Vụ 70 thanh, thiếu niên mang phóng lợn đi 'diễu phố' ở Đà Nẵng: Chuyên gia tội phạm học nói gì?

Bình Nguyên 24/03/2022 19:00

Liên quan đến vụ gần 100 thanh, thiếu niên mang theo dao nhọn cán dài (phóng lợn) làm náo loạn đường phố ở Đà Nẵng vào đêm 19 và 20/3, chiều 24/3 phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi nhanh với Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện an ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Kêu gọi nickname "Cu Tý" ra trình diện

Chiều 24/3, tin từ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Đà Nẵng cho biết, cơ quan này đang phối hợp chặt chẽ với Công an thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, truy tìm hàng chục thanh, thiếu niên còn lại trong số hơn 70 thanh, thiếu niên mang theo dao nhọn cán dài (phóng lợn) đi xe máy, làm náo loạn các tuyến đường của Đà Nẵng vào đêm 19 và 20/3.

12 thanh, thiếu niên mang phóng lợn đi diễu phố được Công an Đà Nẵng triệu tập vào sáng 24/3. Ảnh CSGT Đà Nẵng cung cấp.

Đặc biệt, Cảnh sát hình sự, Công an TP Đà Nẵng kêu gọi chủ tài khoản facebook có nickname “Cu Tý” (tên thật là Phạm Ngọc N. 16 tuổi, trú tại khối phố 2A, phường Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) nhanh chóng đến trình diện tại cơ quan công an gần nhất.

Cảnh sát hình sự và CSGT lấy lời khai của 2 trong số 70 thiếu niên gây náo loạn đường phố Đà Nẵng đêm 19, 20/3. Ảnh CSGT Đà Nẵng cung cấp.

Theo xác minh ban đầu của Công an TP Đà Nẵng, Phạm Ngọc N. là thiếu niên đã lên facebook kích động, rủ rê gần 100 thanh, thiếu niên (đang học tại các trường THCS, THPT ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam và quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) mang hung khí đi tìm nhau để hỗn chiến vào đêm 19 và 20/3.

Hung khí tự chế của nhóm thanh, thiếu niên. Ảnh CSGT Đà Nẵng cung cấp.

Sáng cùng ngày, CSGT, Cảnh sát hình sự Công an TP Đà Nẵng đã triệu tập lấy lời khai của 12 thanh, thiếu niên mang hung khí đi tham gia hỗn chiến làm náo loạn đường phố Đà Nẵng.

12 thanh, thiếu niên (có năm sinh từ 2004 đến 2006, là học sinh tại các trường THPT, THCS của thị xã Điện Bàn) được Công an triệu tập khai nhận, tất cả đều là thành viên hội nhóm trên facebook.

Xe máy được nhóm thanh thiếu niên dùng khẩu trang che biển số. Ảnh CSGT Đà Nẵng cung cấp.

Đêm 19 và 20/3, nhóm thanh, thiếu niên (trú tại các phường Điện Nam Trung, Điện Nam Bắc, Điện Nam Đông, học sinh trường THPT Lương Thế Vinh và Trường THCS Nguyễn Đức An, phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn) được nickname Facebook “Cu Tý” rủ đi “rũ sổ” nhóm thanh, thiếu niên trú tại phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng.

Nhóm thanh, thiếu niên ở Điện bàn nhanh chóng hưởng ứng, vác “phóng lợn” di chuyển trên 30 xe máy ra Đà Nẵng, tập kết tại một bãi đất hoang trên địa bàn phường Hòa Quý chờ hỗn chiến. Do nhóm đối thủ không đến điểm hẹn, gần 100 thanh, thiếu niên ở Điện Bàn đã vác “phóng lợn” diễu qua các tuyến đường của quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng để “thị uy”.

Trích xuất camera, CSGT Công an TP Đà Nẵng xác định có ít nhất 70 thanh thiếu niên và 30 xe máy trong vụ “hỗn chiến bất thành” gây náo loạn đường phố vào đêm 19 và 20/3

Mặt trái của mạng xã hội

Trước hiện tượng xã hội khá phổ biến với hình ảnh hàng chục, hàng trăm thanh, thiếu niên di chuyển bằng xe máy, mang theo hung khí “phóng lợn”đi diễu phố; chiều 24/3, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi nhanh với chuyên gia tội phạm học - Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện an ninh phi truyền thống Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ông Thìn nhìn nhận: Việc cùng lúc có vài chục, thậm chí cả trăm thanh, thiếu niên kéo nhau đi thanh toán đối thủ không chỉ xảy ra ở Đà Nẵng mà đã từng xảy ra ở nhiều địa phương khác trên cả nước.

Đầu tiên phải khẳng định đây không phải là hành vi có tổ chức (theo kiểu băng, nhóm) mà là hành động tự phát do tâm lý lứa tuổi (thích phiêu lưu, mạo hiểm, chưa hoàn thiện nhân cách, dễ bị kích động, lôi cuốn theo hiện tượng xã hội).

Thanh, thiếu niên ở tuổi mới lớn thường có xu hướng kết bạn, thể hiện bản thân trên mạng xã hội mà không cần nghĩ đến hậu quả. Đây chính là một trong những mặt trái của mạng xã hội đối với lứa tuổi thanh, thiếu niên (đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên).

70 thanh, thiếu niên mang "phóng lợn" từ Quảng Nam ra, gây náo loạn đường phố Đà Nẵng. Ảnh từ clip.

Mạng xã hội Facebook kết nối, lôi kéo rất nhanh thanh, thiếu niên vào các vụ việc có đông thành phần cùng tham gia, nhất là các vụ việc thanh toán nhau. Theo Đại tá, PG.TS Đỗ Cảnh Thìn, việc thanh, thiếu niên ở Đà Nẵng hay ở bất cứ địa phương nào cùng mang theo một loại hung khí là dao nhọn hàn chặt với ống hay thanh sắt dài (phóng lợn) đi hỗn chiến, đi “diễu phố” cũng xuất phát từ tâm lý lứa tuổi. Hình ảnh dao nhọn cán dài (phóng lợn) xuất hiện đầu tiên ở Hà Nội, đưa lên mạng xã hội và được thanh, thiếu niên học theo rất nhanh. Hung khí phóng lợn dễ đặt, dễ làm nên nhanh chóng trở nên phổ biến.

Đại tá, PGS.TS Đỗ cảnh Thìn cho rằng, cùng với lên án, áp dụng chế tài của pháp luật; mỗi gia đình phải là một pháo đài ngăn chặn các hành vi bột phát mà không nghĩ đến hậu quả của lứa tuổi mới lớn khi tham gia vào hội, nhóm trên mạng. Báo chí, truyền thông cũng cần lan tỏa những hành động tốt - đặc biệt là cái giá phải trả cho những hành động thiếu cân nhắc, thiếu suy nghĩ của thanh, thiếu niên.

Trong một diễn biến liên quan, chiều 24/3, Công an TP Đà Nẵng cho biết, đã bắt giữ đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm về tội danh giết người tên là Huỳnh Văn Vương (34 tuổi, trú tại phường Mân Thái, quận Sơn Trà). Đêm 25/4/2021, sau khi cùng với 30 đối tượng khác gây ra vụ hỗn đâm chém, nổ súng thanh toán nhau do mâu thuẫn tại khu vực giao cắt đường Lê Đức Thọ - Ngô Thì Hiệu, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Huỳnh Văn Vương đã bỏ trốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ 70 thanh, thiếu niên mang phóng lợn đi 'diễu phố' ở Đà Nẵng: Chuyên gia tội phạm học nói gì?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO