Vô tư khai thác khoáng sản trái phép

Phạm Hưởng 04/03/2016 11:25

Mặc dù không có giấy phép, nhưng Cty TNHH MTV Hữu Oai (Cty Hữu Oai) do ông Nguyễn Hữu Dũng (SN 1962, trú xã H’Bông, huyện Chư Sê, Gia Lai) làm giám đốc vẫn ngang nhiên khai thác trái phép hàng ngàn m3 đá trong lâm phần Ban Quản lí rừng phòng hộ huyện Chư Sê. Vụ việc được phát hiện nhưng khi tìm hướng xử lí các ngành chức năng tỉnh Gia lại không thống nhất quan điểm.

Khai thác khoáng sản trái phép hủy hoại môi trường.

Ai tiếp tay để doanh nghiệp lộng hành?

Từ ngày 24-2 đến 12-8-2015, Cty Hữu Oai - do ông Nguyễn Hữu Dũng làm Giám đốc đã khai thác trái phép hơn 2.198,601m3 đá tại hai tiểu khu 1073 và 1074 trong lâm phần Ban QLRPH Chư Sê. Để tận thu khoáng sản, ông Dũng cho xây dựng 3 nhà xưởng, điều máy cẩu, máy phát điện vào khai thác mỏ đá rồi thuê nhân công khắp nơi vào chẻ, chế biến, xuất bán đi cho nhiều đối tác. Phát hiện hoạt động vi phạm khoáng sản nghiêm trọng, UBND huyện Chư Sê đã có công văn yêu cầu công an huyện điều tra, xác minh.

Kiểm tra hiện trường, Công an huyện Chư Sê phát hiện hàng ngàn viên đá đủ kích cỡ, chủng loại bị khai thác trên diện tích 6,4 ha. Cụ thể, đá bazan 4.224 viên, cubic 3.363 viên, đá chẻ xây dựng 11.380 viên, đá đôi xây dựng 4.568 viên (chưa kể đá vụn). Theo ghi nhận tại hiện trường, trên diện tích 6,4ha toàn bộ đất đai, cây cối bị máy cẩu xới tung, băm nát để lấy đá từ sâu dưới lòng đất. Nhiều khu vực bị san phẳng làm chỗ trữ đá. Đá đã qua khai thác nằm chất cao như núi, phân chia theo từng loại rõ ràng.
Theo biên bản định giá, toàn bộ khoáng sản mà Công ty Hữu Oai khai thác trái phép được Hội đồng định giá gây thất thoát 395,32 triệu đồng. Nhưng điều đáng nói, hoạt động khai thác đá trái phép công ty Hữu Oai diễn ra một cách công khai, rầm rộ và chỉ cách Quốc lộ 25 chưa đầy 3km, nhưng 6 tháng sau cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai mới kịp phát hiện.

Tuy nhiên, việc xử lí trách nhiệm người đứng đầu công ty này (tức ông Nguyễn Hữu Dũng - GĐ Cty) lại đang lâm vào bế tắc. Trong thời gian chờ hướng xử lí, Công an xã H’Bông phải ngày đêm ăn ngủ tại hiện trường để canh giữ, đề phòng công ty tẩu tán tang vật, máy móc.

Huyện cương quyết xử lí hình sự!

Công an huyện Chư Sê giữ quan điểm xử phạt hành chính từ 30 - 40 triệu đồng theo Nghị định 142/2013/NĐ-CP, bên cạnh xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản, buộc phục hồi, cải tạo môi trường khu vực khai thác, đưa về nguyên trạng ban đầu. Ngược lại, Viện KSND huyện Chư Sê bác quan điểm của Công an huyện, yêu cầu phải xử lí trách nhiệm hình sự đối với ông Nguyễn Hữu Dũng - GĐ Công ty Hữu Oai vì cho rằng ông Dũng đã “Vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên, quy định tại điều 172, Bộ luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê cho biết: “Quan điểm của huyện là thống nhất xử lí hình sự, tức là khởi tố. Việc khai thác khoáng sản trái phép bị phát hiện, xử lí hành chính là nộp phạt thì thiếu tính răn đe. Nộp phạt xong lại tái diễn chính là kẻ hở của pháp luật vì việc nộp phạt nhẹ hơn nguồn lợi thu bất chính”.

Trước những quan điểm trái chiều, Viện trưởng Viện KSND huyện Chư Sê, ông Cáp Văn Phương cho biết: Ba ngành Tư pháp huyện Chư Sê (Tòa án, Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân) thống nhất chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cho Công an tỉnh Gia Lai xin ý kiến về hướng dẫn giải quyết.

Công an tỉnh chờ ý kiến của Bộ TN&MT

Vấn đề giám định thiệt hại môi trường, Sở TN&MT tỉnh Gia Lai tại công văn số 1907/STNMT-CCBVMT cho rằng: “Chính phủ đã ban hành nghị định số 03/2015/NĐ-CP quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường có hiệu lực từ ngày 1/3/2015. Tuy nhiên, đến nay chưa có Thông tư hướng dẫn cụ thể, do đó hiện tại Sở TN-MT Gia Lai không giám định được thiệt hại về môi trường đối với hành vi khai thác khoáng sản của Cty Hữu Oai”.

Vì thế, để có căn cứ xử lí hành vi của ông Nguyễn Hữu Dũng, Văn phòng Cơ quan CSĐT (PC44, Công an tỉnh Gia Lai) đã có công văn số 135 gửi Bộ TN&MT đề nghị được phối hợp làm rõ: “Đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép của ông Dũng có giám định được thiệt hại về môi trường hay không? Trường hợp giám định được thì tổ chức, cơ quan nào có khả năng, điều kiện để giám định?

Trao đổi về vấn đề này, Trung tá Trần Ngọc Anh, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Gia Lai cho biết: Đã có văn bản gửi Bộ TN&MT, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản trả lời nên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh chưa có căn cứ xử lí vụ việc. Trả lời câu hỏi, nếu Bộ TN&MT không trả lời thì hướng giải quyết thế nào? Theo Trung tá Trần Ngọc Anh, nếu họ không trả lời, thì phía Công an sẽ trưng cầu giám định, để đánh giá chính xác. Sai thì ai cũng thấy sai rồi, nhưng đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay chưa thì phụ thuộc vào nhiều vấn đề”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vô tư khai thác khoáng sản trái phép

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO