2 cựu tướng công an chối việc bảo kê đánh bạc

Tinh Anh 21/11/2018 07:30

Ngày 20/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử 2 cựu tướng công an và các bị cáo trong đường dây đánh bạc online hàng nghìn tỷ đồng tiếp tục với phần xét hỏi. Trả lời HĐXX, cả cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh và cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa đều khẳng định không bảo kê cho Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam tổ chức đánh bạc, chỉ lơ là chức trách được giao...

2 cựu tướng công an  chối việc bảo kê đánh bạc

Quang cảnh phiên tòa, ngày 20/11.

Lập công ty bình phong trái quy định

Tại tòa, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50 cũ), cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa khai: Khi được điều động về làm Cục trưởng C50, có 9 nhiệm vụ được giao mà trong đó nhiệm vụ thứ 9 là C50 phải thành lập một công ty bình phong, nghiệp vụ. Một Thứ trưởng Bộ Công an (đã mất) gọi lên giới thiệu “thằng cháu” để về C50 phụ trách công ty bình phong khi thành lập (người này hiện vẫn làm ở C50 – lời khai của bị cáo Hóa). Tuy nhiên, cựu Cục trưởng C50 nói cháu vị thứ trưởng không có khả năng làm doanh nghiệp thì không thể phụ trách công ty bình phong, thì cấp trên giới thiệu Nguyễn Văn Dương, lúc đó là Chủ tịch HĐQT Công ty UDIC.

Sau đó một thời gian ngắn, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh lại giới thiệu cựu Chủ tịch UDIC với cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa tại 40 Hàng Bài, nói Nguyễn Văn Dương tuy làm xây dựng nhưng rất đam mê, am hiểu công nghệ và yêu cầu bị cáo Hóa làm tờ trình để lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát phê duyệt về việc thành lập công ty bình phong giao cho bị cáo Dương phụ trách. Còn cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh khai: Theo chủ trương của Bộ Công an, C50 được phép thành lập một công ty nghiệp vụ làm bình phong để thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm công nghệ cao. Ban Thường vụ Đảng uỷ Tổng cục Cảnh sát đã họp và giao cho C50 thành lập công ty nghiệp vụ, bằng việc góp vốn và cử người tham gia.

Cũng theo lời khai của cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hoá, sau khi nhận được chỉ đạo đã ký tờ trình báo cáo lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát về việc thành lập công ty nghiệp vụ. Trong tờ trình nêu rõ: C50 góp 20% vốn vào công ty nghiệp vụ và cử người tham gia. Sau đó cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa và cựu Chủ tịch CNC Nguyễn Văn Dương đã ký biên bản ghi nhớ về việc C50 góp 20% vốn vào công ty này đồng thời sẽ cử người tham gia. Tuy nhiên, trên thực tế ngay cả khi cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh ký quyết định phê chuẩn lập CNC làm công ty nghiệp vụ, thì C50 cũng không góp bất cứ đồng vốn nào vào CNC.

Cựu tướng công an đổ lỗi cho nhau

Tại tòa, cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh thừa nhận là người ký quyết định công nhận CNC là công ty bình phong của C50, song cựu tướng công an không quên nhấn mạnh với HĐXX rằng, chịu toàn bộ trách nhiệm với công ty bình phong là cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa. Còn cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa thì vin vào thực tế C50 không góp đồng vốn nào, đồng thời cũng không cử người tham gia CNC nên cho rằng đây chỉ là doanh nghiệp bình thường, không phải là công ty bình phong của C50 nên bị cáo không có trách nhiệm chỉ đạo, nắm bắt thông tin. “Việc C50 không góp vốn với CNC có thể hiểu rằng, CNC không phải là công ty nghiệp vụ của C50 mà chỉ là một công ty bình thường. C50 phối hợp với CNC để hoạt động nghiệp vụ, chứ bị cáo không ký văn bản nào thể hiện CNC là công ty nghiệp vụ của C50...”- cựu Cục trưởng C50 lập luận.

2 cựu tướng công an  chối việc bảo kê đánh bạc - 1

Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, Phan Văn Vĩnh tại tòa.

Trước thái độ không thành khẩn của cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, HĐXX đặt câu hỏi: Không thừa nhận CNC là công ty bình phong, tại sao không ra văn bản thông báo chấm dứt hợp tác với công ty này? Từ khi ký biên bản thoả thuận hợp tác với CNC cho đến khi vụ án bị phát hiện thì C50 có được chia lợi nhuận không? Cựu Cục trưởng C50 khai: Do sơ suất nên chưa kịp thời ra văn bản vô hiệu hoá biên bản ghi nhớ hợp tác ở thời điểm đó. Còn việc chia lợi nhuận thì hoàn toàn không có, bởi chính bị cáo cũng đã nói với Nguyễn Văn Dương là không hợp tác với CNC. Lập tức HĐXX gọi Nguyễn Văn Dương lên đối chất, song bị cáo Dương không muốn nói lại và đề nghị HĐXX xem xét lời khai của bị cáo trong hồ sơ vụ án. Theo lời khai của cựu Chủ tịch CNC tại CQĐT, bị cáo Dương đã chuyển cho C50 700 triệu đồng và bộ diệt virus trị giá 30.000 USD.

Về hành vi chống lưng cho đường dây đánh bạc online hàng nghìn tỷ đồng, cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh khai: Khi chọn CNC làm công ty bình phong của C50 thì công ty này chưa tổ chức đánh bạc. “Nói không phải đổ lỗi nhưng trình bày để HĐXX biết, tận tháng 11/2016, khi bị cáo Hóa trình văn bản báo cáo Bộ trưởng xin cho CNC tiếp tục hoạt động game bài, bị cáo hỏi: Đã yêu cầu bóc gỡ, đấu tranh xử lý nghiêm sao hôm nay còn tiếp tục đề nghị? Cục trưởng C50 vẫn khẳng định với bị cáo rằng CNC không phải tổ chức đánh bạc. Mọi luồng thông tin không được đến với bị cáo. Mọi dấu hiệu phạm pháp trong liên kết giữa CNC và VTC Online không đến được với bị cáo. Đó là điều khó nhất trong việc đấu tranh, chỉ đạo...”- cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh trình bày.

Liên quan đến chiếc đồng hồ trị giá 7.000 USD mà cựu Chủ tịch CNC Nguyễn Văn Dương khai đã biếu, cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh khẳng định, bị cáo đã trả tiền để mua chiếc đồng hồ này. Cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh khai: Bị cáo có đam mê chơi cây cảnh từ khoảng 30 năm nay, từ khi còn là chiến sĩ. Trong thời gian đó đã “tích lũy” được nhiều cây cảnh đẹp có giá trị, có những cây cảnh giá lên tới chục tỷ đồng. Còn số tiền mà Nguyễn Văn Dương khai “lại quả” cho cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thì bị cáo Phan Văn Vĩnh phủ nhận, CQĐT cũng chưa chứng minh được.

Chưa quy định không phép là phạm luật

Lý giải việc CNC và VTC Online ký hợp đồng hợp tác hoạt động tổ chức đánh bạc trá hình game bài Rikvip, cựu Cục trưởng C50 khai: Bị cáo được Phòng Tham mưu (thuộc C50) báo cáo việc hai công ty trên hoạt động không phép, nhưng không báo cáo là CNC và VTC Online tổ chức đánh bạc. Hơn nữa, vào thời điểm đó, pháp luật chưa quy định không có giấy phép hoạt động là vi phạm pháp luật. Cũng theo lời khai của Nguyễn Thanh Hóa, trách nhiệm và thẩm quyền kiểm tra và xử phạt hoạt động không phép của CNC và VTC Online là của Thanh tra Bộ TT-TT. Trái với lời khai của 2 trùm đường dây cờ bạc hàng nghìn tỷ đồng Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam, cựu tướng công an Nguyễn Thanh Hóa khẳng định, quá trình CNC hoạt động nhiều cơ quan đã vào cuộc thanh tra, kiểm tra nhưng không đơn vị nào báo cho C50 biết là công ty này đã vi phạm gì nên không có căn cứ để đấu tranh phòng ngừa.

2 cựu tướng công an  chối việc bảo kê đánh bạc - 2

Các bị cáo tại tòa.

Cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa tiếp tục tự bào chữa: C50 cũng không nhận được đơn thư tố cáo của quần chúng nhân dân về hành vi tổ chức đánh bạc của CNC và VTC Online nên không có cơ sở để xử lý hành vi vi phạm của CNC. Trong khi đó, chức năng nhiệm vụ của C50 được Bộ Công an giao là đấu tranh phòng chống đối với các loại tội phạm công nghệ cao, trong đó có tội phạm đánh bạc. Ngay lúc đó, Chủ tọa phiên tòa lập tức bóc mẽ cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa bằng việc công bố lời khai của cấp dưới cựu tướng công an này tại CQĐT. Lời khai thể hiện, cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa chỉ đạo cấp dưới làm văn bản báo cáo lãnh đạo Bộ Công an rằng, CNC và VTC Online hoạt động cổng thanh toán cho dịch vụ game bài Rikvip có giấy phép. Sĩ quan cấp dưới của cựu Cục trưởng C50 thấy không đúng sự thật hỏi lại thì bị cáo Hóa đã quát át đi. “Biết chỉ đạo của ông Hóa là sai, nhưng vì ông Hóa là thủ trưởng trực tiếp nên không dám không nghe”- lời khai sĩ quan cấp dưới của cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    2 cựu tướng công an chối việc bảo kê đánh bạc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO