Xử sơ thẩm lần 2 vụ 9 người chạy thận tử vong: Công tố viên đề nghị xử lý luật sư cản trở tòa

Hải Phong 22/01/2019 00:00

Ngày 21/1, trước khi tiếp tục phần thẩm vấn tại phiên tòa sơ thẩm xét xử 7 bị cáo trong vụ án chết 9 bệnh nhân chạy thận nhân tạo, Chủ tọa Nghiêm Hoài Anh tuyên bố: Luật sư Phạm Quang Hưng không cung cấp được chứng cứ, tài liệu mới làm mất thời gian và cản trở hoạt động của phiên tòa. Theo đó, đại diện VKS giữ quyền công tố đề nghị HĐXX có biện pháp xử lý đối với luật sư này.

Xử sơ thẩm lần 2 vụ 9 người chạy thận tử vong: Công tố viên đề nghị xử lý luật sư cản trở tòa

Các bị cáo tại tòa.

Không có việc đầu độc giết người

Chiều ngày 19/1, khi phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo trong vụ án sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng khiến 18 bệnh nhân bị tai biến sau đó 9 người tử vong đang diễn ra với phần thẩm vấn, thì bất ngờ Luật sư Phạm Quang Hưng (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn – GĐ Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn) đề nghị HĐXX cho dừng phiên tòa, trả hồ sơ điều tra theo hướng có sự tác động khác nghi dấu hiệu của đầu độc giết người.

Mặc dù Chủ tọa phiên tòa Nghiêm Hoài Anh đã cảnh báo Luật sư Hưng về việc nếu không cung cấp được chứng cứ mới, rõ ràng thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm vì cản trở hoạt động của tòa, nhưng ông Hưng vẫn khẳng định đang giữ trong tay bằng chứng vật chất khẳng định điều đó.

Ngay sau đó, HĐXX đã cho tạm dừng phiên tòa để thu thập chứng cứ với sự có mặt của đại diện VKS. Tuy nhiên, qua tiếp nhận và xem xét tài liệu do Luật sư Phạm Quang Hưng cung cấp, HĐXX xác định đây chỉ là bản kiến nghị cá nhân của vị luật sư này đề nghị trả hồ sơ điều tra theo hướng khác. Tất cả những số liệu, chứng cứ, tài liệu mà văn bản của Luật sư Hưng đề cập đều đã có trong hồ sơ vụ án, không có gì mới cả. Do vậy, sáng 21/1, Chủ tọa Nghiêm Hoài Anh tuyên bố bác “tài liệu mới” nghi đầu độc giết người do Luật sư Hưng cung cấp.

“Thực tế, trong buổi đó (chiều 19/1 - PV) Luật sư Phạm Quang Hưng không cung cấp được chứng cứ gì, chỉ có bản đề nghị xem xét yêu cầu về nguyên nhân dẫn đến tồn dư axit, hoàn toàn không có chứng cứ gì mới. Chứng cứ luật sư cung cấp đều có trong hồ sơ vụ án...” - Chủ tọa phiên tòa Nghiêm Hoài Anh thông báo.

Trước thông báo của Chủ tọa phiên tòa, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa nêu quan điểm: Bản trình bày của Luật sư Phạm Quang Hưng không cung cấp được chứng cứ mới mà chỉ phân tích dựa trên quan điểm cá nhân. Đây là những số liệu, chứng cứ đã được cơ quan điều tra đưa vào hồ sơ vụ án.

Công tố viên kiến nghị: “Với việc làm trên, Luật sư Phạm Quang Hưng đã làm gián đoạn phiên tòa, đề nghị HĐXX xem xét xử lý...”.

Ngay lập tức, Luật sư Phạm Quang Hưng đứng lên khẳng định chứng cứ của luật sư vừa giao nộp là “chứng cứ mới” với lập luận: Các cơ quan chức năng không có kết quả giám định chất lượng nước RO mà chỉ có kết quả giám định axit flohydric (HF) trong can nhựa thu tại hiện trường...

Lúc này Chủ tọa Nghiêm Hoài Anh buộc phải mời ông Hưng ngồi xuống, đồng thời nhắc nhở các luật sư nếu có tài liệu, chứng cứ mới thì cung cấp tại tòa để tránh việc xét xử bị gián đoạn. “Cần rõ ràng, tránh sự mập mờ, dễ bị suy diễn khiến nhân dân có thể hiểu theo chiều hướng không đúng...” – Chủ tọa phiên tòa Nghiêm Hoài Anh nhấn mạnh.

Lại phản cung

Sau khi bác “tài liệu mới” và tuyên bố có dấu hiệu đầu độc giết người của Luật sư Phạm Quang Hưng, HĐXX cho phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi. Lần lượt các đồng nghiệp của bị cáo Hoàng Công Lương (bao gồm cả các bác sĩ và điều dưỡng viên) được gọi lên trả lời thẩm vấn để làm rõ trách nhiệm của bị cáo Lương trong sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng khiến 9 bệnh nhân tử vong.

Tại tòa, Điều dưỡng viên Nguyễn Thu Hằng khai: Hôm xảy ra sự cố (29/5/2017), cả 3 bác sĩ của Đơn nguyên Thận nhân tạo gồm: Hoàng Công Lương, Nguyễn Mạnh Linh, Đặng Thị Huyền đều có mặt. Sau khi Điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp báo máy đã sửa xong, bác sĩ chỉ định nên các điều dưỡng đã cho chạy máy, không cần báo cáo trưởng, phó khoa...

Cũng theo lời khai của chị Hằng, các điều dưỡng trong Đơn nguyên Thận nhân tạo đều có trách nhiệm ngang nhau trong việc quản lý, sử dụng thiết bị y tế tại đây. Tuy nhiên, tại Đơn nguyên Thận nhân tạo, bị cáo Hoàng Công Lương là người có trách nhiệm cao nhất. Trả lời câu hỏi của luật sư về vị trí, vai trò của Hoàng Công Lương, bác sĩ Huyền cũng khẳng định tại Đơn nguyên Thận nhân tạo chỉ có duy nhất bị cáo Lương được quyền ra y lệnh, vì có đủ 2 điều kiện là chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ đào tạo kỹ thuật lọc máu. “Bác sĩ Lương ký vào bệnh án (của 2 bác sĩ Huyền và Linh - PV) là để đủ điều kiện ra y lệnh lọc máu và đủ điều kiện thanh toán bảo hiểm. Nếu Bác sĩ Lương đi vắng thì ủy quyền cho bác sĩ khác ra y lệnh...” - Bác sĩ Huyền khai.

Đáng chú ý, sau khi cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hoàng Công Lương, Bùi Mạnh Quốc và Trần Văn Sơn, các bác sĩ và điều dưỡng viên đều khai tại CQĐT là tại Đơn nguyên Thận nhân tạo chỉ có Hoàng Công Lương được ra y lệnh lọc máu, việc bị cáo này ký vào hồ sơ bệnh án của các bác sĩ Huyền và Linh là để chuẩn y việc lọc máu...

Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm lần 1 diễn ra vào tháng 5/2018, hầu hết các điều dưỡng viên và 2 bác sĩ Huyền và Linh đều phản cung tại tòa và khẳng định cả 3 bác sĩ tại Đơn nguyên Thận nhân tạo (Hoàng Công Lương, Nguyễn Mạnh Linh, Đặng Thị Huyền) có vai trò trách nhiệm, quyền hạn như nhau. Không hiểu vì lý do gì, đến phiên tòa sơ thẩm lần 2 này, họ lại thay đổi lời khai một lần nữa, trở lại lời khai ban đầu tại CQĐT.

Trước những lời khai bất lợi cho bản thân của nhóm cán bộ, nhân viên Đơn nguyên Thận nhân tạo, bị cáo Hoàng Công Lương không còn giữ im lặng nữa mà đã trả lời các câu hỏi của luật sư bào chữa. Bị cáo Hoàng Công Lương khẳng định, chưa bao giờ ủy quyền ra y lệnh lọc máu bởi không có quyền như thế. Khi bị cáo Hoàng Công Lương đi vắng, bác sĩ khác chỉ cần có chứng chỉ hành nghề là được quyền ra y lệnh lọc máu chạy thận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử sơ thẩm lần 2 vụ 9 người chạy thận tử vong: Công tố viên đề nghị xử lý luật sư cản trở tòa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO