Vụ án cố ý làm trái tại BHXH Việt Nam: Thất thoát hàng nghìn tỷ đồng vì cho vay

Tinh Anh 20/09/2019 08:00

Ngày 19/9, phiên tòa sơ thẩm xét xử cựu Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH, cựu Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng, cựu Tổng Giám đốc Nguyễn Huy Ban cùng thuộc cấp từng là các lãnh đạo chủ chốt tại BHXH Việt Nam, tiếp tục với phần thẩm vấn.

Trước cáo buộc của Viện KSND Tối cao về việc, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, làm thất thoát tiền của Quỹ BHXH gần 1.700 tỷ đồng, cựu Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH, cựu Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng biện minh: Sở dĩ đồng ý cho Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II) vay tiền Quỹ BHXH bởi vì không biết đó là vi phạm pháp luật. Trả lời về thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng của Quỹ BHXH do ALC II đã bị tuyên bố phá sản không có khả năng thanh toán, cựu Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng tiếp tục biện minh rằng, lúc cho ALC II vay tiền thì không có ai cảnh báo với bị cáo rằng đơn vị này hoạt động yếu kém.

Để tự bào chữa cho hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, cựu Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH, cựu Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng còn khai rằng, lúc đó BHXH Việt Nam đang có nhiều tiền nhàn rỗi, nếu không tận dụng cho vay thì sẽ rất lãng phí bởi lãi suất cho vay lên tới vài tỷ đồng/ngày. Do vậy, năm 2008, khi bị án (tử hình) Vũ Quốc Hảo (cựu Tổng Giám đốc ALC II) đặt vấn đề vay tiền, cộng với việc Ngân hàng Agribank đồng thời phát hành 3 thư bảo lãnh cho ALC II, các cựu lãnh đạo BHXH Việt Nam đã nhắm mắt gật đầu ký hợp đồng cho đơn vị này vay vốn từ Quỹ BHXH.

Tính đến thời điểm 2018, khi ALC II bị TAND TP.HCM tuyên bố phá sản, Vũ Quốc Hảo và hàng loạt thuộc cấp bị đưa ra xét xử với tội danh tham ô tài sản, lãnh đạo BHXH Việt Nam đã ký 14 hợp đồng cho ALC II vay vốn, song chỉ tất toán được 1 hợp đồng ngắn hạn, còn lại 13 hợp đồng hoàn toàn không có khả năng thanh toán, làm thiệt hại của Quỹ BHXH khoảng 1.697 tỷ đồng (hơn 769 tỷ tiền gốc, hơn 928 tỷ tiền lãi).

Chưa dừng lại, cựu Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng còn thao thao biện luận với HĐXX rằng số tiền bị thiệt hại của Quỹ BHXH còn nhỏ hơn rất nhiều so với số tiền lãi mà bị cáo đã mang về từ việc cho vay trái pháp luật. Cụ thể, cựu Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Lê Bạch Hồng tính toán: Trong giai đoạn 2010-2015, Quỹ BHXH chỉ bị thiệt hại hơn 100 tỷ đồng trong khi mang về tới 51.000 tỷ đồng tiền lãi vay.

Cũng theo lời khai của cựu Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Lê Bạch Hồng, Ngân hàng Agribank từng cam kết trả nợ, không từ bỏ nghĩa vụ bảo lãnh bằng việc gửi công văn khẳng định sẽ chịu trách nhiệm và thực tế họ đã trả 200 tỷ đồng. Tại tòa, bị án Vũ Quốc Hảo cũng khẳng định, sở dĩ vay được tiền của BHXH Việt Nam vì có sự bảo lãnh của Agribank, nếu không có bảo lãnh ALC II sẽ không được vay tiền. Với lý do trên, đại diện BHXH có mặt tại phiên tòa cũng đề nghị HĐXX tuyên Agribank phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trả cho Quỹ BHXH số tiền ALC II đã vay. Tuy nhiên, đại diện Agribank đã bác bỏ các cáo buộc trên, đồng thời khẳng định 3 văn bản bảo lãnh mà ngân hàng này phát hành hoàn toàn không liên quan tới 14 hợp đồng vay tiền giữa ALC II và BHXH Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ án cố ý làm trái tại BHXH Việt Nam: Thất thoát hàng nghìn tỷ đồng vì cho vay

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO