Vĩnh Phúc: Sản xuất công nghiệp tạo dấu ấn nổi bật

Bích Phượng 22/11/2018 07:00

Với tiềm năng và lợi thế về phát triển công nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc luôn xác định lấy công nghiệp là khâu đột phá làm động lực tăng trưởng kinh tế, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự tăng trưởng ổn định từ đầu năm đến nay, ngành công nghiệp của tỉnh tiếp tục góp phần quan trọng đưa kinh tế Vĩnh Phúc đứng ở tốp đầu khu vực miền Bắc và cả nước.

Vĩnh Phúc: Sản xuất công nghiệp tạo dấu ấn nổi bật

Ngành công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục góp phần quan trọng đưa kinh tế Vĩnh Phúc đứng ở tốp đầu khu vực miền Bắc.

Tăng trưởng liên tục

Từ đầu năm đến nay, lĩnh vực công nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc với các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu chủ lực, thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng duy trì tốc độ tăng trưởng cao.

Hầu hết các doanh nghiệp đều có đơn hàng đến hết năm 2018. Ước 9 tháng đầu năm 2018, chỉ số công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc tăng gần 15,8%. Giá trị tăng thêm toàn ngành đạt 27.200 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Trong đó, các ngành công nghiệp mũi nhọn tiếp tục có mức tăng trưởng khá cao như sản xuất linh kiện điện tử tăng 24,38%, sản xuất xe có động cơ tăng 24,77%, sản xuất phương tiện vận tải tăng gần 10,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nguyên nhân chủ yếu giúp sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kể trên là do hiệu ứng tích cực từ các chính sách, giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, kết hợp với chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chuyên môn, các địa phương đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, triển khai các biện pháp tích cực, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển như: Hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp. Đẩy mạnh tuyên truyền tạo chuyển biến tích cực trong tư tưởng, nhận thức của cán bộ, công chức, đặc biệt về lề lối, tác phong, tinh thần, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; Duy trì hoạt động tốt chương trình “Lãnh đạo UBND tỉnh gặp gỡ doanh nhân hàng tuần”; Hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng lao động và tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi.

Đặc biệt, một trong những điểm nhấn quan trọng góp phần quan trọng vào kết quả sản xuất công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế nói chung của tỉnh Vĩnh Phúc trong 9 tháng đầu năm chính là việc đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp đã được tỉnh đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện

Bằng những giải pháp hữu hiệu đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã quy hoạch 18 khu công nghiệp với quy mô 5.228ha, trong đó đã có 11 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích quy hoạch 2.323,94ha. Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp đã giải phóng mặt bằng đạt 72,09%.

Qua những con số cụ thể minh chứng cho thấy sự góp công không nhỏ của các khu công nghiệp đối với sự phát triển của tỉnh thời gian qua.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, cùng với việc gia tăng các dự án cấp mới, nhiều doanh nghiệp được cấp phép trước đó đã khẳng định được năng lực, tính hiệu quả, chất lượng của sản phẩm trên thị trường và không ngừng tăng quy mô, tăng vốn.

Phát triển công nghiệp theo chiều sâu

Nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, một trong những định hướng phát triển công nghiệp được Vĩnh Phúc đề ra là ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ để tạo nền tảng cho phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh một cách bền vững. Từ năm 2017, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 39 quy định về hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên phát triển theo Nghị quyết số 57 của HĐND tỉnh giai đoạn 2017 - 2025.

Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có trong danh mục các sản phẩm ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh như: Ngành điện tử, ngành sản xuất lắp ráp ô tô, ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp công nghệ cao được hỗ trợ lãi suất vay vốn thực hiện đầu tư dự án mới hoặc mở rộng dự án từ 20% quy mô trở lên…

Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã từng bước chọn lọc và tập trung kêu gọi phát triển những dự án đầu tư có trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất hiện đại, nhất là các dự án lớn nhằm phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ chất lượng cao.

Đơn cử, đến hết tháng 9/2018, trong số trên 230 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực tại tỉnh với tổng vốn đăng ký trên 3,5 tỷ USD thì có tới 202 dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, riêng các ngành công nghiệp hỗ trợ, dệt may đang chiếm 80% về giá trị sản xuất công nghiệp và gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Điều này cho thấy sức phát triển nhanh, mạnh mẽ của ngành mũi nhọn này.

Thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc xác định phát triển công nghiệp đi vào chiều sâu, phấn đấu đến năm 2025, công nghiệp hỗ trợ của Vĩnh Phúc sẽ trở thành một mắt xích cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế, tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu.

Giai đoạn 2017 - 2020, đưa giá trị sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ đạt khoảng 67.400 tỷ đồng, chiếm 38,9% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Thu hút đầu tư 30 - 35 dự án đầu tư lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp mũi nhọn, chế biến chế tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vĩnh Phúc: Sản xuất công nghiệp tạo dấu ấn nổi bật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO