Vốn vay đầu tư bất động sản: Phòng vệ cũng là để tránh rủi ro

Thúy Hằng (thực hiện) 14/06/2022 07:55

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề vốn vay đầu tư bất động sản, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, lĩnh vực bất động sản rủi ro thì cần thận trọng nhưng không nên đặt vấn đề siết hay cấm cho vay. Thay vào đó cần phải xem xét, chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Hùng.

Theo ông Hùng, đồng hành là để hỗ trợ, không xảy ra tình trạng thị trường bất động sản “sốt nóng, sốt lạnh”, bởi nếu xảy ra sốt nóng hay sốt lạnh thì không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) mà còn tới các tổ chức tín dụng.

PV: Có tới 70% tài sản bảo đảm các tổ chức tín dụng là BĐS, nếu thị trường này có vấn đề thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngân hàng. Vì vậy, ngân hàng phải xem xét cho vay đầu tư lĩnh vực BĐS hết sức thận trọng, thưa ông?

Ông NGUYỄN QUỐC HÙNG: Ngành ngân hàng không đặt vấn đề siết hay cấm tín dụng BĐS, nhưng luôn cảnh báo rủi ro và bản thân các ngân hàng phải thận trọng với các khoản vay này. Đến 70% tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng là BĐS, một con số quá lớn. Trong khi giá BĐS đang bị đẩy cao, nếu thị trường đi xuống thì bản thân các ngân hàng sẽ chịu nhiều rủi ro.

Ngành kinh doanh BĐS đang rất khó khăn nhưng giá BĐS tăng gấp mấy lần. Ngành ngân hàng có ảnh hưởng không? Tôi nghĩ ngân hàng có ảnh hưởng và trong lúc này ngành ngân hàng nên xem xét cho vay BĐS một cách thận trọng.

Giả sử trước đây, nhà này giá 100 triệu đồng/m2, ngân hàng cho vay 50% thì chỉ cho vay 50 triệu đồng thôi. Nhưng bây giờ 300 triệu đồng/m2, thì phải cho vay 150 triệu đồng. Vậy khi BĐS xuống thì ai chịu rủi ro? Cho nên bản thân các ngân hàng cũng phải thấy được cái rủi ro cho chính mình. Nếu cứ cho vay nhiều, đến khi không thể bán được, sẽ cực kỳ khó khăn.

Với tỷ lệ cho vay 50% giá trị tài sản thì khi giá bất động sản xuống, thậm chí là thị trường “đóng băng”, ông có nhìn nhận gì về rủi ro này?

- Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang điều hành chính sách tiền tệ đối với lĩnh vực BĐS rất linh hoạt. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng nên rà soát lại các hoạt động cho vay này, nếu có sự “lập lờ” giữa cho vay nhà ở với cho vay kinh doanh BĐS thì hệ số an toàn của tổ chức tín dụng sẽ sụt xuống rất lớn vì hệ số hệ số rủi ro với tín dụng kinh doanh BĐS ở mức rất cao, lên đến 200-250%. Mặc dù vậy, BĐS vẫn là ngành rất quan trọng của nền kinh tế, nên phải có sự nhìn nhận đúng đắn, có sự quản lý phù hợp, không nên “siết” như giai đoạn 2009-2010.

Dòng tiền ngân hàng vào bất động sản kiểm soát kỹ chứ không phải là “đóng cửa”.

Theo ông, các ngân hàng cần có những giải pháp phòng vệ như thế nào?

- Hiện tại, các tổ chức tín dụng đều có sự đổi mới, tự phòng vệ khi đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ cho những khoản nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu. Thậm chí có những tổ chức tín dụng dù tình hình tài chính lành mạnh nhưng đã có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao hơn nhiều so với tỷ lệ nợ xấu thực tế. Do vậy, nhiều tổ chức tín dụng đã đặt vấn đề tăng vốn điều lệ trong năm 2022, qua đó giúp nâng cao năng lực tài chính, mở rộng trích lập dự phòng rủi ro để đảm bảo an toàn hoạt động.

Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, nếu chỉ nỗ lực của ngân hàng là chưa đủ mà cần có hành lang pháp lý đủ mạnh. Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, chúng tôi sẽ rà soát tất cả các văn bản pháp luật liên quan và sẽ có văn bản kiến nghị lên Chính phủ để xem xét trong quá trình sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, điều chỉnh tại những luật liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Kinh doanh BĐS … để làm sao đảm bảo được quyền lợi, trách nhiệm của ngân hàng và người đi vay và sự phối hợp của các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong việc xử lý nợ.

Về vấn đề phòng tránh rủi ro khi triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, hiện Ngân hàng Nhà nước đã có thông tư hướng dẫn hạch toán, với nhiều cơ chế thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho ngân hàng triển khai được. Một trong những nguyên tắc của việc hỗ trợ lãi suất là không hạ chuẩn cho vay, chỉ khi nào doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật mới được tiếp cận nguồn vốn này. Do vậy, các ngân hàng phải thẩm định đánh giá hiệu quả dự án chặt chẽ, trên tinh thần quyết tâm cao, thực hiện đúng trách nhiệm, đồng bộ và nghiêm túc.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vốn vay đầu tư bất động sản: Phòng vệ cũng là để tránh rủi ro

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO