Vụ Formosa: Mong mỏi của người dân Hà Tĩnh

Lê Na 01/07/2016 11:42

Khắc phục cái đã xảy ra, đó là bù đắp lại về kinh tế, đặc biệt phải xử lý, trả lại môi trường sinh thái biển, nghiên cứu lại quy trình và thiết bị công nghệ của mình… Đó là những mong muốn thiết thực của người dân Hà Tĩnh lúc này.

Vụ Formosa: Mong mỏi của người dân Hà Tĩnh

Formosa hai lần gập người xin lỗi Chính phủ và
nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, việc giải quyết sự cố không hề đơn giản.

7 đại diện đến từ Formosa hai lần gập người xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam, thừa nhận công ty là thủ phạm gây ra sự cố môi trường làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung.

Người dân Hà Tĩnh đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt các cơ quan trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và các nhà khoa học đã góp phần tìm ra nguyên nhân hải sản chết hàng loạt. Đồng thời cho rằng, đây là tín hiệu tích cực bước đầu để Formosa có thể khắc phục hậu quả và nghiêm túc thực hiện việc bảo vệ môi trường tại Việt Nam trong thời gian tới.

“Chờ đợi” là tâm lý chung của người dân Hà Tĩnh trong 85 ngày qua. Ông Đào Văn Tinh, Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, mặc dù chờ đợi nhưng người dân Hà Tĩnh nhận thức được kết quả công bố phải khách quan, trung thực, chính xác, đảm bảo tin cậy, tôn trọng khoa học cho nên không thể nhanh hơn.

Đến nay, tâm lý chờ đợi đã vơi đi phần nào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, người dân Hà Tĩnh cho rằng, tìm được nguyên nhân quan trọng nhưng cần quan tâm xử lý hậu quả trước mắt và lâu dài.

Vụ Formosa: Mong mỏi của người dân Hà Tĩnh - 1

Lãnh đạo Formosa cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam.

Khi xảy ra sự cố môi trường, việc giải quyết sự cố không đơn giản. Theo ông Đào Văn Tinh, phải làm theo trình tự đồng thời hoặc riêng biệt nhưng trước hết Fomosa phải thực sự thành khẩn, thấy được nguyên nhân làm ra và khắc phục. Nhưng khắc phục đầu tiên là khắc phục cái đã xảy ra, đó là bù đắp lại những cái gì về kinh tế.

“Không chỉ mấy người đi biển, ngư dân mà mối quan hệ rộng lớn xã hội là những người chế biến, tiêu thụ, thương nghiệp xung quanh nghề biền như: nghề muốn, chế biến nước mắm, du lịch sinh thái. Việc bù đắp như thế nào phải tính đúng, tính đủ, khách quan, công bằng và kịp thời” - ông Tinh khẳng định.

Điều thứ hai mà Fomosa phải làm đó là xử lý, trả lại môi trường sinh thái biển. Ông Đào Văn Tinh đưa ra ví dụ như ở Nhật Bản, việc xử lý môi trường biển rất lâu dài. Vì vậy, Fomosa phải chịu trách nhiệm về những vấn đề lâu dài đối với việc trả lại môi trường sinh thái biển.

Thứ ba, Fomosa phải nghiên cứu lại quy trình về thiết bị công nghệ của mình. Với sản phẩm như vậy đã thực sự phù hợp chưa?

“Formosa phải có trách nhiệm đền bù chuyện này, Đảng Nhà nước tiếp tục làm vấn đề này để buộc chủ đầu tư Formosa phải nghiêm chỉnh chấp hành hậu quả gây ra, nhưng đồng thời giải quyết lâu dài về trả lại môi trường kinh tế biển, không chỉ cho dân Hà Tĩnh. Tôi nghĩ vấn đề trả lại sinh thái biển là một quá trình lâu dài và phải nghiên cứu cả quá trình đầu tư. Nếu thấy vấn đề chưa hợp lý phải giải quyết. Cho nên qua đây phải rà soát tổng thể toàn bộ về vấn đề trong quá trình đầu tư, giải quyết triệt để, phải làm cả nước, cả khí, chất rắn và tiếng ồn” - ông Đào Văn Tinh khẳng định.

Cũng theo ông Đào Văn Tinh, trong thời gian tới, MTTQ và các tổ chức thành viên cùng các Đảng, Chính quyền tập trung khảo sát, kiểm đếm, thống kê chính xác không thể lợi dụng cơ hội này làm sai lệch theo ý của Đảng, Nhà nước.

Việc này, theo ông Tinh, không làm hời hợt mà từng hộ gia đình, hộ kinh doanh để đưa ra số liệu tin cậy. Đặc biệt phải giải quyết thực hiện chức năng giám sát của MTTQ và các tổ chức, giám sát đưa đến tận tay đối tượng mà Fomosa có trách nhiệm bồi thường.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, Hiệu trưởng trường Đại học Hà Tĩnh cho rằng, việc Formosa nhận trách nhiệm của mình đó là dấu hiệu tích cực. Bởi lẽ, doanh nghiệp đã sản xuất thường đi kèm tác động môi trường. Đây là tín hiệu tích cực bước đầu để Formosa có thể khắc phục hậu quả và nghiêm túc thực hiện việc bảo vệ môi trường tại Việt Nam trong thời gian tới.

“Fomosa đã gây ra sự cố môi trường trong thời gian qua là sự cố nghiêm trọng. Thời gian tới rất cần các biện pháp tích cực đảm bảo hiện tượng này không tái diễn nữa. Chính vì vậy, Chính phủ cần thực hiện các biện pháp phải củng cố xác nhận việc đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, tính đúng tính đủ hậu quả xã hội cũng như hậu quả môi trường trong quá trình sản xuất. Yêu cầu hoàn trả các chi phí gây ra cho môi trường”, ông Nguyễn Đình Thọ khẳng định.

Trước đó, đông đảo người dân Hà Tĩnh cho rằng, có được kết quả công bố chiều 30/6 về nguyên nhân cá chết hàng loạt thời gian qua là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cơ quan trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, không thể không nói đến sự đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Với những ngư dân chịu ảnh hưởng trực tiếp họ thấu hiểu việc tìm ra nguyên nhân sẽ giúp họ ổn định tư tưởng, lập trường vững vàng. Qua đó, nhờ Đảng, Chính phủ giải quyết hậu quả trước mắt và lâu dài, đảm bảo quyền lợi ngư dân, yên tâm bám biển.

Ngư dân Đặng Thành Vinh, thôn Tiến Thắng, xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh cho biết, 3 tháng vừa rồi, sau khi sự cố biển xảy ra, Formosa đã đứng ra chịu trách nhiệm việc này. “Người dân sống trên đất nước Việt Nam và bản thân chúng tôi là người Kỳ Anh nói riêng rất bức xúc với những gì họ gây ra, thiệt hại nặng nề với đời sống người dân”.

“Trước mắt chúng tôi nhờ Chính phủ đòi hỏi mọi mất mát của nhân dân. Thứ hai, bên phía Formosa phải đền bù mọi thiệt hại mà họ gây ra trước mắt cũng như lâu dài”.

Việc Fomosa nhận trách nhiệm của mình đó là dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, khi xảy ra sự cố môi trường, việc giải quyết sự cố không đơn giản. Trước hết, Formosa phải thực sự thành khẩn, thấy được nguyên nhân gây ra và hướng khắc phục. Khắc phục cái đã xảy ra, đó là bù đắp lại về kinh tế, đặc biệt phải xử lý, trả lại môi trường sinh thái biển, nghiên cứu lại quy trình và thiết bị công nghệ của mình… Đó là những mong muốn thiết thực của người dân Hà Tĩnh lúc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ Formosa: Mong mỏi của người dân Hà Tĩnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO