Viết về Hà Nội

Lê Văn Ba 07/10/2020 15:56

Có nhà văn đã ví Hà Nội như một cái “mỏ lộ thiên” đầy ắp, bất tận và không ngừng sinh sôi nẩy nở. Càng hấp dẫn, “nó” càng lôi cuốn bất kỳ ai có tình yêu Hà Nội háo hức say mê viết về Hà Nội. Hà Nội hôm qua còn nhiều khoảng trống. Hà Nội hôm nay đang nhiều mảnh ghép, phát triển, sản sinh giá trị mới…

Độc giả xin chữ ký vào những cuốn sách viết về Hà Nội của nhà văn Đỗ Phấn.

Nhiều ý kiến cho rằng viết về Hà Nội là phải viết ra được cái “chất” Hà Nội, nói một cách khác đó là bản sắc Hà Nội, hồn cốt Hà Nội, tinh hoa Hà Nội… Nghiệp văn là thế. Nếu không thì chỉ là kể, thuật, hồi tưởng, vịnh… người đọc quên ngay.

Còn sống mãi những câu thơ, chỉ một câu mà nhà thơ đã chạm được vào hồn cốt Hà Nội và người đọc thấm được ngay vào mình cái bản chất tinh túy ấy của Hà Nội. “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long” (Huỳnh Văn Nghệ). Hoặc “Ta mang cả ba mươi sáu phố phường đi kháng chiến/ Chín năm rừng, lòng vẫn Thủ đô” (Hoài Anh)…

Thần tình thế đấy. Và sống mãi với thủ đô những tên tuổi dành cả cuộc đời cho Hà Nội, viết về Thăng Long Hà Nội: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Chu Thiên, Hoàng Đạo Thúy, Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Triệu Luật… Nhiều, rất nhiều.

Nhưng hôm nay, rõ ràng những tinh hoa, cốt cách, bản sắc nghìn năm Thăng Long - Hà Nội ấy đang bị phai nhạt, mờ. Dường như những điều đẹp đẽ cứ mai một dần và thay thế vào đó là lối sống thực dụng, xa hoa phù phiếm, chạy theo thời thượng và thờ ơ với những giá trị đích thực của cuộc sống.

Ngày nay, nếu đi ngang bất cứ hiệu sách nào hoặc bất cứ lúc nào mở internet, bạn đọc có thể thấy khá nhiều tập tản văn, tạp văn, tùy bút, bút ký… bìa ngoài trình bày bắt mắt với nhưng tên gọi hấp dẫn: Đi ngang Hà Nội, Đi dọc Hà Nội, Đi xuyên Hà Nội, Đi chơi Bờ Hồ, Bâng quơ một thời Hà Nội, Con giai phố cổ, Hà Nội là Hà Nội, Mỗi góc phố một ngày đang sống, Tự nhiên như người Hà Nội, Hà Nội bảo thế là thường, Hà Nội chút bụi trên vai người… Tác giả là những cái tên đang ngày càng trở nên quen thuộc như Đỗ Phấn, Nguyễn Ngọc Tiến, Lê Minh Hà, Nguyễn Trương Quý…

Họ đã chấp nhận thử thách, vượt qua thách thức lớn lao để viết về Hà Nội, thỏa mãn tình yêu không bến bờ với Hà Nội, vì một Hà Nội hào quang trong quá khứ, đang đổi thay chóng mặt và rực rỡ tương lai.

Bìa một số cuốn sách viết về Hà Nội trong thời gian gần đây.

Trong những tác phẩm thể hiện ngổn ngang cuộc sống Hà Nội hôm nay, người đọc vẫn thấy âm vang leng keng tàu điện, tiếng xẩm ca bâng khuâng hồn phố… rồi chợ đêm Hà Nội, hồn cốt ẩm thực Hà thành…

Và thật tuyệt vời, trong dòng chảy văn chương Hà Nội hôm nay vẫn mạnh mẽ một sang trọng hoài niệm Sao ta nhớ một Hà thành cổ điển/ Những mái ngói rêu phong tưởng đã sáo mòn trong bao lời nói cũ/ Chiều nay đàn sâm cầm đập cánh/ Mang hồn rêu phong trở về… (Hà thành cổ điển-Phạm Hồ Thu)…

Trở lại ý kiến “những người tứ xứ đổ về mang theo tất cả đặc trưng vùng miền tốt có, xấu có, pha loãng đi cái cốt cách của người Hà Nội trước...”

Đúng là như thế.

Chúng ta gặp ở đây, tiểu thuyết “Ba ngôi của người” (Nguyễn Việt Hà) viết về kinh đô Thăng Long qua các triều đại xưa và siêu đô thị Hà Nội hôm nay với đủ hạng người, đủ kiểu làm ăn lừa gạt, đủ mọi ngôn ngữ tiếng lóng, chửi thề, nhạc chế, ca dao tân thời… Đọng lại một lời phán xét “Hà Nội bây giờ thì buồn quá, nó không quá nghèo nhưng vô đạo và ít học”.

“Quân khu Nam Đồng” (Bình Ca) lưu trong trí nhớ người đọc một mảng quá khứ chưa xa của Hà Nội về lớp trẻ khu tập thể nhà binh Nam Đồng. Chúng ở nhà, đi học, vui chơi và rồ dại phá phách. Những gia đình trong những năm vắng mặt người cha (liên miên chiến đấu ở các chiến trường B,C...). Chuyện rất đặc sắc về Hà Nội một thời.

Nhưng, đúng như thế, mà chưa hẳn là thế. Ở phần cuối những cuốn tiểu thuyết dày dặn kể trên đây, các tác giả đều cho thấy thành phố biến đổi, những con người biến đổi.

Thùy Dương (quê gốc tỉnh Hải Dương ra Hà Nội trọ học), trong tiểu thuyết “Ngụ cư” của mình, chị viết về cuộc sống 13 gia đình trong con ngõ nhỏ “Thành phố này đã đón nhận và bao bọc chúng tôi… Những điều tưởng như bình thường nhỏ nhoi nhưng đẹp và thương lắm”. Đến tiểu thuyết tiếp theo “Nhân gian”, như chị kể lại: Khi tôi viết đến đoạn linh hồn cậu lính trẻ lần đầu tiên về thăm thành Hà Nội đã cảm động thế nào khi gặp mặt tổng trấn Hoàng Diệu-người đã sống và chết cùng Hà Nội. Giây phút ấy từ thâm tâm tôi thực sự biết rằng mình đã trở thành một phần máu thịt của thành phố này. Tinh hoa Hà Nội, vẻ đẹp, tình yêu, hoa sữa, chiều thu… Đấy chính là nguồn, lõi, là đắm say lôi cuốn, là sức mạnh hòa tan, tẩy rửa xấu xa và hút nhận thêm vào nhiều tinh chất để làm nên bản sắc Hà Nội hôm nay văn minh, hiện đại, thanh lịch, truyền thống, hào hoa…

Vậy có phải cách nhìn về tinh hoa Hà Nội đang thay đổi, khác trước? Tinh hoa Hà Nội, không chỉ một đỉnh cao, tĩnh tại. Tinh hoa Hà Nội là sự kết tinh của đa dạng. Những giá trị bất biến, muôn đời và cả những giá trị mới đang du nhập, nảy sinh trong cuộc sống bề bộn hôm nay. Thành phố, nơi tiếp nhận đa chiều, được bồi đắp bởi nhiều nền văn hóa khác nhau, các nhóm văn hóa khác nhau. Văn chương là một nguồn lực góp phần đẩy tới Hà Nội một thành phố hiện đại, một đô thị đáng sống mà vẫn rõ ra cảnh quan nghìn năm tuổi, con người thanh lịch, nền nếp...

Cũng là quá trình đòi hỏi người viết có tầm nhìn, con mắt đa chiều, hướng thiện.

Lịch sử chỉ diễn ra một lần, nhưng được viết, kể lại, “dựng lại” nhiều lần, tùy theo từng góc độ, tầm nhìn của người viết với những chi tiết, nhân vật lịch sử chọn lọc đắt giá. “Chuyện ngõ nghèo” của Nguyễn Xuân Khánh viết về những năm Hà Nội khốn khó, nhà nhà nuôi lợn để cải thiện đời sống. Từ chuyện lợn tác giả đẩy tới tầm bao quát, rộng lớn hơn, những suy tư đắm đuối…

Viết về Hà Nội, quả là một thử thách, một thách thức lớn.

Cũng chưa bao giờ đội ngũ những người viết về Hà Nội hùng hậu như hôm nay. Bên cạnh các tác giả sống trong nước, sống giữa lòng Hà Nội, đã có thêm nhiều cây viết sống và làm việc ở nước ngoài như: Mai Lâm, Lê Minh Hà, Nguyễn Phan Quế Mai… Và cả những tác giả người nước ngoài, đến với Hà Nội, say đắm Hà Nội, không thể không cầm bút, cầm cọ, cầm máy ảnh, máy quay phim… sáng tác về Hà Nội.

*
* *

Bìa một số cuốn sách viết về Hà Nội trong thời gian gần đây.

Yêu Hà Nội, viết về Hà Nội đáng yêu cũng đa đoan lắm.

Nhớ lại khi thực dân Pháp quay lại Việt Nam, đầu năm 1947 Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố bị kẻ thù chiếm đóng. Sống ở Hà Nội trong những năm khó khăn này có Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Phạm Cao Củng, Lê Văn Trương, Hồ Dzếnh, Ngọc Giao… những nhà văn thời “tiền chiến” và lớp kế tiếp: Tạ Vũ, Giang Quân, Băng Sơn, Vân Long…

Cả một thời kỳ khó khăn, nghiệt ngã. Viết là đấu tranh, đối phó với lưỡi kéo kiểm duyệt , lưỡi lê và song sắt nhà tù. Nhưng các tác phẩm thể hiện tình yêu Hà Nội, tôn vinh phẩm chất người Hà Nội, giữ gìn bản săc văn hóa, tính cách người Hà Nội và đề cao lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, hướng về kháng chiến vẫn liên tục ra mắt độc giả.

Đã có một thời như thế. Nhà-văn-chiến-sĩ Hà Nội, những tác phẩm viết về Hà Nội thấm đẫm mồ hôi và cả máu.

Viết về Hà Nội… Viết về “cái mỏ lộ thiên” đầy ắp, bất tận và không ngừng sinh sôi nẩy nở. Những năm tháng nhiều đảo lộn lại là những năm xuất hiện nhiều tác phẩm đặc sắc viết về Hà Nội của nhiều nhà văn duyên nợ với Hà Nội. Hà Nội đẹp quyến dũ, tràn đầy tinh hoa, tràn ngập những mới mẻ và tràn dâng những ấp ủ sinh sôi.

Văn chương viết về Hà Nội, một dòng văn học Hà Nội trong văn học Việt Nam. Đó là dòng văn học đặc sắc, riêng có, không lẫn với nơi nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Viết về Hà Nội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO