Voi và câu chuyện của con người

Mai Hương 02/01/2017 09:05

Những năm qua, với nhiều nỗ lực bảo tồn, hệ động, thực vật của Việt Nam dần hồi phục. Nhưng, riêng với loài voi, theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), quần thể voi hoang dã đã giảm khoảng 95% sau 40 năm (1975-2015). Vì thế, giải pháp cứu đàn voi đang được đặt ra một cách cấp thiết.

Loài voi đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Suy giảm nghiêm trọng

Theo báo cáo mới nhất của Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên tại Việt Nam (WWF), hiện, quần thể voi hoang dã tại Việt Nam không còn nhiều. Chỉ tập trung chủ yếu tại các tỉnh Đắk Lắk, Đồng Nai và Nghệ An. Đáng chú ý, số lượng của chúng ngày càng suy giảm. Thống kê cho thấy, Đắk Lắk hiện chỉ còn khoảng 60 - 65 cá thể; Đồng Nai còn 14 cá thể và Nghệ An còn 5 cá thể… voi hoang dã. Đáng lo lắng hơn khi phần lớn các đàn voi chỉ có 1 - 5 cá thể, sống tách biệt nhau, rất ít đàn có số lượng tới trên 10 cá thể. Tình trạng voi đực bị săn trộm lấy ngà cũng ảnh hưởng nhiều đến cơ cấu đàn, tập tính của cả đàn và về lâu dài voi sẽ tự tuyệt chủng.

Ông Cao Chí Công- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, từ năm 2009 đến nay, có khoảng 29 cá thể voi bị sát hại hoặc gặp nạn nguy hiểm. Trung bình mỗi năm, có 4 cá thể voi bị chết hoặc gặp nạn, chiếm 3 - 4% tổng số cá thể voi hiện nay. Tại Vườn quốc gia Yok Đôn (Ea Súp, Đắk Lắk) có 20 cá thể voi bị săn bắn hoặc gặp tai nạn, trong đó 18 cá thể bị chết và 2 cá thể được cứu hộ thoát chết; vườn quốc gia Cát Tiên - Đồng Nai, có 8 cá thể voi bị sát hại và tai nạn, trong đó, 7 cá thể bị chết và 1 cá thể được cứu hộ thoát chết; vườn quốc gia Pù Mát có 1 cá thể voi bắn chết.

Điều tra giám sát voi hoang dã của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắc cho thấy, số lượng voi đã suy giảm nghiêm trọng trong những năm qua. Hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 5 đàn voi rừng với số lượng từ 60 đến 70 cá thể, trong đó khu vực Ea Súp có một đàn voi khoảng 30 đến 34 con, huyện Buôn Đôn có khoảng 4 đàn với số lượng từ 30 đến 36 con. Hiện số lượng đàn voi ở Đắk Lắc đang suy giảm nghiêm trọng.

Cuộc xung đột không mong muốn

Ngay từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi ở Việt Nam. Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch trên là ngăn chặn sự suy giảm số lượng voi, đảm bảo ít nhất 3 khu vực có voi sinh sống được bảo tồn, phát triển trong thế kỷ 21; giảm thiểu khả năng xung đột voi/người tại vùng có voi phân bố; bảo tồn và phát triển quần thể voi nhà tại tỉnh Đắk Lắk.

Theo giới chuyên gia, xung đột voi người xảy ra ở tất cả mọi nơi có voi trên thế giới, tồn tại khách quan và rất khó xử lý. Xung đột sẽ trở nên gay gắt nhất ở những nơi voi và con người cùng chia sẻ những nguồn tài nguyên ít ỏi để tồn tại.

Tại Đắk Lắk, ghi nhận từ những năm 2005 tới nay, xung đột xảy ra tại nhiều xã của 3 huyện Buôn Đôn, Ea Súp và Ea H’Leo. Hầu hết các xung đột này xảy ra đều liên quan tới việc suy giảm diện tích rừng, rừng bị phân mảnh, voi mất hành lang di chuyển kiếm ăn và kiếm nước uống. Ngược lại, hoa màu, lán trại của người dân cũng bị voi tàn phá, thậm chí tính mạng của người dân cũng bị đe doạ.

Ngày 22/12 vừa qua, tại huyện Ea Súp, Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị triển khai chính sách bảo tồn voi và Hội thảo các giải pháp giảm thiểu xung đột giữa voi với người. Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắc, từ tháng 6/2012 đến nay đã có trên 80 đợt voi hoang dã di chuyển đến những khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp của nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Buôn Đôn, Cư M’gar và Ea Súp. Riêng năm 2016, đến thời điểm hiện nay đã có 25 đợt voi hoang dã xuất hiện phá hoại nhiều diện tích hoa màu, chòi rẫy, lán tạm… của nhân dân và doanh nghiệp.

Điển hình, tại huyện Buôn Đôn, đàn voi rừng đã tấn công làm chết một con voi nhà đang thả kiếm ăn trong Vườn quốc gia Yok Đôn, phá hoại hơn 10 ha hoa màu của người dân buôn Đrang Phốc, xã Krông Na gây thiệt hại hơn 284 triệu đồng.

Theo phân tích của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắc, có nhiều nguyên nhân dẫn đến xung đột giữa voi hoang dã với con người, nhưng nguyên nhân chính dẫn đến xung đột là do diện tích rừng bị thu hẹp khiến môi trường sống của voi bị ảnh hưởng. Cụ thể, những năm gần đây, tình trạng dân di cư tự do, phá rừng chiếm đất lâm nghiệp diễn ra phức tạp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và người dân sản xuất nông, lâm nghiệp xen kẽ trong khu vực có voi hoang dã cư trú, di chuyển và trồng các loại cây như lúa, ngô, chuối, đậu… là những thức ăn mà voi ưa thích khiến cho xung đột giữa voi và người luôn diễn ra. Đặc biệt, voi rừng bị săn bắn, sát hại ngày càng gia tăng khiến voi trở nên hung giữ, tăng nguy cơ voi tấn công người…

Theo Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, từ ngày 19/10 đến nay, hầu như đêm nào đàn voi rừng về gần các khu dân cư xã vùng sâu Krông Na (huyện Buôn Đôn) để tìm kiếm thức ăn và phá hoại hoa màu của đồng bào các dân tộc. Đặc biệt, đàn voi rừng này rất hung dữ, liên tục tấn công và làm bị thương năm con voi nhà của các hộ đồng bào dân tộc xã Krông Na và của Công ty du lịch Bản Đôn.

PGS.TS Bảo Huy- Phó trưởng Khoa Nông Lâm nghiệp, Trường ĐH Tây Nguyên, đánh giá: Việc nuôi voi riêng lẻ, phục vụ du lịch đã hạn chế khả năng sinh sản của voi. Nếu chúng ta không hành động khẩn trương thì chỉ khoảng 20 năm nữa, voi nhà ở Đắk Lắk sẽ tuyệt chủng. PGS Bảo Huy cũng cho rằng, môi trường sống bị xâm hại, chia cắt làm mất hành lang di chuyển theo mùa của voi để tìm kiếm thức ăn, gặp gỡ và giao phối.

Những hành động khẩn cấp

Việt Nam đã có đầy đủ các quy định về pháp luật và các văn bản dưới luật liên quan tới bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn động vật hoang dã nói chung có liên quan tới voi cũng như nhiều chính sách liên quan tới bảo tồn voi được ban hành. Tuy nhiên, hoạt động bảo tồn voi mới chỉ thật sự bắt đầu từ năm 2010 và chủ yếu ở 3 tỉnh còn voi phân bố nhiều nói trên. Do đó, hiểu biết về voi, tập tính của chúng, các phương pháp bảo tồn hiệu quả hiện vẫn còn hạn chế tại Việt Nam. Chính vì vậy, việc giải quyết xung đột giữa người và voi tại Việt Nam vẫn còn chưa được thực hiện hiệu quả.

“Nếu Việt Nam để mất đi loài vật đẹp đẽ này, chúng ta sẽ khó có thể kêu gọi sự đầu tư của chính phủ và các tổ chức nước ngoài khác cho bảo tồn. Vì vậy, đây là cuộc chiến không chỉ nhằm bảo vệ loài voi mà còn bảo vệ thiên nhiên và các loài của Việt Nam” ông Văn Ngọc Thịnh- Giám đốc WWF-Việt Nam cho biết. Ông theo ông Thịnh, hiện nay, Tây Nguyên là địa bàn có đàn voi hoang dã lớn nhất cả nước, chiếm khoảng 70% quần thể voi tự nhiên toàn quốc. Vì vậy cứu được đàn voi hoang dã Tây Nguyên là bảo tồn hiệu quả quần thể voi rừng châu Á của Việt Nam.

Còn ông Đỗ Quang Tùng- Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn thì lo lắng cho rằng: Chúng ta không thể ngồi chờ các dự án được phê duyệt, chờ sự giúp đỡ từ bên ngoài mà phải thực hiện ngay từ bây giờ mới có thể cứu được voi hoang dã Việt Nam.

Sao la.

Sao la là loài thú mới được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại Việt Nam vào tháng 5-1992. Vào thời điểm đó, việc khám phá ra loài sao la đã gây chấn động trên thế giới vì giới khoa học cho rằng, việc tìm thấy một loài thú lớn vào cuối thế kỷ 20 là chuyện khó có thể xảy ra. Với sự tồn tại bấp bênh của mình, loài này hiện được xếp vào danh mục những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao ở Việt Nam. Trong ảnh là con sao la được tìm thấy tại Việt Nam năm 1992.

Voọc chà vá

Năm 2016, Voọc chà vá chân nâu được cộng đồng đề xuất chọn trở thành biểu tượng đa dạng sinh học của thành phố Đà Nẵng. Thế nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, tại bán đảo Sơn Trà - nơi sinh sống của 300 cá thể Voọc, đã xảy ra 2 vụ chặt phá rừng, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống của loài vật này. Công tác bảo vệ, bảo tồn Voọc chà vá chân nâu - báu vật của Sơn Trà đang đứng trước nhiều thách thức.

Bò tót.

Bò tót (còn gọi là con min) là loài to nhất trong họ nhà bò, với chiều cao có thể tới trên 2m, nặng trên 2 tấn. Đáng tiếc, đây cũng là giống bò bị tàn sát nhiều nhất. Hiện nay, tại Việt Nam chỉ còn khoảng 300 con bò tót, phân bố tại các vườn quốc gia ở Lào Cai, Kon Tum, Lâm Đồng. Những đàn bò tót này đang đứng trước hiểm họa diệt chủng cao do rừng bị chặt phá và nạn săn trộm thú quý.

P.H.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Voi và câu chuyện của con người

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO