấu hiệu của một tài năng còn ở chỗ anh ta đã biết dừng lại đúng lúc”.

Còn Kim Lân, ông quan niệm: “Lắm lúc tôi thấy văn chương là một thứ đạo, đạo làm người, như một thứ tôn giáo. Mà tôn giáo nào cũng đòi hỏi sự thương yêu giữa con người với con người, đòi con người có quyền làm người, bình đẳng, tự do, bác ái. Mỗi người truyền một cách, nhưng cuối cùng con người vẫn thương yêu nhau và làm cho con người có tư cách, có nhân phẩm, tài năng để đánh giá đúng và chống lại bạo ngược, cường quyền, áp bức. Cũng như các ngành nghệ thuật khác, văn chương còn là một thứ giải trí. Làm cho người ta vui thích, yêu đời, thư giãn sau những mệt mỏi, như thế cũng là ích lợi, là nhân văn cho người thưởng thức”.

Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn cho rằng, toàn bộ cuộc đời văn học của Kim Lân nói với chúng ta rằng, ở đây, cái người ta cần là một tiếng nói riêng, một “mặt hàng” riêng. Những nét độc đáo của một nhà văn vừa được chắt ra từ cuộc đời của nhà văn đó, vừa là điểm hội tụ của những yếu tố mà quê hương, cộng đồng và thời đại đã mang lại.

Trong lao động nghệ thuật, cha tôi là người cực kỳ nghiêm túc, rất kỹ lưỡng với từng câu chữ. Cụ đã định làm cái gì thì làm cho bằng được. Cụ chăm chút nuôi dưỡng từ ý tưởng ban đầu từng ly từng tý, để đến khi đã nhuần nhuyễn rồi thì mới ngồi xuống viết. Và câu chữ cứ trôi ra như không ấy. Đó cũng chính là phẩm chất mà tôi học được ở cụ. Thêm một điều nữa, nom cha tôi hiền lành, nhưng lại là người rất cá tính.

Năm nay kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Kim Lân, từ phía gia đình chúng tôi cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt. Trong đó, dự định tháng 10 tới sẽ có "Ngày Kim Lân" tại Việt phủ Thành Chương. Tôi hi vọng đến khoảng tháng 10, dịch Covid-19 lắng xuống, thời tiết cũng mát mẻ hơn, thì các hoạt động để tưởng nhớ, tôn vinh nhà văn Kim Lân sẽ được diễn ra trọng thể, thu hút nhiều người cùng tham dự.

Họa sĩ Thành Chương - con trai nhà văn Kim Lân

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Viết từ những điều gan ruột

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO