Vòng xoáy tín dụng đen

Kiên Long 12/03/2016 11:30

Ốm đau bệnh tật, thua lỗ trong kinh doanh, đỏ đen cờ bạc, khó khăn quẫn bách trong cuộc sống... là vô số nguyên nhân đưa người dân vào vòng xoáy của tín dụng đen. Vòng xoáy của những hệ lụy bủa vây không lối thoát; là những câu chuyện buồn; những bất ổn cho không chỉ một nhóm nạn nhân mà cả xã hội. Hậu quả nghiêm trọng ấy đã nhiều lần được cảnh báo…nhưng xã hội vẫn tồn tại những hiện hữu đáng lo âu.  

Vòng xoáy tín dụng đen

Tranh minh họa.

Nói đến “tín dụng đen” là nhắc đến một hoạt động cho vay vốn bất hợp pháp, không được phép hoạt động cho vay, nhưng vẫn tiến hành cho vay và cho vay với lãi suất “cắt cổ”, vượt mọi trần cho phép của Nhà nước. Sự giản đơn trong tiếp cận, nhanh chóng trong giải ngân, trao tay trong quan hệ đã khiến dòng tín dụng “ngầm” này len lỏi vào mọi ngõ ngách xã hội, cuốn người túng quẫn vào vòng xoáy một cách nhanh chóng.

Lãi suất cao “cắt cổ”, lãi mẹ đẻ lãi con, khiến con nợ cầm tiền tưởng thoát ra khỏi khốn cùng này thì lại rơi vào bẫy của khốn cùng khác. Là mất nhà, mất đất, là không thoát ra khỏi nợ nần, là tán gia bại sản; là xã hội đen sẵn sàng xuống tay khi không trao tài sản…Mà hậu quả là những bất ổn định về an ninh trật tự; là những vấn đề xã hội nhức nhối kéo dài.

Một vụ tín dụng đen mà từ Trung ương tới địa phương phải vào cuộc xử lý. Chiều 10/3 vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau đã phải có cuộc họp để xử lý tình hình tín dụng đen ở tỉnh này. Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch tỉnh đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng thời yêu cầu ngành công an địa phương vào cuộc điều tra làm rõ.

“Nếu có tình trạng người cho vay nặng lãi sử dụng xã hội đen để hành hung, trấn áp, buộc con nợ giao nhà, đất, hoặc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của công dân thì phải bắt ngay”, cho đến khi có cuộc họp và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch tình này thì vòng xoáy tín dụng đen ở đây đã trở nên nóng.

Hiện Cơ quan điều tra đang làm rõ việc vay mượn của những người nông dân với bà Nguyễn Thị Bé Tám ở ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, từ việc cho vay có tổ chức, cò mồi, hợp đồng chuyển nhượng tài sản, với rất nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân...

Theo cơ quan chức năng, thực tế mỗi năm đã xảy ra khoảng 1.500 vụ vỡ tín dụng đen. Từ năm 2010 đến nay có khoảng 5.000 vụ việc liên quan đến tội phạm tín dụng đen. Liên tục xảy ra các vụ xiết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, điện thoại, nhắn tin khủng bố, ném chất bẩn vào nhà... Đối tượng con nợ cũng đủ loại từ sinh viên cho đến nông dân, công chức. Thậm chí có trường hợp phải tự vẫn vì nợ nần.

Chuyện công nhân ở TP HCM dịp Tết cần tiền về quê hay mua sắm chỉ cần cắm cái thẻ ATM, hoặc thẻ công nhân, chứng minh thư là có thể vay được mấy chục triệu đồng. Với người có xe, nhà thế chấp thì vay ngay được hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng. Đôi bên cùng chấp nhận cái lãi suất từ 1-2 ngàn đồng, hay hàng triệu đồng mỗi ngày. Điều đó cho thấy tín dụng đen dễ dàng len lỏi vào đời sống đến thế nào.

Điều 467 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định, lãi suất do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định. Bộ luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2017) quy định lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20% của khoản tiền vay. Nếu lãi suất vượt quá giới hạn quy định thì mức lãi suất không có hiệu lực.

Điều 163 BLHS năm 1999 quy định: “1.Người nào cho vay với lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến 10 lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm; 2.Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”. Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016) quy định: người nào cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi cao nhất quy định trong Bộ Luật Dân sự thì tùy mức độ thu lợi bất chính, mức độ vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỉ đồng, hoặc có thể bị phạt tù đến 3 năm.

Quy định của pháp luật như vậy nhưng theo các cơ quan chức năng để chứng minh, xử lý được các đối tượng cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” không dễ, vì sự tinh vi của các đối tượng cho vay, vì những khế ước,hợp đồng che đậy cho quan hệ nặng lãi này được chính nạn nhân cùng góp sức bằng những văn bản có hình thức “chặt chẽ” và khó lòng chứng minh “phạm luật”. Nạn nhân cũng chỉ tìm đến cơ quan pháp luật khi vụ việc đã bị vỡ lở, khi đã mất nhà, mất đất.

Tín dụng đen sẽ vẫn còn hoành hành khi nhu cầu vay nóng trong dân vẫn lớn cộng với sự lỏng lẻo trong quản lý và thiếu chế tài xử lý. Để hạn chế nạn này thì ngoài tuyên truyền để người dân hiểu, xử lý nghiêm kẻ cho vay nặng lãi, Nhà nước cần có những biện pháp như mở rộng hình thức tín dụng tiêu dùng một cách hợp lý, hỗ trợ kịp thời, đáp ứng nhu cầu của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vòng xoáy tín dụng đen

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO