Vỡ òa những chiếc vé 'vớt' vào lớp 10

Nhóm phóng viên 06/07/2018 08:05

Ngay sau khi Sở GD-ĐT Hà Nội công bố hạ điểm chuẩn vào 35 trường THPT công lập, trong sáng ngày 5/7 ghi nhận tại các trường hạ điểm, việc rút và nộp hồ sơ lại diễn ra sôi động. Lần này, nhiều phụ huynh cho biết niềm vui đến ngoài sức tưởng tượng của gia đình, bởi tưởng đâu con đã rớt lớp 10, nay thật may mắn nhờ chiếc vé “vớt” mà mọi áp lực đã kịp thời được hóa giải.

Vỡ òa những chiếc vé 'vớt' vào lớp 10

Học sinh dự thi vào lớp 10 ở Hà Nội Ảnh: Quang Vinh.

Đỗ ở “phút 89”

Trong số những trường THPT hạ điểm, có 3 trường Yên Hòa, Nhân Chính và Nguyễn Thị Minh Khai giảm từ 50 xuống 49 và 49,5.

Như vậy năm nay Hà Nội chỉ có 4 trường lấy điểm trúng tuyển trên 50. Một số trường tên tuổi khác như THPT Thăng Long hay Việt Đức cũng hạ điểm đầu vào.

Cụ thể, Trường Thăng Long giảm từ 49,5 xuống còn 49. Điểm chuẩn vào lớp tiếng Đức của THPT Việt Đức hạ tới 4, từ 48,5 xuống 44,5.

Ghi nhận sáng 5/7 cho thấy, tại Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân, Hà Nội), từ sáng sớm nhiều phụ huynh đã có mặt để làm thủ tục rút hoặc nộp hồ sơ.

Trong đó có người thì rút hồ sơ để nộp vào Trường THPT Nhân Chính (trúng nguyện vọng (NV) 1).

Người khác thì đến để nộp hồ sơ nhập học vì nhờ hạ nửa điểm, con em họ nay đã chính thức trúng tuyển vào trường.

Nhiều phụ huynh có chung chia sẻ giống nhau: Sau khi Sở GD-ĐT công bố điểm chuẩn, họ đều đến tận trường con đăng ký NV 1 để tính toán phổ điểm chung của trường, căn xem ở mức điểm chuẩn xét tuyển có bao nhiêu phần trăm thí sinh đạt; rồi mức điểm ngấp nghé như con em họ có khoảng bao nhiêu phần trăm…

Trên cơ sở ấy, một mặt nộp hồ sơ vào trường NV 2 hoặc trường dân lập, mặt khác nín thở mong ngóng Sở công bố hạ điểm chuẩn. Và niềm vui đỗ vào lớp 10 trường công lập đã… vỡ òa ở phút 89!

Một trường hợp phụ huynh khác thì chạy từ Trường THPT Đoàn Kết (quận Hai Bà Trưng) để rút hồ sơ NV 2 về Trường THPT Thăng Long học theo NV 1- đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: Trường gần nhà và là niềm mơ ước của con.

Phụ huynh của cháu chia sẻ: Trước đó, do thiếu đúng nửa điểm nên gia đình coi như cháu không vào được ngôi trường yêu thích, nay do Trường THPT Thăng Long hạ nửa điểm, vậy là với tấm giấy báo thi 49 điểm, cháu nghiễm nhiên được vào học theo diện NV 1.

Gặp một bà mẹ trú tại khu đô thị Linh Đàm rút hồ sơ xin học từ một trường dân lập hối hả tới Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai), chị chia sẻ đầy hào hứng: Con tôi có tổng điểm xét tuyển 43,5 điểm, theo như công bố điểm chuẩn ban đầu của Sở GD-ĐT, cháu trượt hết cả 2 NV. Chiều tối 4-7, biết Trường THPT Trương Định hạ điểm chuẩn NV 1 xuống đúng nửa điểm, vậy là con đỗ, cả gia đình mừng hơn bắt được vàng.
Nhưng sau những phút vui mừng, người mẹ ấy lắng xuống đầy tâm tư: Chưa bao giờ phụ huynh chúng tôi thấy cuộc đua kiếm suất vào lớp 10 trường công khổ sở và tổn thọ như năm nay.

Chỉ “vênh” nhau có nửa điểm thôi mà cánh cửa vào đời, lập nghiệp với mỗi đứa trẻ đi theo những hướng khác hẳn.

Đến giờ phút này, áp lực vào trường công với gia đình chị coi như đã được hóa giải.

Nhưng với nhiều gia đình khác, chặng đua vừa qua có cả mồ hôi, nước mắt và nỗi thất vọng khi mà mọi nỗ lực của cả học sinh và phụ huynh đều không đạt được như mong muốn- dù chỉ là vào một trường THPT rất đỗi bình thường.

Vỡ òa những chiếc vé 'vớt' vào lớp 10 - 1

Tỉ lệ học sinh giỏi của Hà Nội nhìn từ danh sách niêm yết thi vào lớp 10 THPT Ảnh: M.Q.

Học sinh Hà Nội có giỏi thật không?

Không may mắn như những gia đình khác, con đăng ký NV 1 vào Trường THPT Nguyễn Trãi, chị Tạ Hoàng Anh (ở Hoàng Cầu) cho hay, con chị cũng thiếu 0,5 điểm sẽ đỗ.

Suốt những ngày qua, cả gia đình phập phồng mong ngóng trường sẽ hạ điểm chuẩn. Nhưng trong số hơn 30 trường được Sở GD-ĐT công bố hạ điểm chiều 4/7, Trường THPT Nguyễn Trãi không nằm trong số đó. Biết tin có những trường ở khu vực ngoại thành tuyển NV 3, cả gia đình đang tính toán sẽ phải xoay sang một hướng khác: nộp đơn tuyển NV 3 cho con, chấp nhận đi học xa hàng chục km mỗi ngày cho tới hết học kỳ 1, rồi sẽ tìm cách xin cho con trở lại trường học trong nội thành.

Nhưng cho đến giờ phút này, chính chị cũng chưa biết sẽ trông cậy vào “cửa” nào để đảm bảo chắc chắn cho con xin học được trong nội thành. “Nhỡ mà không xin học trở lại được, thì 3 năm học tới đây, chặng đường đi học của con quá gian nan”- người mẹ ấy thở dài.

Năm 2018, theo nhận định chung mặt bằng điểm thi vào lớp 10 Hà Nội rất thấp.

Chia sẻ về quá trình học tập của các con, nhiều phụ huynh cho hay thành tích của các cháu qua 4 năm học THCS đều đạt khá, giỏi.

Cách tính điểm vào lớp 10 cũng dựa trên thành tích mà các học sinh đạt được.

Cụ thể: Điểm xét tuyển = Điểm THCS + Điểm thi (đã tính hệ số 2) + Điểm cộng thêm. Điểm THCS được tính theo kết quả rèn luyện và học tập của học sinh trong 4 năm THCS.

Cách tính điểm rèn luyện học tập như sau: Hạnh kiểm tốt và học lực giỏi được cộng 5 điểm; hạnh kiểm khá và học lực giỏi, hoặc hạnh kiểm tốt và học lực khá được cộng 4,5 điểm; hạnh kiểm khá và học lực khá được cộng 4 điểm; hạnh kiểm tốt và học lực trung bình, hoặc hạnh kiểm trung bình và học lực giỏi được cộng 3,5 điểm; hạnh kiểm khá và học lực trung bình, hoặc hạnh kiểm trung bình và học lực khá được cộng 3 điểm.

Các trường hợp còn lại cộng 2,5 điểm. Cùng với đó, những học sinh có chứng chỉ nghề loại giỏi được cộng 1,5 điểm, chứng chỉ nghề loại khá cộng 1 điểm, loại trung bình được cộng thêm 0,5 điểm.

Theo bảng điểm xét tuyển của Sở GD-ĐT Hà Nội công bố, tỉ lệ học sinh được cộng 21,5 điểm (học sinh giỏi 4 năm liên tiếp 20 điểm + 1,5 điểm nghề) chiếm đa số.

Thực tế, học sinh giỏi ở rất nhiều trường thường áp đảo so với học sinh tiên tiến và càng hiếm học sinh trung bình.

Tại Hà Nội, theo thống kê của Sở GD-ĐT, trong 2 năm học gần đây, số lượng học sinh đạt điểm 10 môn toán ở mỗi khối đều trên 35.000; môn tiếng Việt đều trên 20.000; cấp trung học (gồm THCS và THPT) có tới hàng trăm nghìn học sinh giỏi.

Những ngày qua, ghi nhận từ ý kiến chuyên gia và nhiều phụ huynh, tất cả đều có chung băn khoăn: Cả một thành phố mà học sinh giỏi chiếm đa số như vậy, có cần thiết phải tổ chức một kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hay không?

Tại sao học sinh giỏi lại không đạt điểm cao trong một kỳ thi học lên bậc học phổ thông ở cấp tiếp theo?…

Theo GS Phạm Tất Dong, việc có quá nhiều học sinh đạt điểm cao, điểm giỏi cho thấy ở nhiều trường, các thầy cô giáo đã dễ dãi khi chấm điểm. Nguyên nhân có thể phân tích ở 2 khía cạnh.

Thứ nhất, tâm lý của nhiều người có thể vì thương học trò, muốn các cháu có học bạ đẹp để xét tuyển.

Mặt khác, có những trường hợp học sinh học lực không được tốt nhưng phụ huynh tìm cách xin thầy cô giáo chấm nương tay hơn.

Điều quan trọng hơn là bệnh thành tích vẫn tồn tại trầm kha, nhiều thày cô, nhiều trường muốn có nhiều học sinh giỏi để đạt được danh hiệu thi đua.

Từ câu chuyện tuyển sinh lớp 10 đang diễn ra rất “nóng” ở Hà Nội và TP HCM, dư luận đang quan tâm đến câu hỏi lớn: Làm thế nào để đảm bảo mọi học sinh có cơ hội học hết bậc học phổ thông? Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại vấn đề này ở các số báo tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vỡ òa những chiếc vé 'vớt' vào lớp 10

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO