Ứng phó với dịch bệnh lây lan từ động vật

Trần Ngọc Kha 26/08/2015 13:21

Trước tình hình dịch bệnh ngày một gia tăng hiện nay, trong hai ngày hôm qua và hôm nay, 25 và 26/8, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Chính phủ Indonexia tổ chức Hội nghị quốc tế phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người tại Việt Nam. Hội nghị thu hút được sự tham gia của đại diên Liên hiệp quốc và các tổ chức y tế, thú y thế giới và đại diện của hơn 100 đại biểu đến từ hơn 30 nước trong và ngoài khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Hội nghị quốc tế phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người tại Việt Nam

Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Trong những năm qua, thế giới liên tục ghi nhận sự xuất hiện của các dịch bệnh mới nổi, nguy hiểm, có nguồn gốc từ động vật như: SARS, cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), MERS-CoV, Ebola,... Với độc tính cao và sự lây truyền nhanh, các dịch bệnh này không chỉ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người dân mà còn tác động lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, chính trị của các quốc gia trên toàn cầu. Trước tình hình trên đòi hỏi các quốc gia, các tổ chức quốc tế và mỗi người dân phải có những nỗ lực hơn nữa nhằm thúc đẩy sự hợp tác, sự cam kết trong việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh mới nổi, nguy hiểm, có nguồn gốc từ động vật sang người, nhằm hướng tới một thế giới an toàn và an ninh hơn với các bệnh truyền nhiễm. Việt Nam và Indonesia là một trong những quốc gia tham gia tích cực, đi đầu trong Chương trình An ninh y tế toàn cầu, luôn cam kết có những hành động mạnh mẽ nhất trong việc phòng, chống dịch bệnh mới nổi, dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, góp phần vào những nỗ lực chung của toàn cầu trong phòng chống dịch bệnh.

Ông cũng cho hay, ở cấp quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia, có tính phối hợp liên ngành trong việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh, điển hình là việc phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người. Sự hợp tác giữa Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi vào chiều sâu thông qua việc ký Thông tư liên tịch Y tế - Nông nghiệp nhằm tăng cường sự hợp tác giữa hai ngành từ trung ương đến địa phương trong phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người. Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC) cũng đã được triển khai tại Việt Nam từ năm 2013 với sự tham gia tích cực của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Tổ chức quốc tế (WHO, FAO và USCDC) nhằm điều phối và đáp ứng tốt hơn với các bệnh dịch mới nổi, trong đó có các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người. Ở cấp khu vực, Việt Nam với vai trò là nước đi đầu trong khu vực ASEAN đã phối hợp với các nước thành viên xây dựng Chiến lược loại trừ bệnh dại của khu vực ASEAN; hiện nay Việt Nam đang triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược này với mục tiêu tiến tới loại trừ bệnh dại ở các nước trong khu vực và duy trì các vùng không có bệnh dại của khu vực ASEAN đến năm 2020. Ông hy vọng tằ diễn đàn hội nghị này, các quốc gia sẽ tăng cường nhận thức, chia sẻ các bài học kinh nghiệm quý báu cho nhau trong phòng chống dịch bệnh. Hội nghị cũng sẽ xác định được các ưu tiên hợp tác giữa các nước trong khu vực và quốc tế, đồng thời xây dựng được kế hoạch hành động với các mốc thời gian cụ thể để triển khai Kế hoạch 5 năm của Gói hành động phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người. Với vai trò đồng chủ trì Hội nghị này, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định: Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết tham gia tích cực trong phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người của Chương trình An ninh y tế toàn cầu.

Dẫn ra số liệu hiện trên thế giới hiện có đến 65% bệnh tật của con người và 75% bệnh mới nổi của chúng ta có liên quan đến động vật, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên Hiệp quốc tại Việt Nam cũng nhấn mạnh: Tất cả các quốc gia cần tăng cường hợp tác với nhau để tăng cường năng lực, tiềm năng để phát hiện và phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Bên cạnh đó các nước cần có những cơ chế chia sẻ thông tin cho nhau chính xác, kịp thời về tình hình dịch bệnh, phối hợp ứng phó hiệu quả giữa các ngành y tế công cộng và thú y. Đến với Hội nghị, Ngài Ted Osius, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho rằng: Trong những ngày tháng gần đây, chúng ta chứng kiến những sự bùng nổ một cách đau lòng của dịch bệnh MERS-CoV. Nó đã cướp đi sinh mạng của hơn 30 con người tại Hàn Quốc. Cùng với các vấn đề nhân đạo, giáo dục, Hoa Kỳ cam kết tiếp tục cung cấp các chuyên môn, kỹ thuật tăng cường hỗ trợ, phối hợp cho các nước có thể ứng phó với dịch bệnh nói chung, ngăn chặn lây lan ịch bệnh từ động vật sang người một cách hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng phó với dịch bệnh lây lan từ động vật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO